(Tổ Quốc) - Ít nhất 17 người đã thiệt mạng ở Trung Âu sau khi bão Boris quét qua khu vực này và mang theo những trận mưa lớn.
Tình trạng khẩn cấp
Theo hãng CNN, Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa cực lớn vào những ngày qua.
Chính phủ Ba Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau nhiều ngày mưa tàn phá ở khu vực phía tây nam đất nước.
Hãng thông tấn quốc gia Ba Lan PAP đưa tin Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hiện đã công bố khẩn cấp khoản viện trợ 260 triệu đô la (1 tỷ zloty) cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 16/9.
Tại Cộng hòa Séc, hàng nghìn cư dân đã không có nước nóng và điện sau khi đóng cửa các nhà máy nhiệt điện. Tại thành phố Ostrava, nằm cách biên giới Ba Lan 15 km (9 dặm), nhà máy nhiệt điện Veolia đã buộc phải đóng cửa hoàn toàn vì lũ lụt, khiến 280.000 cư dân của thành phố không có nước nóng sinh hoạt.
Trong vài ngày qua, đã 7 người đã tử vong vì lũ lụt ở Romania.
"Tại Áo, một lính cứu hỏa được phát hiện đã tử vong vào hôm 15/9. Dịch vụ ứng phó thiên tai khẩn cấp nước này cũng tìm thấy hai người đàn ông 70 và 80 tuổi đã chết sau khi bị mắc kẹt trong nhà vào ngày 16/9", một phát ngôn viên của chính quyền tiểu bang Lower Austria nói với CNN.
"Bốn người đã tử vong do lũ lụt ở Ba Lan và ba người đã tử vong ở Cộng hòa Séc", cảnh sát địa phương cho biết.
Trong một cuộc họp báo, Thống đốc bang Lower Austria (Áo) ông Johanna Mikl-Leitner nhấn mạnh chúng tôi vẫn đang chịu áp lực rất lớn vì tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Khu vực này "vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng".
Châu Âu là châu lục ấm lên nhanh nhất thế giới. Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở châu lục. Bầu khí quyển ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn, nghĩa là mưa lớn hơn và các đại dương nóng hơn sẽ tạo ra những cơn bão mạnh hơn.
Tại thành phố Nysa của Ba Lan, người dân đang phải vật lộn để bảo vệ ngôi nhà của họ khỏi dòng nước dâng cao hơn vào ngày 17/9. Các bệnh nhân từ một bệnh viện địa phương, bao gồm cả phụ nữ mang thai, đã phải sơ tán vào hôm 17/9 sau khi thông báo rằng cơ sở này không thể hoạt động bình thường nữa.
Những bức ảnh chụp từ trên cao cũng cho thấy thị trấn Klodzko gần như hoàn toàn chìm trong nước. Theo hãng thông tấn quốc gia Ba Lan PAP, nước lũ trong thị trấn đang dâng cao tới 1,5 mét (5 feet).
"Sau khi được kêu gọi hỗ trợ, quân đội Ba Lan hiện đã sơ tán hơn 2.600 người khỏi các khu vực bị lũ lụt trong 24 giờ qua", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết hôm thứ Hai, theo PAP.
Lũ lụt gia tăng
Các nhà chức trách cũng bày tỏ lo ngại về tình hình mưa lũ ở thị trấn Litovlje của Séc, nơi 80% các tòa nhà bị ngập. Thị trưởng thị trấn Viktor Kohout cho biết mực nước sông Morava dự kiến sẽ đạt đỉnh vào lúc 2 giờ chiều giờ địa phương (8 giờ sáng theo giờ miền Đông) vào ngày 16/9.
Tại thị trấn Jesenik trên sườn đồi - điểm đến thu hút du khách đến các khu nghỉ dưỡng, cộng đồng người dân ở đây cũng đang phải đối phó với tình trạng nước lũ ô nhiễm.
"Có rất nhiều, rất nhiều ô tô trôi xuống đường phố. Điện thoại không liên lạc được, không có nước, không có điện. Vì vậy, thật khó khăn", Zdenek Kuzilek, một người dân ở đây nói trên Reuters.
Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã động viên tinh thần người dân tại thủ đô Budapest trước tình hình bão lũ xảy ra. Trong một tuyên bố video được quay dọc theo bờ phía tây của sông Danube, ông Orban nhấn mạnh các chuyên gia đều dự báo mực nước sẽ không vượt quá các kỷ lục trước đó.
"Sẽ rất khó khăn nhưng chúng ta sẽ làm được", ông Orban nói và hứa rằng tất cả các nguồn lực cần thiết sẽ được triển khai để đối phó với mực nước lũ đang dâng cao.
Người phát ngôn của thành phố ông Peter Bubla cũng nhấn mạnh mối lo ngại đang gia tăng tại thủ đô Bratislava của Slovakia, nơi các nhà chức trách dự kiến mực nước của sông Danube sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó.
"Tình hình vẫn rất nghiêm trọng… Mực nước của sông Danube tại Bratislava đã vượt quá 9m (29 feet) và vẫn đang dâng cao", ông Bubla nói thêm.
Theo ông Bubla, mưa lớn đã gây ra thiệt hại lớn, khiến các đội cứu hộ đang làm việc chăm chỉ hơn để loại bỏ những cây bị bật gốc và gãy sau khi hàng trăm cây đổ xuống các công viên rừng của thành phố.
Cảnh sát cũng đã cảnh báo rộng rãi cho công chúng về mối nguy hiểm khi đi bộ dọc theo bờ sông Danube.
"Ba Lan sẽ kêu gọi Liên minh châu Âu hỗ trợ tài chính khẩn cấp", ông Tusk cho biết vào 16/9. Trước đó, Người phát ngôn về quản lý khủng hoảng của EU - ông Balazs Ujvari đã nhấn mạnh rằng nếu được kêu gọi, EU sẽ "cực kỳ nhanh chóng" gửi viện trợ khẩn cấp như máy bơm nước, đội cứu hộ, thuyền, thực phẩm và nước đến các quốc gia đang cần.
Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết hiện tượng mưa cực đoan có khả năng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi hành tinh ấm lên.
Cụ thể, một phân tích về sự kiện mưa lớn từng xảy ra trong năm 2021 ở châu Âu, với thống kê hơn 200 người thiệt mạng, đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng khả năng và cường độ mưa lũ trong khu vực.
Trong khi đó, Sáng kiến Phân tích Thời tiết Thế giới do nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về thời tiết khắc nghiệt phân tích cũng ghi nhận "những diễn biến bất thường của thời tiết sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh khí hậu vẫn đang ấm lên nhanh chóng"./.