(Tổ Quốc) - Để thưởng thức một tách cà phê trọn vẹn, nhiều người dân buộc phải trả nhiều tiền hơn so với trước kia khi các nguyên liệu lần lượt kéo nhau tăng giá.
Lạm phát đang tấn công nhiều gia đình ở châu Âu. Theo dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy, ngay cả một tách cà phê thông thường mỗi ngày cũng sẽ sớm trở thành thứ "xa xỉ" đối với nhiều người dân. Tại một số nước, giá cà phê đã tăng hơn 40% so với năm ngoái.
Các nguyên liệu đều đắt đỏ
Thói quen thưởng thức một tách cà phê buổi sáng giờ đây đối với nhiều người không còn là điều dễ chịu nữa. Người tiêu dùng ở Liên minh châu Âu đang phải trả giá cho một tách cà phê đắt hơn nhiều so với trước kia.
Tờ DW đưa tin, giá cà phê trung bình trên toàn EU tăng 16,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với những người có thói quen cho thêm đường hay sữa vào cốc cà phê của họ thì phải đón nhận mức giá tăng cao hơn.
Giá sữa tươi nguyên kem bình quân tăng 24,3% so với năm ngoái, trong khi giá sữa tươi ít béo tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Giá đường tăng mạnh nhất với mức 33,4% so với năm 2021. Vào tháng 8/2021, giá đường chỉ tăng 0,8% so với tháng 8/2020. Nhiều quốc gia trong khối EU đang phải 'gồng gánh' mức giá tăng phi mã của cà phê, sữa và đường.
Phần Lan ghi nhận mức tăng giá cà phê cao nhất là 43,6% vào tháng 8 vừa qua. Thụy Điển, Hungary cũng có mức tăng giá cà phê hơn 30%. Giá đường ở Ba Lan đã tăng với tốc độ chóng mặt với mức 109%. Tại Đức, giá sữa ít béo đã tăng 30,6%.
Hungary là quốc gia châu Âu tiêu biểu khi phải hứng chịu tình hình lạm phát nặng nề. Những người yêu thích cà phê ở quốc gia này đang trong tình hình không mấy vui vẻ khi giá đồ uống quen thuộc đã tăng trung bình 34.4%.
Hungary nằm trong số 5 quốc gia của Liên minh châu Âu có giá cà phê tăng nhiều nhất. Hơn nữa, mức tăng giá ở Hungary cao gấp đôi mức trung bình của EU.
Thay đổi thói quen
Theo hãng tin Reuters, người tiêu dùng trên toàn thế giới, không chỉ riêng châu Âu, có thể sẽ phải chọn uống cà phê tại nhà thay vì các quán cà phê và nhà hàng do lạm phát gia tăng cùng nguy cơ suy thoái trong những tháng tới, giám đốc điều hành của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết.
Theo giám đốc Vanusia Nogueira, nguồn cung cà phê quốc tế đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu vào thời điểm tồn kho thấp, nguyên nhân là do sản lượng cà phê toàn cầu giảm bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Vanusia Nogueira nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Bogota của Colombia: "Chúng tôi gặp nhiều vấn đề về khí hậu ở những vùng sản xuất cà phê hàng đầu hiện nay. Mặc dù giá cà phê đã tăng nhưng người trồng không thể cung cấp thêm sản phẩm do các vấn đề liên quan đến điều kiện thời tiết không thuận lợi".
Theo thống kê của ICO, tổng sản lượng cà phê năm nay đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Brazil là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đất nước này đã trải qua một đợt hạn hán và sương giá nghiêm trọng vào năm 2021.
Luis Fernando Ferreira da Silva, một nông dân ở bang Minas Gerais, khu vực sản xuất cà phê hàng đầu của Brazil, dự kiến sản lượng trong vụ mùa cà phê năm nay sẽ giảm hơn một nửa sau khi hạn hán và sương giá ập đến trang trại cà phê của ông vào năm ngoái.
Ban đầu, ông dự kiến sẽ thu hoạch được 8.000 bao cà phê (mỗi bao 60kg), nhưng sau đó, ông cắt giảm xuống còn 3.500 bao. Giờ đây, tình hình thực tế thậm chí còn tồi tệ hơn. Ông Ferreira nói: "Hiện tại, tôi tin rằng sản lượng cà phê từ trang trại của tôi sẽ không đạt 2.000 bao. Đây chắc chắn là một năm không thể nào quên".
Bà Nogueira cho biết, giá cà phê dự kiến sẽ ổn định vào năm 2023. Nữ giám đốc chia sẻ rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất của ngành cà phê, đồng thời cho biết thêm rằng ICO đang nỗ lực tạo ra một quỹ hỗ trợ để giúp đỡ các vùng sản xuất cà phê chống chịu với sự thay đổi của thời tiết khắc nghiệt.
Để thích nghi với tình hình tăng giá như hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang pha cà phê tại nhà. Nhưng điều đáng nói là giá cà phê xay sẵn trong các siêu thị cũng có dấu hiệu tăng giá. Đây sẽ là một năm khó quên đối với những người yêu thích thức uống này.
Nguồn: Reuters, DW