• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoại trưởng mới của Mỹ trước một thế giới vạn biến

Thế giới 19/03/2018 20:45

(Tổ Quốc) - Pompeo có khả năng thực hiện một số chính sách cứng rắn, kể cả với Trung Quốc.

Ngày 13/2/2018, Donald Trump đã quyết định thay Rex Tillerson, nguyên Giám đốc điều hành của hãng ExxonMobil, bằng Mike Pompeo, một sĩ quan thiết giáp, đương kim Giám đốc CIA, làm Ngoại trưởng Mỹ. Lý do được đồn thổi là Tổng thống Mỹ muốn lập một ê-kip mới chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nghe có vẻ chưa được thuyết phục, vì ông Tillerson không phải là người chống lại tiến trình đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều, trái lại từng đưa ra các tuyên bố cho thấy ủng hộ tiến trình này.

Nếu nói về bất đồng nổi bật giữa ngoại trưởng và tổng thống, phải nói đến Thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), được ký kết năm 2015. Rex Tillerson và nhiều nhân vật cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ không tán thành việc hủy bỏ hay đàm phán lại thỏa thuận này. Khi lên cầm quyền, Donald Trump quay ngoắt 180 độ đối với thỏa thuận, để tranh thủ cử tri gốc Do Thái, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của người con rể - Jared Kushner, có nguồn gốc Do Thái.

Ở cương vị ngoại trưởng, Pompeo trở thành nhân vật quan trọng thứ ba trong chính phủ Mỹ.

Song sâu xa  hơn, là những bất đồng khá sâu sắc trong nội bộ Mỹ trước tiến trình triển khai chính sách đối ngoại Mỹ. Rex Tillerson vừa thiếu kinh nghiệm, vừa chưa đủ cứng rắn và bị xem là ngoại trưởng “kém cỏi nhất”. “Hớ” lớn nhất của ông ta thể hiện trong chuyến thăm Bắc Kinh, tháng 3/2017, khi phát biểu đồng tình với Trung Quốc về việc “tránh xung đột, đối đầu”, xây dựng cơ sở “tôn trọng lẫn nhau”, phấn đấu “hai bên cùng thắng”. Ông lỡ tin theo quán tính, điều mà nhiều năm, Bắc Kinh đã dùng câu thần chú này để dẫn dắt cuộc chơi có lợi cho Trung Quốc.

Thái độ cứng rắn của Pompeo sẽ ảnh hưởng khá lớn quan hệ với Bắc Kinh

Mike Pompeo là nhân vật thuộc phái cứng rắng của đảng Cộng hòa.

Trong nhiều trường hợp, ông ta nhấn mạnh, Trung Quốc mới chính là mối đe dọa thật sự của nước Mỹ. Việc Donald Trump chọn Mike Pompeo làm ngoại trưởng đồng nghĩa với thông điệp gửi tới Trung Quốc “các anh là kẻ thù của chúng tôi”. Pompeo nói, nếu xem xét Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống thì sẽ thấy mọi hành vi của chính quyền Trump đối với Trung Quốc là rất rõ ràng, bất luận là về mậu dịch hay chiếm đoạt sản quyền hay là các hành động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông hay Biển Đông, chính phủ này đều chuẩn bị sẵn và cũng đang phản kích các uy hiếp của Trung Quốc, có như vậy Mỹ mới có được một quan hệ tốt với Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng 7/2017, Mike Pompeo nói, lâu nay, thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ là đến từ Trung Quốc chứ không phải Nga, “nhìn về trung và dài hạn, Trung Quốc có năng lực trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ; Trung Quốc đã không ngừng tăng cường lực lượng quân sự nhằm chống lại Mỹ trên toàn cầu”.

Sự cảnh tỉnh này đã được phản ánh vào Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, công bố cuối năm 2017.

Ngày 22/1/2018, M. Pompeo trả lời phỏng vấn của hãng CBS, nói, Trung Quốc đã tạo ra những uy hiếp đối với các xí nghiệp và cả nền kinh tế Mỹ. “Từ góc độ CIA, chúng tôi đang chú ý chặt chẽ đến năng lực phát triển kỹ thuật quân sự và kỹ thuật mạng của Trung Quốc... Vai trò của CIA là đảm bảo cho các nhà quyết sách của Mỹ hiểu rõ về các thách thức của Trung Quốc, để đưa ra các lựa chọn phản kích trước các thách thức đó”.

 Tờ Tin tức Mỹ và Thế giới, nhận xét, chính sách Trung Quốc của Donald Trump sẽ được Pompeo ủng hộ và điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đối với Bắc Kinh.

Quan điểm cứng rắn nhưng tương đồng với Tổng thống

Trả lời phỏng vấn truyền hình Fox, tháng 8/2017, M. Pompeo cho rằng, Venezuela có thể trở thành một nguy có đối với Mỹ; người Cuba,  Iran, Hezbollah có nguy cơ trở thành điểm xấu mà Mỹ phải tiếp nhận một cách nghiêm túc”.

Michael Shifter, Chủ tịch Trung tâm phân tích đối thoại liên Mỹ tại Washington, cho rằng “ông Pompeo hiếu chiến hơn và có khả năng thực hiện một số chính sách cứng rắn đối với Venezuela… Có khả năng thay đổi lớn chủ yếu tập trung vào công tác lãnh đạo quản lý, khác với ông Tillerson, người xuất thân từ ngành dầu mỏ và dường như không nắm  rõ bộ máy hành chính của chính phủ. Pompeo hiểu rõ hơn cách vận hành của Washington và có thể thiết lập một đội ngũ hiệu quả hơn trong Bộ Ngoại giao”.

 Chính quyền Trump đang chịu nhiều sức ép đối nội và đối ngoại. Bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đang đến gần, không có nhiều thời gian để chờ đợi. Mike Pompeo được “đề bạt” vào vị trí quan trọng thứ ba trong nội các Mỹ sẽ phải có hành động sớm mang lại kết quả. Thế giới bên ngoài theo dõi người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ hành động như thế nào để chuyển các quan điểm của  Tổng thống Trump, năng lực của bộ máy ngoại giao, và tầm nhìn của bản thân thành chính sách đối ngoại Mỹ hiệu quả trong một thế giới đang thay đổi vạn biến./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ