(Tổ Quốc) - Các tàu cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm vùng biển nước khác, mà khi rời đi, họ để lại những vùng biển không còn sự sống.
"Ngư dân của chúng tôi cảm thấy lo sợ"
Dedi, một ngư dân Indonesia biết rõ nơi nào tập trung luồng cá lớn nhất trong khu vực vùng biển gần quần đảo Natuna, Indonesia. Người Trung Quốc cũng vậy.
Với sự hỗ trợ của các tàu hải cảnh có trang bị vũ khí, các đội tàu cá Trung Quốc đã thường xuyên tiến hành đánh bắt ở những vùng biển giàu tài nguyên, được quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trong khi Dedi đánh bắt cá bằng phương thức truyền thống với dây lưới thì những con tàu Trung Quốc sử dụng lưới rà bằng sắt càn quét dưới tầng sâu đáy biển, phá hoại môi trường sống của các sinh vật biển. Bằng cách này, các tàu cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm vùng biển của nước khác, mà khi rời đi, họ để lại những vùng biển không còn sự sống.
"Họ tiến vào vùng biển của chúng tôi và phá hủy mọi thứ", Dedi nói.
Nhận thức được những phản ứng quyết liệt có thể sẽ gây "mất lòng" đối tác thương mại quan trọng nhất, nhà chức trách Indonesia dường như đã tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.
Tuy nhiên, khi sự hiện diện của người Trung Quốc gần khu vực quần đảo Natuna trở nên thường xuyên hơn, những ngư dân địa phương cảm thấy họ đang ngày càng trở nên yếu thế.
"Sau mỗi quãng nghỉ, các tàu Trung Quốc lại xuất hiện", Ngesti Yni Suprapti, phó thống đốc quần đảo Natuna nói. "Những ngư dân của chúng tôi cảm thấy sợ hãi".
Tham vọng không thay đổi
Lần gần đây nhất xảy ra là vào tháng 2 năm nay, khi những tàu cá Trung Quốc cùng với sự hộ tống của các tàu hải cánh càn quét vùng biển này.
Dường như ở thời điểm khi dịch bệnh Covid-19 đang ở đỉnh điểm tại Trung Quốc, tham vọng toàn cầu của nước này vẫn không hề suy giảm.
Việc Trung Quốc đánh bắt cá trái phép gần các quần đảo Natuna mang theo những hệ quả mang tính toàn cầu, đồng thời nhắc nhở chính phủ các nước trong khu vực về tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển chiếm 1/3 lượng giao thương hàng hải toàn thế giới.
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc càng được thể hiện rõ khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm quần đảo Natuna vào tháng 1.
"Sẽ không có sự nhân nhượng khi liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ", ông Joko phát biểu. Nhưng chỉ một ngày sau khi ông Joko rời Natuna, tàu Trung Quốc lại xuất hiện. Đội tàu đánh cá, cùng với lực lượng hải cảnh, ở đó nhiều ngày rồi mới rời đi, quan chức địa phương tại Natuna nói.
Trên các bản đồ Trung Quốc, "đường chín đoạn" phi lý mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền, chiếm gần như toàn bộ biển Đông và đi quan một phần vùng biển phía bắc quần đảo Natuna.
Bắc Kinh công nhận chủ quyền lãnh thổ của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả vùng biển gần đó là "ngư trường truyền thống" của nước này.
"Kể cả khi phía Indonesia có chấp nhận hay không, sẽ không có gì có thể thay đổi việc Trung Quốc có quyền và lợi ích ở những vùng biển liên quan", Cảnh Sảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu vào tháng 1.
Vào năm 2016, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan đã bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc khi coi tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết này.
Thay vào đó, Trung Quốc đã liên tiếp có hành động biến các quần đảo trên khu vực trở thành căn cứ quân sự, để từ đó có thể tạo dựng tầm ảnh hưởng trên toàn bộ biển Đông.
"Dần dần, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ chiếm vùng biển của các nước láng giềng", Wandarman, một ngư dân ở Natunas nói. "Họ khát dầu mỏ, khí đốt, và cá, rất rất nhiều cá".
Những tàu cá Trung Quốc giúp thỏa mãn nhu cầu ngày một tăng cao đối với hải sản của thị trường trong nước, bằng cách mở rộng hoạt động trên khắp biển Đông. Nhưng sự hiện diện của họ còn nhằm phục vụ một mục đích khác lớn hơn.
"Bắc Kinh muốn tàu cá Trung Quốc hoạt động ở đây bởi sự hiện diện của các tàu cá này hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên biển ngang ngược của Trung Quốc", Ryan Martison, trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc thuộc trường Đại học Hải chiến Mỹ nói.
Vào một ngày cuối tháng 10 năm ngoái, khi đang hoạt động trong phạm vi 200 hải lỷ của vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Dedi phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc.
Sau đó, vào tháng 2 năm nay, Dedi liên tiếp gặp phải tàu cá Trung Quốc. Một lần, tàu cá của Dedi đối mặt với một tàu Trung Quốc trong gần 1 giờ đồng hồ, trước khi buộc phải rời đi do thiếu sự hỗ trợ từ các tàu khác.
Việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn ở biển Đông cũng giúp tăng năng lực của lực lượng hải cảnh ước này đẩy mạnh sự hiện diện ở khu vực quần đảo Natuna. Trong các thời điểm thời tiết bất thường, các tàu cá Trung Quốc có thể tạm trú ở các đảo nhân tạo.
Wandarman, một ngư dân địa phương nói rằng do sự xuất hiện của tàu cá nước ngoài trong thời gian gần đây, sản lượng đánh bắt của anh đã giảm một nửa.
Tuy nhiên, nơi đây là vùng biển của người dân địa phương, Wandarman nói. Hòn đảo nơi anh sống chỉ có 2 đèn giao thông, kinh tế ở đây chả có gì ngoài nguồn cá từ biển.
"Những chiếc thuyền của chúng tôi đều rất nhỏ và làm bằng gỗ, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc được trang bị vũ khí và rất hiện đại", Wandarman nói."Đó là điều làm tôi cảm thấy sợ hãi".