• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người giàu nhất Trung Quốc tiết lộ triết lý dạy- học

Thế giới 24/01/2017 14:31

(Tổ Quốc) - Người giàu nhất Trung Quốc chia sẻ các triết lý giáo dục và tại sao ông sáng lập “siêu giải thưởng” cho giáo dục toàn cầu.

Hàng năm, Giải thưởng Yidan trị giá gần 8 triệu USD sẽ được trao cho hai dự án nghiên cứu có nhiều tiềm năng “thay đổi” giáo dục toàn cầu. Người tài trợ cho giải thưởng này, ông Charles Chen Yidan, là người đồng sáng lập công ty mạng hàng đầu Trung Quốc Tencent. Theo Yidan, ông muốn thông qua giải thưởng để hỗ trợ cho các ý tưởng nghiên cứu về giáo dục sáng tạo, và góp phần áp dụng chúng ở quy mô toàn thế giới.

Chỉ cần là ý tưởng giáo dục có thể nhân rộng

Các chính phủ, trường đại học và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng rất tích cực với giải thưởng Yidan. Những cơ quan giáo dục hàng đầu như Harvard và MIT thậm chí đã bắt đầu giới thiệu những đề cử của mình. Tuy nhiên, người thắng giải không nhất thiết phải là một cái tên nổi tiếng trong ngành giáo dục. Ngược lại, ngay một dự án địa phương, nếu đáp ứng xuất sắc các tiêu chí cũng có thể nhận được số tiền khổng lồ này. “Chỉ cần là một ý tưởng có thể nhân rộng ra các khu vực khác, chúng tôi có thể trao giải thưởng,” ông Chen nói.

Giải thưởng giáo dục Yidan trị giá gần 8 triệu USD

Năm nay 45 tuổi, Charles Chen Yidan có tên trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc sau từ khi thành lập Tencent vào năm 1998. Năm 2013, ông quyết định từ chức để tập trung vào các hoạt động tài trợ cho giáo dục.

Mối quan tâm của ông Chen với giáo dục xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Bà nội của ông mặc dù mù chữ, nhưng vẫn kiên quyết bắt con trai mình phải có một nền tảng giáo dục tốt. Chen Yidan tốt nghiệp ngành hóa học ứng dụng tại Đại học Thâm Quyến và lấy bằng thạc sỹ về luật kinh tế tại Đại học Nam Kinh.

Triết lý giáo dục của Chen được hình thành từ những áp lực “kinh khủng” của các kỳ thi “gaokao” vốn nổi tiếng là khắc nghiệt của Trung Quốc. Vì vậy, ông đã thành lập trường Wuhan – một đại học tư nhân tại Trung Quốc – tập trung vào “sự phát triển toàn diện con người” thay vì nền giáo dục xoay quanh học thụ động và các kỳ thi. Những sinh viên tốt nghiệp Wuhan được kỳ vọng sẽ trở thành những hạt nhân cho ngành công nghiệp kỹ thuật Trung Quốc. Các nhà quản lý cấp cao đến từ Tencent giúp thiết kế chương trình học, tuyển sinh viên và trực tiếp tham gia giảng dạy. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các sinh viên của trường này sở hữu đúng những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng mong muốn.

Tuy nhiên, ông Chen cảm thấy không hài lòng khi cho rằng, mô hình giáo dục của mình chỉ có thể tiếp cận được một số ít sinh viên. Do đó, ông quyết định sẽ thành lập một giải thưởng giáo dục toàn cầu, như một phương pháp hiệu quả nhất để góp phần cải thiện nền giáo dục cho hàng triệu người trẻ tuổi trên toàn thế giới.

Các xu thế giáo dục tương lai

Chen Yidan tiết lộ, ông đã nhận được rất nhiều đề cử. Chen muốn những người tham gia tập trung vào các xu thế tương lai trong giáo dục. “Chúng tôi nhận thấy, cho dù mọi người đến từ nước giàu hay đang phát triển, từ phía đông hay phía tây, họ đều sở hữu những mối quan tâm chung,” Yidan nói. Đó là các vấn đề như việc trẻ em đến từ các gia đình giàu có có những tiếp cận tốt nhất với giáo dục, và tại một số quốc gia, học sinh đang phải đối mặt với quá nhiều kỳ thi…

Người trúng giải sẽ được quyết định bởi một hội đồng các chuyên gia giáo dục độc lập, do Tiến sỹ Koichiro Matsuura, cựu Tổng Giám đốc của UNESCO dẫn đầu. Hội đồng này mong muốn nhận được các đề cử sáng tạo và bền vững, có thể cải tiến cơ cấu giáo dục hiện tại, và đáp ứng được những thách thức trong tương lai của giáo dục toàn cầu.

Tận dụng tốt hơn đội ngũ giáo viên về hưu

Tỷ phú Chen Yidan cũng có những ý tưởng riêng của mình để thúc đẩy giáo dục toàn cầu. Một trong số đó là việc làm sao để có thể tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên về hưu. “Họ là một nguồn lực vô cùng giá trị mà chúng ta cần phải biết tận dụng tốt hơn,” Chen nói.

Nhà tài trợ cho giải thưởng, tỷ phú Trung Quốc Chen Yidan

Ông cũng cho rằng, việc thu thập “dữ liệu lớn” về sinh viên có thể giúp các cá nhân nhận được sự giáo dục hiệu quả hơn: “Bằng cách phân tích dữ liệu, chúng ta có thể tìm được các cách tốt hơn để giúp đỡ các nhu cầu của sinh viên.” Tất nhiên, trong vài trò người sáng lập một công ty mạng, Chen Yidan tin tưởng vào sức mạnh của công nghệ trong việc thay đổi giáo dục.

Giải thưởng của Chen Yidan là giải thưởng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục. Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu do quỹ Varkey tài trợ hàng năm trao thưởng 1 triệu USD cho một giáo viên có cống hiến xuất sắc cho giáo dục. Giải thưởng Lớn cho Giáo dục Đô thị, trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2014, mỗi năm trao 1 triệu USD cho một trường học tại Mỹ với những thành tích cải thiện giáo dục cho những học sinh thiểu số và thu nhập thấp. Giải thưởng WISE của quỹ Qatar cũng có trị giá lên tới 500.000 USD…

Ý kiến các chuyên gia

Tuy nhiên, một giải thưởng có giá trị cao, có thật sự là cách tốt nhất để phát triển giáo dục?

Dan Sarofian-Butin, người sáng lập trường Giáo dục và Chính sách Xã hội thuộc Cao đẳng Merrimack, Massachusetts cho rằng, tiền thưởng có thể là một cách kém hiệu quả để đạt được những thay đổi được kỳ vọng. “Thay vì trao tiền thưởng một lần, tôi  hy vọng Giải thưởng Yidan có thể giúp đỡ người thắng giải trong vòng một năm,” Dan nhận xét. “Một giải thưởng giáo dục thật sự hiệu quả, sẽ tạo ra một cơ chế có thể cải thiện công tác giảng dạy, mạng lưới giáo dục và phát triển bền vững.”

Những ý tưởng giáo dục hiệu quả có thể nhân rộng có khả năng đạt giải thưởng

Andreas Schleicher, một chuyên gia giáo dục của OECD đánh giá cao giải thưởng Yidan. “Khi chúng tôi khảo sát các giáo viên, chưa đến ¼ trong số đó nghĩ rằng, những cải cách giáo dục của mình sẽ được công nhận.” Theo ông, tính công nghiệp và dựa trên sự phục tùng của các tổ chức giáo dục ngày nay đồng nghĩa với việc, khi những ý tưởng tốt ra đời, chúng sẽ không được nhân rộng và phát huy.

(Theo BBC)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ