• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngôi làng Thụy Sĩ phải sơ tán vội trước cảnh báo lở đá trên dãy núi Alps

Thế giới 11/05/2023 15:56

(Tổ Quốc) - Giới chức trách ở miền đông Thụy Sĩ đã yêu cầu người dân sinh sống tại ngôi làng nhỏ Brisenz phải nhanh chóng sơ tán nhanh trước chiều tối ngày 12/5 vì lo ngại số lượng lớn đá trên dãy núi Alps có thể vỡ và rơi xuống khu vực dân cư sinh sống.

Cảnh báo sơ tán sớm

Trước đó, các chuyên gia địa chất đã lên tiếng cảnh báo khối lượng 2 triệu m3 đá trên dãy núi Alps nằm sát cạnh các ngôi nhà có thể vỡ và rơi xuống khu vực dân cư sinh sống trong những tuần tới.

Ngôi làng Thụy Sĩ phải sơ tán vội trước cảnh báo lở đá trên dãy nũi Alps - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP.

Alps là dãy núi cao nhất tại châu Âu, nơi có bức tranh thiên nhiên ngoạn mục với những đỉnh núi hùng vĩ, những ngọn núi trùng điệp, những hồ nước tuyệt đẹp và cả những ngôi làng tựa như tranh vẽ.

Trong ngày 9/5, giới chức trách địa phương cho biết rằng người dân sẽ phải rời đi trước 6 giờ chiều vào ngày mai (12/5) và có thể trở về làng tùy theo mức độ rủi ro từ núi đá gây ra nhưng chắc chắn không được ở lại qua đêm. Ngôi làng có tuổi đời hàng thế kỷ nằm giữa khu vực nói tiếng Đức và tiếng Romansch của vùng Graubunden phía đông ở tây nam Davos ở độ cao khoảng 1.150 mét (khoảng 3.800 feet). Ngày nay, khoảng 100 cư dân vẫn sinh sống tại đây.

Các quan chức địa phương cho biết ngọn núi và những tảng đá trên dãy núi Alps đã có tín hiệu di chuyển kể từ Kỷ băng hà cuối cùng. Tuy nhiên, thuật toán đo cảnh báo sự tăng tốc chuyển động mạnh mẽ trên khu vực rộng lớn trong những ngày gần đây và có tới 2 triệu m3 đá dự kiến sụp đổ hoặc trượt trong vòng 7-24 ngày tới. Trong thế kỷ qua, bản thân ngôi làng đã dịch chuyển vài centimet (inch) mỗi năm và sự dịch chuyển này đã tăng tốc trong 20 năm qua. Tình trạng sạt lở đất đã chuyển động khoảng 1m/năm. Các khảo sát địa chất cho thấy tình hình thậm chí còn trở nên bấp bênh hơn.

Bà Christian Gartmann, một thành viên của ban quản lý khủng hoảng ở thị trấn Albula, Brienz cho biết các chuyên gia ước tính có 60% khả năng đá sẽ rơi thành những khối nhỏ hơn. Lở đất cũng có thể di chuyển chậm. Tuy nhiên, khả năng khoảng 10% khối lượng 2 triệu mét khối có thể đổ xuống, đe dọa tính mạng người dân, tài sản của ngôi làng.

"Chúng tôi hy vọng rằng ngôi làng vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, không thể loại bỏ khả năng những tảng đá sẽ rơi xuống, có thể làm hỏng hoặc phá hủy toàn bộ ngôi làng và cuộc sống của người dân", ông Gartmann nhấn mạnh.

Giải pháp ngăn chặn rủi ro

Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ cao bất thường cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người tạo ra có thể tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn, trừ khi các Chính phủ và người dân giảm mạnh lượng khí thải carbon. Năm 2022 là năm nóng nhất được ghi nhận ở cả Thụy Sĩ và Pháp, trong đó Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên hợp quốc cho biết, 8 năm qua đang trên đà trở thành 8 năm nóng nhất được ghi nhận. Ông Gartmann nhắc đến sự tan chảy của sông băng đã ảnh hưởng đến sự bấp bênh của đá trên núi trong hàng thiên niên kỷ. Tuy nhiên, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu "nhân tạo" trong những thập kỷ gần đây không phải là yếu tố duy nhất khiến sông băng tan chảy.

Các chuyên gia đã nghĩ đến việc tạo ra một vụ nổ có kiểm soát nhưng như vậy sẽ quá nguy hiểm vì nó đòi hỏi phải khoan bên dưới tảng đá—bản thân đây là một việc làm nguy hiểm. Hay việc dựng một đống cát khổng lồ hoặc một bức tường để cố gắng ngăn đá rơi cũng không được coi là khả thi. Bức tường phải cao ít nhất 70 mét (230 feet) để bảo vệ ngôi làng. Những giải pháp này được xem là chưa hợp lý. Vì vậy, giải pháp trước mắt là sơ tán người dân trong làng. Trong quá trình sơ tán, nhiều người sẽ lựa chọn ở cùng gia đình hoặc bạn bè mặc dù các quan chức địa phương đã nhận lời đề nghị cung cấp nhà ở tạm thời cho người dân để tránh rủi ro. Tuy nhiên, ở mức cảnh báo "da cam" hiện tại, động vật trong trang trại sẽ bị bỏ lại.

Ông Federico Pelico, mục sư của tại ngôi làng Brienz cho biết chính quyền địa phương đã xoay xở để tháo rời và di chuyển bàn thờ có cánh 500 năm tuổi quý giá nằm trong nhà thờ nhằm tránh nguy cơ rủi ro khi lở núi.

"Nhà thờ và bàn thờ là quan trọng, nhưng con người còn quan trọng hơn," ông nói với hãng tin AP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Pelico khẳng định nhiều người dân trong làng đã quá quen thuộc với tiếng "sấm sét" thường xuyên của đá rơi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên bây giờ họ đột nhiên nhận ra rằng có thể điều gì đó còn khủng khiếp hơn sắp xảy ra ở đây.

"Người dân phải rời khỏi làng. Đây không chỉ là những tòa nhà. Có những cảm xúc và câu chuyện ở đây. Gần đây, tôi đã thấy rất nhiều nước mắt. Không gì có thể chống lại tự nhiên nhưng trong sâu thẳm trong trái tim, người dân trong làng luôn hy vọng có thể trở về nhà vào một thời điểm nào đó, bất chấp điều gì xảy ra", ông Pelico nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ