• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn uỷ thác

Kinh tế 11/12/2023 14:13

(Tổ Quốc) - Để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thì nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống… đó là mấu chốt của nguồn vốn vay uỷ thác từ ngân hàng chính sách xã hội…

Những tín hiệu vui…

Có thể khẳng định rằng, việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết hợp tạo điều kiện cho chị em phụ nữ ở huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn...nhiều chị em đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh.

Nhiều mô hình có hiệu quả cao như đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng kinh tế. Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn đầu tư vào các các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn...cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Đồng thời giúp các gia đình nghèo và cận nghèo khác có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để cải thiện mức sống.

Quảng Bình: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn ủy thác - Ảnh 1.

Người dân có được nguồn vốn vay sẽ phát huy được khả năng phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Bình

Điển hình là hộ bà Trần Thị Minh, thôn 5, xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa gồm 4 nhân khẩu với 2 lao động chính với 3.000 m2 đất sản xuất. Do nhà có đất nhưng thiếu vốn để chăn nuôi sản xuất, vay mượn tiền thì khó khăn. Được Hội LHPN xã Ngư Hóa phổ biến có chương trình cho vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, mà không phải thế chấp tài sản. Bà đã liên hệ với Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội LHPN xã quản lý và được hướng dẫn vay vốn với mục đích trồng cây vải thiều và nuôi trâu, nuôi heo sinh sản nhằm cải thiện cuộc sống gia đình.

Năm 2019, hộ gia đình bà Trần Thị Minh được tham gia vào tổ Tiết kiệm và vay vốn do LHPN quản lý và được bình xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay chương trình Cho hộ cận nghèo với số tiền 90 triệu đồng để sử dụng vốn vay làm chuồng trại và mua 2 con trâu sinh sản; trồng hơn 100 gốc vải thiều.

Sau 2 năm chăm sóc, bò đã sinh 02 lần được 2 con trâu nghé. Sau một thời gian, bà Minh đã bán được 02 con trâu và trả hết nợ vay NHCSXH khi đến hạn. Với hiệu quả trong việc chăn nuôi, trồng trọt như thế. Đến năm 2023, kinh tế gia đình của bà Trần Thị Minh đã dần ổn định và cuộc sống gia đình của bà cũng được ấm no hơn. Tài sản hiện tại của gia đình bà Minh gồm 120 gốc vải thiều đang ra hoa; 04 con trâu; đàn heo hơn 10 con, trong đó có 02 con heo nái gần đẻ; đàn gà thả trong vườn hơn 50 con.

Nhân rộng các mô hình quản lý nguồn vốn

Chị Đinh Thị Ái Ninh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Tuyên Hóa tâm sự: Cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định được hiệu quả của hoạt động ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên. Thông qua sinh hoạt chi, tổ hội và hoạt động của tổ tiết kiệm, vay vốn đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, giúp chị em tự tin hơn trong tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó.

Quảng Bình: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn ủy thác - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt được hỗ trợ từ nguồn vốn ủy thác tại huyện Tuyên Hoá

Tuyên Hóa là huyện có địa bàn rộng, hội viên phụ nữ không chỉ có dân tộc Kinh mà còn có chị em là dân tộc thiểu số, vì thế công tác quản lý nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH luôn được Ban Thường vụ Hội LHPN huyện quan tâm thực hiện. Tính đến nay Hội LHPN huyện Tuyên Hóa đang quản lý 2.523 hộ vay với dư nợ trên 184 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,9% tổng dư nợ của cả huyện), tăng so với đầu năm 21,4 tỷ đồng.

Hiên nay, nợ quá hạn luôn được ổn định ở mức 0,03%, công tác tuyên truyền tổ viên tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) luôn được chú trọng. Số tiền gửi của tổ viên đã đạt 5,7 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện nhận tiền gửi từ tổ viên tổ TK&VV với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, số tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng đạt trên 93% (nhiều xã, thị trấn đã vận động người vay nâng mức tiền gửi lên từ 200.000-300.000đồng/tháng).

Để nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nguồn vốn được ủy thác, các cấp hội đã tổ chức rà soát củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ đến màng lưới làm công tác ủy thác của hội. Hội thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chủ trương về tín dụng chính sách xã hội đến toàn thể hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, các đối tượng chính sách khác.

Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các chị em là thành viên vay vốn, vận động chị em áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất và chăn nuôi, sử dụng vốn có hiệu quả cao nâng cao đời sống gia đình… bà Ninh cho hay

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ