(Tổ Quốc) - Cộng đồng người lao động Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Nhật Bản.
Reuters đăng tải, sau khi bị một khách sạn sa thải vì tác động của đại dịch COVID-19, Tu Thi Luong - một nữ nhân viên Việt Nam 22 tuổi đã may mắn tìm được nơi cư trú tạm thời tại ngôi đền Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo.
Ngôi đền bên trong tòa nhà cao 3 tầng hiện trở thành nơi trú ẩn cho nhiều người lao động Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại Nhật Bản. "Tôi cảm thấy thật sự biết ơn vì có thể ở đây", Luong chia sẻ với phóng viên Reuters.
Trước đại dịch, người lao động Việt Nam là một trong những cộng đồng gia tăng nhanh chóng nhất về số lượng tại đất nước mặt trời mọc. Năm 2019, số lao động Việt tới Nhật Bản làm việc lên tới 410.000 người, tăng 24,5% so với năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm người phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch lên nền kinh tế Nhật Bản
Bình thường, các sư cô tại đền Nisshinkutsu sẽ đón tín đồ tới thắp hương cầu nguyện, nhưng trong thời gian này, họ tập trung vào việc chuẩn bị các gói hàng cứu trợ cho người lao động Việt Nam ở nhiều vùng khác nhau trên khắp Nhật Bản. Bên trong ngôi đền, những công nhân Việt Nam trẻ tuổi có nhiều hoạt động khác nhau như học tiếng Nhật, nấu món ăn Việt, tìm việc làm hoặc cố gắng đặt vé máy bay về nước…
"Chúng tôi làm mọi thứ. Chúng tôi chăm sóc mọi người từ những người còn chưa sinh ra cho tới những người đã qua đời", bà Jiho Yoshimizu – hiện đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Nhóm hỗ trợ cùng tồn tại Nhật-Việt cho hay.
Ngôi đền Nisshinkutsu bắt đầu được biết tới nhiều trong cộng đồng người Việt tại Nhật sau khi thu nhận những người lao động Việt Nam bị vô gia cư trong trận động đất năm 2011 tại miền bắc Nhật Bản. Năm 2019, bà Yoshimizu giúp đỡ khoảng 400 trường hợp người Việt Nam khó khăn, nhưng kể từ tháng 4 năm nay, con số này đã tăng lên nhanh chóng. Hiện mỗi ngày bà nhận được từ 10 tới 20 đề nghị hỗ trợ từ người lao động Việt Nam tại nhiều tỉnh thành khác nhau của Nhật.
"Hiện tại không ai ở Nhật Bản có thể cung cấp sự trợ giúp như vậy", bà Yoshimizu nói.
Quay trở lại với Tu Thi Lương. Cô tốt nghiệp trường nghề hồi tháng 3 và bắt đầu làm việc từ giữa tháng 4 ở một khách sạn sang trọng ở Nikko. Tuy nhiên, do dịch bệnh và các lệnh hạn chế, Luong hầu như không được giao việc và chỉ được trả 30.000 yên (tương đương 279,4 USD) hồi tháng 5.
Tháng trước, bà Yoshimizu từng phát biểu tại quốc hội Nhật Bản và yêu cầu chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các sinh viên Việt Nam vẫn chưa có bảo hiểm nghề nghiệp.
"Chính sách virus corona hiện thời của chính phủ đang tập trung vào giúp đỡ trước tiên cho người dân Nhật Bản", bà Yoshimizu cho hay.