(Tổ Quốc) - Hôm thứ Ba (13/3), quyết định sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới kinh ngạc.
Thái độ không hài lòng của ông Trump dành cho Ngoại trưởng của mình không phải là điều quá mới mẻ; thậm chí tin tức về việc Giám đốc CIA Mike Pompeo có thể sẽ thế chân Tillerson đã xuất hiện từ mùa thu năm ngoái. Cho dù vậy, thông báo sa thải được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Tillerson kết thúc chuyến công du đầu tiên tới châu Phi và vào giữa thời điểm cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đang vô cùng được mong chờ - gây bất ngờ cho cả những chuyên gia đối ngoại dày dặn kinh nghiệm nhất.
Thông tin ông Tillerson bị sa thải được đích thân Tổng thống Trump tuyên bố qua… Twitter. Điều này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về một chính quyền Mỹ có vẻ như đang “chuộng” phong cách giải trí truyền hình, hơn là tuân theo các thủ tục thông thường.
“Ông Tillerson không được giới ngoại giao Mỹ ưa thích, nhưng ông có sự cân bằng và nhạy cảm trong hầu hết các lĩnh vực của chính sách đối ngoại,” Ian Bremmer, Chủ tịch của công ty tư vấn Eurasia viết trên Twitter. “Ông Pompeo rõ ràng là diều hâu hơn trong vấn đề Triều Tiên và Iran. Thật là một ngày đầy thách thức cho hành tinh này”.
Các nhà hoạt động nhân quyền cũng tỏ ra không hài lòng với tân Ngoại trưởng Mỹ. Họ thậm chí còn lo lắng hơn khi phó của ông Pompeo, bà Gina Haspel được thăng chức vào vị trí Giám đốc CIA.
Liên đoàn tự do dân sự Mỹ gọi bà Haspel là “nhân vật trung tâm trong một chương bất hợp pháp và đáng buồn nhất của lịch sử nước Mỹ hiện đại”.
Theo New York Times, một trong những người không ngạc nhiên nhất trước sự kiện hôm qua, chính là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Nikki Harley. Được cho là không hề ưa ông Tillerson, có tin tức cho rằng, bà Harley thậm chí còn không cho treo chân dung của ngài Ngoại trưởng trong trụ sở của phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc. Ngay sau khi quyết định của ông Trump được công bố, bà Đại sứ “vui vẻ” viết trên Twitter: “Xin gửi lời chúc mừng tới bạn của tôi và là người sẽ sớm trở thành Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Thật là một quyết định tuyệt vời của ngài Tổng thống”.
Tại Iran, trang web của hãng thông tấn IRNA đăng một bức ảnh khá đơn giản của ông Pompeo cùng vài dòng tin ngắn ngủi. Cựu Giám đốc CIA từng làm rõ rằng, khác với Tillerson, ông coi chính quyền Tehran là một mối nguy hại lớn hơn rất nhiều.
Còn từ châu Âu, cựu Thủ tướng Ý, Enrico Letta chia sẻ trên Twitter: “Điều này khiến nhiều người cười hơn nữa, bởi vì nó thường xảy ra khi ai đó nói xấu ông Trump. Còn tôi, tôi ngày càng sợ ông ấy [Trump] hơn”.
Ông Michael Roth, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức tweet: “Việc sa thải Rex Tillerson không có tác dụng gì cả”.
Ông Tillerson đã không còn là Ngoại trưởng Mỹ (ảnh: NYT) |
Nguyên nhân sa thải vì chỉ trích Nga?
Quyết định sa thải Ngoại trưởng Mỹ xuất hiện chỉ vài giờ sau khi ông Tillerson đưa ra một tuyên bố rõ ràng và đanh thép nhất cho đến thời điểm này, về vụ việc một cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Salisbury, Anh hôm 4/3 vừa qua.
“Tôi rất lo ngại về Nga,” ông Tillerson nói với các phóng viên. “Trong suốt năm qua, chúng ta đã bỏ nhiều công sức để cố gắng làm việc cùng nhau, nhằm giải quyết các vấn đề khác biệt. Và nói thật, sau một năm, chúng ta vẫn chưa đi được đến đâu. Thay vào đó, những gì chúng ta đã chứng kiến là việc họ ngày càng hiếu chiến hơn”.
Ông Tillerson cho biết thêm: “Nếu cuộc tấn công tại Anh trong thực tế là sản phẩm của chính phủ Nga thì đó là một hành động rất nghiêm trọng”.
Một số ý kiến cho rằng, những lời chỉ trích của ông Tillerson trước Nga không phải là một sự tình cờ đối với việc ông phải rời bỏ chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ. Tổng thống Trump được cho là đã luôn cố gắng không động đến Nga. “Ngày hôm nay Tillerson bị sa thải… và thời điểm bất ngờ như vậy khiến người ta phải sinh nghi,” Beau Willimon, kịch bản gia nổi tiếng với bộ phim truyền hình chính trị “House of Cards” chia sẻ trên Twitter.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova không giấu giếm sự “châm chọc” khi bình luận về sự kiện Tillerson.
“Họ đã bắt đầu buộc tội Nga về sự thay đổi nhân sự của Washington chưa vậy?”, bà Zakharova nói.
Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, quyết định sa thải ông Tillerson đã được đưa ra trước đó. Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã điện thoại cho cựu Ngoại trưởng hôm thứ Sáu và thứ Bảy (9- 10/3), nhằm “cảnh báo” rằng, nếu ông không từ chức, ông sẽ bị sa thải.
Bill Kristol, một nhà bình luận theo đường lối bảo thủ đặt câu hỏi về cách Nhà Trắng sa thải nhân viên của mình. “Liệu Tổng thống Trump có dám trực tiếp nói ra thông báo sa thải với ai chưa?”, ông Kristol hỏi. Tháng 3 năm ngoái, cựu Giám đốc FBI, James B. Comey cũng nhận được thông tin mình mất việc khi đang trong chuyến đi tới San Francisco.
Trong khi đó, Jack Posibiec, một nhà hoạt động cánh hữu là một trong số ít những người ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump cho biết: “Tillerson không muốn công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, muốn ở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thường xuyên phá hoại hình ảnh Tổng thống trước dư luận và nói xấu ngài ấy sau hậu trường.”
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông ta bị sa thải”, ông Posobiec nhận xét.