(Tổ Quốc) - Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ trên toàn thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ, đặc biệt ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Du nhập nhiều ngôn ngữ nước ngoài
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của những trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok và những video ngắn quảng cáo phim được dịch sang tiếng Việt thì đã có rất nhiều từ ngữ mới được du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ ưa thích.
Trong cuốn tham luận Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2022, tác giả Nguyễn Văn Khang cho biết, ngôn ngữ giới trẻ (tiếng lóng) là loại ngôn ngữ mang tính nhóm xã hội. Khi xã hội tồn tại các nhóm thì đương nhiên có ngôn ngữ của các nhóm đó, cư dân mạng thì sẽ có ngôn ngữ mạng, sinh viên sẽ có ngôn ngữ của sinh viên… Tiếng lóng được phát triển mạnh ở giới trẻ và hiện tượng này xảy ra ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Ở Mỹ người ta gọi tiếng lóng là "ngôn ngữ đường phố". Và có người đùa rằng muốn trẻ lại hay nói tiếng lóng thật nhiều.
Chia sẻ với chúng tôi, giảng viên Xã hội học – Th.S Đỗ Đức Long cho biết: "Với sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ số đã hình thành nên những phương cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ. Dẫn đến tình trạng giới trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, ngôn ngữ "tự chế" nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều".
Theo tác giả Nguyễn Văn Khang, hiện nay, thanh niên Việt Nam thích sử dụng tiếng lóng và coi nó như một thứ mốt, có thể tạo ra một cái gì đó mang nét riêng, đặc thù của giới trẻ. Ngôn ngữ của giới trẻ được đa phần sử dụng ngoài tiếng mẹ đẻ còn đến từ hai thứ tiếng khác như tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Những từ mang nguồn gốc tiếng Anh đã được du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ đón nhận một cách cuồng nhiệt. Phổ thông nhất trong tiếng Anh là từ "Goodnight" được các bạn trẻ viết tắt là "G9" mang ý nghĩa chúc ngủ ngon. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của trang mạng xã hội thì cũng xuất hiện rất nhiều những thuật ngữ được giới trẻ đón nhận và có tần suất sử dụng cao trong thời gian gần đây như: Livestream (truyền hình trực tiếp); check in (chụp ảnh); chill (thư giãn); S.O.S (giải cứu)… Ngoài những từ ngữ đó, giới trẻ còn ưa sử dụng kết hợp cả tiếng Việt và tiếng Anh như: camera chạy bằng cơm, phí ship, chill một chút…
Ngoài ra, ngôn ngữ giới trẻ ở Việt Nam cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc được dịch sang Hán Việt hoặc tiếng Việt và đã trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay. Nó xuất phát từ những bộ phim hoặc những clip ngắn được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Đã xuất hiện trong thời gian dài và hiện tại vẫn đang được sử dụng như "tiểu tam", "trà xanh" (hàm chỉ những người thứ 3 trong mối quan hệ tinh yêu đôi lứa). Mới nhất là phải kể đến nhưng từ "cẩu lương" (ám chỉ những hành động thân mật của các cặp đổi yêu nhau), thế nên trên mạng xã hội mới xuất hiện ngập tràn những từ ngữ được lồng ghép với từ này như "phát cẩu lương" hoặc "ăn cẩu lương". Bên cạnh đó, còn rất nhiều từ được sử dụng phổ biến như: song kiếm hợp bích; phong sát…
Sự thay đổi của ngôn ngữ giới trẻ đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ của tiếng Việt nhưng cũng mang lại nhiều phiền toái. "Đối với nhóm trẻ thì họ bắt nhịp rất nhanh, nhưng khi giao tiếp với những người lớn tuổi hoặc thế hệ ông bà, cha mẹ thì thường sẽ cảm thấy không hài lòng về các thể thức ngôn ngữ mới này. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng, thuần túy của tiếng Việt" – ông Long chia sẻ thêm.
Cần phải sử dụng đúng cách
Ngôn ngữ giới trẻ (tiếng lóng) đã ngày một phổ biến và sử dụng rộng rãi, nó đến từ sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các trang mạng xã hội, trong đó đối tượng sử dụng chủ yếu là thế hệ trẻ. Khi những người chung thế hệ giao tiếp với nhau thì thường xuyên sử dụng tiếng lóng, nó giúp cho những cuộc trò chuyện trở nên dễ hiểu hơn. Nhưng cùng với đó, nếu như những người khác thế hệ với nhau khi giao tiếp mà sử dụng tiếng lóng thì hiệu quả đem lại sẽ phản tác dụng và đôi khi sẽ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.
Khi giới trẻ sử dụng quá nhiều tiếng lóng có thể ảnh hưởng đến phát triển các kỹ năng. Giảng viên Xã hội học – Th.S Đỗ Đức Long cho biết, giới trẻ sử dụng thường xuyên ngôn ngữ này, không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc. Và rất có thể nó sẽ tạo ra những thể thức ngôn ngữ mới và ảnh hưởng ngay cả trong văn viết chứ không phải chỉ ở văn nói.
Không nên quá lạm dụng sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong giao tiếp. "Việc các bạn trẻ thành thạo 2-3 ngôn ngữ đã trở thành một điều bình thường. Tuy nhiên, sử dụng pha tạp tiếng Việt với các thứ tiếng khác khiến không ít người lo ngại sự lai căng ngôn ngữ của giới trẻ làm giảm sự trong sáng tiếng Việt. Và đặc biệt sử dụng quá đà nhiều khi người nước ngoài họ không hiểu mà người Việt lại càng không hiểu, điều đó gây ra sự khó chịu trong giao tiếp và đôi khi còn trở thành những trò lố bịch trong giao tiếp. Dù có cố ý hay không thì nói chuyện "nửa Tây, nửa Ta" sẽ làm mất đi nét đẹp của tiếng Việt. Dùng ngoại ngữ đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh sẽ khiến bản thân trở nên tinh tế hơn – ông Long chia sẻ thêm.
Theo ông Long, ông không phản đối các bạn trẻ phát triển và sử dụng ngôn ngữ của riêng mình nhưng cần phải sử dụng tinh tế hơn. Ông cho biết: "Các bạn cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng. Các bạn trẻ không được quá lạm dụng, không phát triển loại ngôn ngữ không chuẩn tiếng Việt, thiếu trong sáng này trong môi trường giao tiếp chuẩn mực nơi trường học, gia đình và khu vực công cộng. Bởi, nếu sử dụng tràn lan, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của các em. Ngoài ra, nó còn góp phần làm mất đi vẻ đẹp thuần túy của tiếng Việt".
Trong Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2022, theo tác giả Nguyễn Văn Khang, để giảm mặt tiêu cực của ngôn ngữ trẻ, chúng ta nên xuất phát từ những cá thể, tập thể và toàn xã hội. Phụ huynh nên quan tâm nói chuyện với con cái nhiều hơn, thầy cô cũng sát sao uốn nắn các em hơn để giảm thiểu những mặt tiêu cực của, giúp thế hệ trẻ sử dụng tiếng Việt cho chính xác nhất, trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt.
Việc dùng ngôn ngữ của giới trẻ như sử dụng dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn, trong bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể mang đến tác hại lâu dài. Sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ này, sử dụng thế nào, đó là điều giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên nên cân nhắc để không ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục của dân tộc Việt Nam./.