(Tổ Quốc) - Nước Mỹ đang khan hiếm nghiêm trọng những người giúp việc gia đình.
Trước kia, nhiều thế hệ người Mỹ dựa vào các thành viên trong gia đình để chăm sóc khi về già. Ngày nay, người Mỹ đang già đi mà không có ai chăm sóc. Người giúp việc gia đình trở nên khan hiếm.
Những người sinh sau Thế chiến II (baby boomers), những người thường tự chăm sóc bản thân, sẽ cần có người chăm sóc. Nhưng đối với nhiều người, chưa rõ ai sẽ chăm sóc họ.
Vấn đề khan hiếm này xảy ra vào thời điểm số lượng người Mỹ sắp nghỉ hưu nhiều chưa từng thấy trong nhiều thế hệ. Trong khi đó, thu nhập của họ ở mức trung bình, bao gồm cả các khoản trợ cấp an sinh xã hội, quỹ hưu trí, không tăng lên trong nhiều năm qua. Người thân có vẻ xa vời, không thể nhờ cậy được. Giải pháp càng trở nên chắp vá.
Khan hiếm người giúp việc gia đình
Mỹ hiện có khoảng 34,2 triệu người chăm sóc không công cho những người từ 50 tuổi trở lên. Họ là xương sống của hệ thống chăm sóc lâu dài của Mỹ, 95% số đó chăm sóc cho gia đình. Theo một nghiên cứu năm 2017, hàng năm, sự chăm sóc không công của 34,2 triệu người nói trên trị giá khoảng 500 tỷ USD, giúp nhiều người không phải đến những cơ sở chăm sóc đắt đỏ.
Cô giúp việc gia đình đang cố gắng an ủi một người già Mỹ. |
Tuy nhiên, nguồn cung người chăm sóc đang suy giảm trong lúc mỗi ngày, khoảng 10.000 người bước sang tuổi 65. Năm 2020, Mỹ sẽ có khoảng 56 triệu người tuổi 65 trở lên.
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, “Các gia đình sinh ít con hơn; ngày càng nhiều người trưởng thành ly hôn hoặc không kết hôn; con cái lớn lên thường sống xa cha mẹ, hoặc phải chăm sóc nhiều hơn một người già hoặc chính con cái của họ”.
Nhiều người cao tuổi không lựa chọn dịch vụ chăm sóc của tư nhân. Nhiều người không đủ tiền để chi trả cho những người chăm sóc sức khỏe tại nhà (HHA) dự kiến vượt qua khả năng cung ứng hơn 3 triệu người trong thập kỷ tới. Chi phí trung bình cho một người HHA vào khoảng 49.000 USD/năm.
Chăm sóc y tế của chính phủ (Medicare) thường không thanh toán cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe kéo dài tại bệnh xá, với chi phí có thể lên đến 100.000 USD/năm cho một phòng riêng.
Nhiều gia đình đang hỗ trợ lẫn nhau để giảm bớt khó khăn. Vợ/chồng cũ (đã ly hôn) chăm sóc nhau. Bạn bè thời thơ ấu trông nom cha mẹ người làm ăn ở xa. Một số chính họ cũng đang trở nên già.
Chăm sóc từ xa
Con cái trưởng thành thường đi xa, phải chăm sóc cha mẹ từ xa. Con cái làm bất cứ những gì có thể từ khoảng cách hàng trăm dặm, như tìm kiếm phụ tá, quản lý hóa đơn, đặt hàng chuyển phát tạp hóa.
Cô Shelly Cooley Hoce, 56 tuổi, sống ở Florida. Cha mẹ đều ở tuổi 80, sống ở Ohio, cách 800 dặm. Cha của Shelly mắc bệnh Alzheimer, không thể nhận ra con gái mình nữa, gần đây, người bố hỏi con gái mình: “Cô có đúng thực là con gái của tôi không?”
Shelly và anh trai thay phiên về thăm cha mẹ 6 tuần/lần. Ngoài những lần thăm viếng đó, họ nhờ đến sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè, người quen.
Công nghệ có thể giúp báo động những người chăm sóc từ xa trong trường hợp khẩn cấp, giữ liên lạc với gia đình, nhưng không thể thay thế vai trò của con người trong việc đảm bảo đủ thực phẩm trong tủ lạnh. Y tá và những người làm công tác xã hội, thường chăm sóc người già ở địa phương, nhưng có giá từ 50-200 USD/giờ.
Shelly từng cố gắng thuyết phục cha mẹ chuyển đến Florida, nhưng người mẹ không muốn rời quê hương Ohio.
Giúp đỡ tự nguyện hoặc vợ/chồng cũ chăm sóc nhau
Người già thường nhờ đến sự giúp đỡ của tình nguyện viên; nhu cầu ngày càng tăng lên đối với những cơ quan tổ chức các hoạt động tình nguyện như vậy.
Bà Noel, 90 tuổi, có hai con gái đều đã hơn 60 tuổi, một người sống ở California, người kia ở Wisconsin. Từ ngày thay khớp gối, bà Noel muốn ở nhà, sợ phải đến viện dưỡng lão hơn là cái chết.
Trong giai đoạn 1990-2010, tỷ lệ ly hôn của những người 50 tuổi trở lên tăng gấp đôi, đồng nghĩa với việc ngày càng ít người chăm sóc là vợ/chồng.
Những người già neo đơn
Một phần ba số người trung niên sắp nghỉ hưu trong tình trạng độc thân, đặc biệt là phụ nữ thường sống một mình, hoặc trở thành độc thân khi về già.
Khoảng 14% số người già cơ nhỡ, khoảng 2 triệu người, không có con.
Sau khi nghỉ hưu 30 năm trước, bà Dickson đã mua bảo hiểm dài hạn, nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì số tiền phải nộp một quý tăng lên đến 600 USD. Nhà thờ của bà Dickson có nơi hỗ trợ sinh sống. nhưng giá cả là vấn đề lớn, gần 3.000 USD/tháng cho một phòng riêng và nhà tắm chung.
Nhiều người Mỹ 60-70 tuổi độc thân thường sang các nước để “lấy vợ trẻ”, trong đó có Việt Nam. Thực chất là giải pháp tìm người giúp việc không trả công. Một số phụ nữ Việt trả 50.000 USD để “lấy chồng Mỹ”. Ông chồng giữ hộ chiếu. Thành ra, những khó khăn, thậm chí khủng hoảng, lại rơi vào những người Việt khi không muốn sống suốt đời làm “người giúp việc gia đình”./.
(theo báo Mỹ)