• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân sống trong những khu “tâm dịch” đối mặt với sốt xuất huyết như thế nào

Sức khỏe 29/07/2017 15:10

(Tổ Quốc) - Hà Nội được xem là một trong 3 vùng dịch lớn trong cả nước, đứng sau TP HCM và Đà Nẵng với 1.200 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mỗi tuần.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 7/2017 cả nước đã có gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó hơn 50.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp đã tử vong.

Riêng tại Hà Nội, mỗi tuần ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 6.000 trường hợp mắc phải căn bệnh này.

Lãnh đạo phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bên cạnh các điểm nóng như Trung Liệt, Láng Hạ, phường Trung Phụng được coi là nơi ít bị ảnh hưởng nhất. Về cơ bản, vẫn có công tác tuyên truyền như công văn, phát thanh trên loa, phát cam kết đến các hộ dân, các bác tổ trưởng nhắc nhở làm vệ sinh môi trường hàng tuần.

Đồng thời thành lập đội cộng tác viên của tổ dân phố đi làm vệ sinh môi trường, phun thuốc 1 lần trên diện rộng, nếu ở đâu xuất hiện ổ dịch thì sẽ phun thêm lần nữa...

“Đầu tuần vừa rồi, phường Trung Phụng đã tổ chức đoàn đi phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình và có kèm loa tuyên truyền đi theo, các hộ gia đình tạo điều kiện để công tác phòng dịch được diễn ra thuận lợi”, Trần Anh Lộc, dân quân tự vệ phường Trung Phụng chia sẻ.

Quận Hoàng Mai đang được xem là “tâm dịch” của TP Hà Nội với hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết và 2 người tử vong. Theo ông Hồ Văn Thạo (tổ trưởng tổ 63, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai), nguyên nhân đến từ một người từ quê ra sau vài ngày bị chuẩn đoán là sốt xuất huyết, sau đó ủ dịch và lây lan sang các hộ gia đình khác. Trong tổ dân phố 63 có hàng chục ca mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt có gia đình cả hai mẹ con cùng mắc, nhưng may mắn tất cả những người mắc sốt xuất huyết chỉ sau 1 tuần đã khỏi bệnh, không có ca nào nghiêm trọng. Cách đây 10 ngày là thời gian bùng phát mạnh nhất, đến nay đã giảm dần, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tự điều trị tại nhà và đã “tai qua nạn khỏi”.

Lô cốt bỏ hoang tại ngõ 22 Lương Khánh Thiện nghi là nơi trú ngụ của muỗi từ sau khi đại dịch bùng phát, chính quyền và người dân đã đóng cửa, lấp kín gạch và xi măng xung quanh những chỗ hở.

Phường Tương Mai đã 3 lần phun thuốc diệt muỗi tại khu này. Các cơ quan chức năng phối hợp với phường, tổ dân phố tổ chức đến tận nhà, tìm những chỗ muỗi có thể sinh sôi nảy nở để dập tắt. Cho đến nay, dịch bệnh gần như dập tắt, giảm rõ rệt.

Phía tổ dân phố cũng gửi thông báo đến từng nhà và thường xuyên nhắc nhở trên loa phát thanh, mỗi lần đi phun thuốc muỗi cũng sử dụng loa phát thanh vừa tuyên truyền, vừa thuyết phục người dân phối hợp với công tác phòng chống dịch.

Khi có quyết định của TP về việc phun thuốc muỗi, ngay tối hôm ấy tổ dân phố đã cầm loa đi nhắc nhở và đề nghị người dân hợp tác phối hợp phòng chống dịch bệnh và phun thuốc diệt muỗi. Các hộ gia đình còn ký cam kết đảm bảo tích cực tham gia công tác phòng chống, nếu không đồng thuận, phản đối ảnh hưởng đến công tác phòng dịch và các hộ khác sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. 

Sau khi phun thuốc, cán bộ y tế quay lại kiểm tra một lần nữa xem còn xuất hiện loăng quăng xung quanh các khu ở nữa không. Năm nay, công tác phòng dịch làm mạnh hơn, chỉ đạo nhanh nhạy từ phía lãnh đạo cùng với sự hợp tác tốt từ người dân bệnh dịch nhanh chóng bi dập tắt.

Trong ngõ 22 (tổ 65 đường Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai) còn tồn tại một lô cốt bỏ hoang lâu ngày, nước ngập cao, tối tăm và ẩm thấp, lô cốt này được cho là nơi ẩn trú “lý tưởng” của loài muỗi. Chính quyền và người dân ở đây cũng đã cài cửa, chặn đá kín lô cốt, không để tình trạng mất vệ sinh xảy ra thêm nữa. Tuy nhiên, ông Thạo cũng như nhiều người dân nơi đây mong muốn chính quyền sớm đồng thuận việc dỡ bỏ lô cốt hoang để cải tạo thành sân chơi sinh hoạt hè cho trẻ em trong phường.

Nhật Linh

Nhật Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ