• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân trên khắp thế giới "quay cuồng" với giá xăng dầu

Thế giới 20/06/2022 20:55

(Tổ Quốc) - Giá xăng dầu tăng mạnh trên khắp thế giới khiến người dân đã phải thay đổi thói quen đi lại và chờ các phản ứng tiếp theo từ chính phủ để kiểm soát giá năng lượng.

Theo hãng AP, ở một trạm đổ xăng gần sân bay của Đức, ông Bernd Mueller, một khách hàng mua xăng đang tranh thủ đổ xăng và sốt ruột nhìn vào các con số tăng chóng mặt. Ông Muller hiểu được điều đó nhưng vẫn tiếp tục cho hành trình đi lại và sử dụng nhiên liệu.

Người dân trên khắp thế giới "quay cuồng" với giá xăng dầu  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn:AP

"Tôi sẽ ngừng sử dụng xe ô tô riêng vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Tôi chuẩn bị nghỉ hưu và bắt buộc phải thu hẹp chi tiêu", ông Mueller nói.

Giống như ông Mueller, trên toàn cầu, những người sử dụng xe ô tô đang phải cân nhắc lại thói quen, tài chính cá nhân trong bối cảnh giá xăng và dầu diesel tăng chóng mặt do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga và Ukraine cũng như quá trình hồi phục toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Giá năng lượng cao ngất ngưởng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát đang gia tăng trên khắp thế giới cũng như khiến chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn.

Hãng AP viết, nhiều gia đình có thể phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế các chuyến du lịch vì giá xăng tăng. Do đó, giá năng lượng tăng sẽ khiến người dân trên khắp thế giới đưa ra các lựa chọn mới và thay đổi thói quen cũng như sở thích. Mọi người cũng lựa chọn đi bộ nhiều hơn, sử dụng xe đạp, đi tàu điện ngầm, xe lửa hoặc xe bus.

Ở Manila, ông Ronald Sibeyee đã phải chi tới 16,83 USD mua dầu diesel mỗi ngày để chạy xe jeepney, một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines. Ronald Sibeyee nói rằng thu nhập của ông đã giảm khoảng 40% từ khi giá nhiên liệu tăng.

Bên cạnh đó, giá xăng và dầu diesel đã tác động đến sức mua của người dân trên khắp thế giới. Giá dầu thường được định giá bằng đô la Mỹ, vì vậy một quốc gia nhập khẩu năng lượng như châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng khó khăn hơn.

Và các yếu tố địa chính trị như căng thẳng ở Ukraine cũng khiến người mua tránh xa việc mua dầu của Nga. Phương Tây tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga và đã làm "chao đảo" các thị trường năng lượng. Các nguồn cung cũng trở nên khan hiếm do đại dịch bùng phát nhanh chóng.

Giá dầu thô trên toàn cầu hiện rơi vào khoảng 110 USD/thùng. Ở Hong Kong (Trung Quốc) và Na Uy, giá dầu thô ước tính hơn 10 USD/gallon (1 gallon=3,78 lít). Ở Đức, giá dầu rơi vào khoảng 7,50 USD/gallon và ở Pháp khoảng 8 USD/gallon.

Bên cạnh đó, người dân ở các quốc gia nghèo hơn cũng cảm thấy áp lực lớn do giá năng lượng cao hơn. Ở Mỹ, những người dân sống ở vùng nông thôn thường ít có khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng vì vậy áp lực đang đè lên vai họ nhiều hơn.

Ông Charles Dupont, Giám đốc một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris vẫn phải sử dụng xe ô tô riêng đi làm.

"Tôi đã chuyển đổi sang trạng thái tiết kiệm xăng và tránh các tình huống phanh xe gấp", ông nói.

Ngoài ông Dupont, bà Letizia Cecinelli cũng cho biết bà thường sử dụng xe đạp và hạn chế các chuyến đi bằng ô tô nếu có thể.

"Nếu tôi có một đứa con và phải đưa con đi cắm trại thì chắc phải cắt giảm món pizza yêu thích", bà nói khi ví von với tình trạng sử dụng xăng hiện tại.

Các biện pháp hỗ trợ giá cho khách hàng

Theo AP, trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy Saudi Arbia tiếp tục bơm thêm dầu nhằm hạ giá khí đốt. Ông Biden cũng đã quyết định sẽ có chuyến thăm vương quốc này trong tháng tới sau khi liên minh OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng ra thị trường.

Mỹ và các quốc gia khác cũng cân nhắc đến việc xả kho dầu từ nguồn dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, động thái này chỉ giúp ích nhưng không mang tính quyết định.

Một số quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp để giảm giá xăng. Hungary áp dụng chiết khấu cho khách hàng trong nước nhưng không áp dụng cho khách ở nước ngoài. Ở Đức, chính phủ nước này đã cắt giảm thuế khoảng 35 cent/lít đối với xăng và 17 cent/lít với dầu diesel. Tuy nhiên, giá có thể sẽ tăng trở lại. Đức cũng đã áp dụng giảm giá vé đối với phương tiện cộng cộng và khiến các nhà ga và xe lửa trở nên đông đúc vào các dịp nghỉ lễ cuối tuần. Chương trình này chỉ áp dụng trong ba tháng và hầu hết người dân ở khu vực nông thông khó có thể tiếp nhận ưu đãi này vì không có ga xe lửa gần đó.

Theo hiệp hội các Trạm xăng của Đức, người dân đang sử dụng xăng nhiều như trước khi đại dịch xảy ra.

"Người dân vẫn đổ xăng nhiều như trước nhưng họ đang cố để chấp nhận điều đó", Herbert Rabl, người phát ngôn của hiệp hội cho hay. Các giải pháp trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình ở Urkaine. Ở bối cảnh hiện tại, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc vẫn mua nhiều dầu từ Nga thì châu Âu đang tìm nguồn cung từ các nơi khác, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ