(Tổ Quốc) - Với hai bàn tay trắng, sau khi làm dâu chị Thương được bố mẹ cho một mảnh đất "cắm dùi" và với sự cần cù, chịu khó chị Thương cùng chồng đã nỗ lực vượt khó khăn làm giàu trên chính mảnh đất của mình…
- 11.12.2023 Quảng Bình: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn uỷ thác
- 07.12.2023 Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Ninh
- 05.12.2023 Đưa người lao động vùng đồng bào miền núi đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo bền vững
- 05.12.2023 Infographics: Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Hòa Bình
- 01.12.2023 Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chị Cao Thị Thương (SN 1984) là người dân tộc Sách sinh sống ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa – Quảng Bình). Sinh ra và lớn lên ở một gia đình nghèo khó, chị Thương có tuổi thơ vô cùng vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và sau mỗi buổi đến trường, chị Thương cùng gia đình lên nương, rẫy để làm lụng kiếm tiền đỡ đần cho gia đình.
Mình thấy có rất nhiều người làm giàu trên chính mảnh đất của mình bằng trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Thời đó cũng may mình được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện 40 triệu đồng và đầu tư chăn nuôi lợn thịt và làm vườn. Hiện nay, không chỉ trả tiền đủ cho ngân hàng mà còn tích góp được ít của cải lo cho con cái mình, chừng đó đủ hạnh phúc lắm rồi…
Chị Cao Thị Thương – xã Yên Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình)
Tuổi thơ lớn lên trong gian khó là vậy nhưng cái nghèo vẫn bám riết gia đình, năm 2006, chị Thương lấy chồng ở xã Yên Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình). Những tưởng lấy chồng cuộc sống đỡ hơn nhưng ở nhà chồng, vùng đất cũng khó khăn không kém. Hai vợ chồng làm thuê khắp chốn nhưng cũng không đủ ăn chưa kể lo cho con cái mình đầy đủ như bạn bè cũng trang lứa…
Dám nghĩ, dám làm để vượt qua hoàn cảnh, chị Thương đã tìm tòi mọi nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây trên mảnh đất cằn cỗi của gia đình. Với lợi thế đất rộng nhưng đất đồi núi, cỏ cây um tùm, đá sỏi, để khai thác được đó là điều rất khó khăn, nhân lực ít, vốn thì không có. Hai vợ chồng đã tự cày cuốc, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, mỗi ngày mỗi ít, phát quang bụi rậm, cải tạo, quy hoạch vườn, lấy ngắn nuôi dài, cuốc đến đâu trồng cây đến đó, ban đầu trồng ổi, đào ao nuôi cá.
Qua nắm bắt tình hình của Hội LHPN xã và cam kết của vợ chồng chị Thương, Ngân hàng CSXH huyện đã cho vợ chồng chị cơ hội được vay các nguồn vốn với tổng số tiền vay đến nay 100 triệu đồng. Với số tiền đó hai vợ chồng tiếp tục thuê máy khoan giếng nước, đào thêm ao cá, thuê máy san, đổ đất và khai hoang mảnh đất đồi gần 7000m2.
Nhờ quyết định "liều mạng" này đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình chị Thương từ đó. Mảnh đất đồi núi, đá sỏi, cỏ cây um tùm đã biến thành mô hình chăn nuôi tổng hợp vườn, ao, chuồng với quy mô rộng lớn gồm 20 con lợn rừng, trong đó có 10 con lợn nái đang nuôi lứa đầu tiên; 50 con gà thịt và gà đẻ trứng; 04 con bò sinh sản, 03 ao cá với trên 400 con cá trắm, 100 con cá chép, 1.000 con cá rô, 1.000 con cá trê phi.
Gia đình chị Thương cũng trồng hơn 10 loại cây ăn quả: 240 cây mít, 350 cây bưởi, 180 cây ổi, 100 cây hồng xiêm, 60 cây xoài, 10 cây vú sữa. Vườn cây phát triển tốt, vườn ổi của chị hàng năm đến mùa thu hoạch bán cho Siêu thị Diến Hồng tiêu thụ, các loại cây khác đang chuẩn bị thu hoạch mùa đầu tiên và mùa thứ hai. Ngoài ra trồng xen lẫn giữa các loại cây gồm 400 cây chuối, chè, bí đỏ, rau để có thực phẩm cho gia đình, bán tăng thêm thu nhập và làm thức ăn cho gà, cá, lợn, bò. Mô hình đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi năm trừ chi phí thu về từ 100-120 triệu đồng, từ thu nhập vợ chồng tiếp tục mở rộng đầu tư mô hình.
Để có được thành quả như hôm nay, vợ chồng chị Thương phải tìm hiểu, nghiên cứu cách làm và làm việc cần mẫn, chịu khó, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hết chăm vườn cây, đến chế biến thức ăn cho lợn, gà, bò, cá. Để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và đỡ kinh phí trong trồng cây ăn quả, rãnh rỗi vợ chồng chị đẩy xe nhặt phân chuồng để ủ phân bón cho cây.
Chị Thương chia sẻ: Từ ngày đầu tư mở rộng mô hình hai vợ chồng đầu tắt mặt tối vì công việc và cuối cùng đã thành công, nhờ vậy cuộc sống của gia đình chị không còn vất vả, đủ điều kiện để nuôi hai con ăn học và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
"Thực tình, có được ngày hôm nay chẳng ai nghĩ mình từ bàn tay trắng từ sự đổi thay về nhận thức của người chồng, sự đồng sức, đồng lòng, cần cù, chăm chỉ vượt khó, vợ chồng chị Thương đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình"… chị Thương tâm sự
Mô hình kinh tế của gia đình chị Thương tạo động lực, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hiện nay, với mô hình của gia đình, chị Thương đã có thu nhập ổn định và mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô vừa cải tạo đất vừa phát triển cây con giống để từ đó có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình mình.