(Tổ Quốc) - Chính phủ Sri Lanka thông báo nước này sẽ tạm dừng quá trình trả nợ nước ngoài trong khi chờ hoàn thành chương trình tái cơ cấu khoản vay từ Quỹ Tiễn tệ Quốc tế (IMF) nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của quốc đảo trong nhiều thập kỷ.
Người dân Sri Lanka trong những tháng gần đây đã đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực và mất điện hàng ngày. Hầu hết các chi phí này đều phải thanh toán bằng ngoại tệ nhưng Sri Lanka hiện đang trên bờ vực phá sản vì dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt và khoản nợ nước ngoài lên tới 25 tỷ USD sẽ phải trả trong vòng 5 năm tới, trong đó khoản vay trị giá 7 tỷ USD sẽ hết hạn trong năm nay.
Bộ Tài chính nước này cho biết, các khoản nợ của Sri Lanka đã lên đến mức kỷ lục kể từ khi độc lập vào năm 1948. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như hậu quả từ căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến hệ thống tài chính của Sri Lanka khiến nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Theo Bộ Tài chính Sri La, IMF đánh giá khoản nợ nước ngoài của nước này là không bền vững và việc duy trì nỗ lực thanh toán nợ nước ngoài sẽ không phải là chính sách thực tế.
Ngoài việc tìm kiếm giúp đỡ từ IMF, Chính phủ Sri Lanka cũng tìm kiếm hỗ trợ từ Ấn Độ và Trung Quốc để giải quyết tình trạng hiện tại.
"Chính phủ Sri Lanka mong muốn nhanh chóng có các cuộc thảo luận với IMF nhằm trao đổi kế hoạch toàn diện khôi phục lại tình trạng bền vững của nợ công nước ngoài", Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết.
Sri Lanka sẽ phải trả gần 200 triệu USD tiền nợ vào tuần tới. Nếu nước này không thể huy động được số tiền này thì có thể đối mặt với tình trạng vỡ nợ tồi tệ nhất.
Ngân hàng Trung ương Sri Lamka cũng kêu gọi người dân sống và làm việc nước ngoài tích cực quyên góp ngoại tệ vào 4 tài khoản ngân hàng do chính phủ điều hành nhằm hỗ trợ nhu yếu phẩm cũng như thuốc men cần thiết cho người dân. Chính phủ nước này đang lo ngại các cuộc đàm phán với IMF sẽ mất nhiều thời gian để có thể cải thiện kinh tế.
Theo hãng AP, hầu hết người dân Sri Lanka đang phải xếp hàng dài để mua nguyên liệu nấu ăn, nhiên liệu, sữa. Các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo tình trạng thiếu thiết bị y tế nghiêm trọng ở các bệnh viện công.
Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa cam kết chính phủ sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề tài chính của đất nước.
"Chúng tôi đang bắt tay vào chương trình lớn để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại", Thủ tướng Mahinda Rajapaksa nhấn mạnh.