(Tổ Quốc) - Anh Dương Minh Trung và Nguyễn Hữu Giang là hai nhân vật nổi bật trong số những người thợ nghề đá mỹ nghệ tại Ninh Vân - Hoa Lư, Ninh Bình.
- 27.08.2022 Vị bác sĩ dành tâm huyết theo đuổi những giá trị xưa cũ, ôm ấp ý tưởng khơi dậy làng nghề truyền thống của quê hương
- 21.08.2022 Người Việt đầu tiên điêu khắc tranh trên kính chỉ với viên đá mài thủ công
- 26.06.2022 Về thăm "đất tổ" của nghề gốm, nơi sản sinh ra "Đại Việt quốc quân thành chuyên" trứ danh
- 08.06.2022 Người đàn ông Ninh Bình biến những chiếc lá vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật
Nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) đã có từ lâu đời. Theo các cụ cao niên kể lại, vị tổ nghề đá ở Ninh Vân người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá tài giỏi thời trẻ di cư ra đây, làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy nghề này cho dân địa phương.
Thăm làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Hoa Lư Ninh Bình
Trải qua bao nhiêu đời, tuy có những giai đoạn tưởng chừng "xóa sổ" nghề này do bối cảnh xã hội nhưng vẫn còn người dân địa phương giữ lại nghề truyền thống và phát huy.
Thoát nghèo vì táo bạo
Đến thăm xưởng đá mỹ nghệ của anh Nguyễn Hữu Giang (36 tuổi, xã Ninh Vân) thanh niên trẻ được phong nghệ nhân cấp tỉnh cách đây 3 năm. Anh Giang có hoàn cảnh rất đặc biệt, mẹ bị bệnh tim khi sinh con ra không có bố. Lên 16 tuổi học hết lớp 9 trường làng, cũng là lúc mẹ mất nên anh Giang trở thành đứa trẻ mồ côi.
Không cha, không còn mẹ và anh em họ hàng cũng neo người nên chẳng biết dựa vào ai, anh Giang quyết định nghỉ học để đi làm thuê.
Theo anh Giang chia sẻ, cách đây khoảng 20 năm, khi đó nghề đá Ninh Vân tuy đã có danh tiếng nhưng chưa phát triển nhiều.
"Lúc ấy, các bạn cùng trang lứa tuổi với tôi thì được đi học, sau các bạn đi làm kinh tế bằng những nghề khác có thu nhập cao hơn. Còn tôi, tôi nghĩ đã làm cho ông chủ tốt thì chung thành, tôi là người đam mê nghề đá, vừa làm vừa học hỏi", nghệ nhân trẻ cho biết, anh vừa làm thuê và học việc hơn chục năm.
Với năng khiếu trời phú, từ khi vừa vào làm thuê cho ông chủ, Giang đã nổi bật không chỉ học việc nhanh, làm giỏi cho ông chủ, mà còn sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho một số thanh niên khác đã hành nghề.
"Quan trọng nhất là tôi được tham gia làm việc cho nhiều công trình cổ kính, công trình có giá trị văn hóa nên tìm hiểu các đường nét tinh vi của các cụ xưa đã làm, dần dần tôi tự mày mò và lấy kiến thức cho mình", anh Giang chia sẻ bí quyết và cho hay, với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, dù máy móc hiện đại thì nhiều chi tiết vẫn không thể thay thế được bàn tay con người.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, điêu luyện và học được bí quyết chế tác các sản phẩm bằng đá với những đường nét tinh xảo cùng với khả năng độc lập về tay nghề, anh Giang tìm cách vay mượn đủ mọi nguồn, tự mở xưởng riêng tại gia đình.
Chỉ sau 3 năm, trong một cuộc thi tay nghề, anh Giang nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo và vinh dự nhận được Danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Ninh Bình.
Đến nay, xưởng đá mỹ nghệ nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi, luôn bố trí đủ công việc và có thu nhập ổn định cho gia đình anh Giang và gần chục công nhân. Đáng mừng, nhiều công nhân cùng thời thanh niên với anh Giang trước kia không muốn theo nghề, thì nay đã quay lại học nghề và làm việc ngay tại xưởng của anh Giang.
"Bàn tay vàng trong làng đá mỹ nghệ" mới 22 tuổi
Tiếp tục đến với xưởng đá mỹ nghệ của doanh nhân trẻ Dương Minh Trung, sinh năm 1998, ở thôn Thượng, xã Ninh Vân. Anh Trung xuất sắc trong cuộc thi "Bàn tay vàng" chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình 2020 và đạt giải cao nhất khi mới 22 tuổi.
Cũng nghỉ học từ khi hết lớp 9, Trung đi theo người anh họ làm nghề đá mỹ nghệ ở làng. Đi làm thuê, thanh niên trẻ không chịu ngồi một chỗ, ban đầu cầm cái búa cũng khó, trong lúc đục đẽo liên tục bị trượt vào tay. Vì nghĩ đến gia đình không có kinh tế nên quyết tâm thoát nghèo, Trung vừa làm thuê vừa đi tìm những người thợ giỏi để học hỏi kinh nghiệm rồi về gia đình mở doanh nghiệp riêng sau đó chỉ vài năm làm thợ.
"Có những ngày tôi phải ở nhà chụp ảnh lại các sản phẩm để nghiên cứu các đường nét mà những thợ giỏi đi trước đã làm ra và làm ra được tác phẩm nào tôi cũng đều chụp lại để tiếp tục nghiên cứu".
Nghệ nhân bàn tay vàng cho biết, tại cuộc thi năm 2020, đề bài chung mà ban tổ chức đưa ra là bức phù điêu "Bông hoa cúc". Với sự tham dự của 31 thí sinh, thì trong số này có những người trước đây anh từng làm học trò, nhưng anh khiêm tốn nói về giải cao nhất, cho rằng do tác phẩm của mình có đường nét "có hồn" hơn sau một loạt tiêu chí và đó cũng là thành quả của việc chịu khó tìm tòi, học hỏi nghề.
"Đoạt giải bàn tay vàng ấy, tôi rất tự hào hãnh diện, đó là thành quả của những ngày tháng tìm tòi, học hỏi để có ngày hôm nay", nghệ nhân trẻ chia sẻ.
Qua cuộc thi chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình và đạt giải bàn tay vàng, sản phẩm của anh Trung được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết nhiều đến. Tại xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh Trung hiện nay có gần chục công nhân, những sản phẩm nghệ thuật ngoại cỡ ít nơi làm thì xưởng này vẫn có.
"Điều tôi hạnh phúc nhất hiện nay là gia đình thoát nghèo, tạo được công việc có thu nhập ổn định cho nhiều người. Đến ngày nay tôi tự tin đưa sản phẩm của mình đi khắp nước và nước ngoài, đáng trân trọng hơn nữa là giữ nghề truyền thống của cha ông để lại", Trung trải lòng.
Anh Trung chia sẻ thêm, công nghệ đục đẽo chế tác các sản phẩm từ đá hiện nay đã thay đổi rất nhiều do nhờ có máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ bản sắc nghề truyền thống từ lâu đời và phát triển lâu dài thì nhất thiết phải có bàn tay con người mới điều khiển được.
"Máy móc hiện đại cho năng suất cao, ví dụ như vận chuyển, nâng hạ, tạo thô, máy cắt CMC chỉ tạo được các đường cơ bản, nhưng tỉ mỉ từng chi tiết thì nhất thiết phải dùng đến bàn tay con người thì sản phẩm mới thật và mới đẹp mắt", anh Trung chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho hay, anh Nguyễn Hữu Giang và Dương Minh Trung đều là những công dân trẻ xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
Theo ông Diệu, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân được lưu giữ theo kiểu "cha truyền con nối", nhiều gia đình có đến 6,7 thế hệ làm nghề chế tác đá nhưng đặc biệt đối với hai công dân trên thì đều xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên đã tự nghỉ học từ lớp 9 để đi học nghề đá.
Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho biết thêm, toàn xã hiện có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống.
Ninh Vân có khoảng 1.000 lao động chuyên làm nghề, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút lực lượng lao động thời vụ từ nhiều địa phương khác.
Theo thống kê, giá trị sản xuất từ nghề đá hàng năm chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của xã Ninh Vân. Điều này đã cho thấy vai trò to lớn của nghề đá mỹ nghệ với đời sống người dân địa phương.
Thời gian tới, việc thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 30 ha sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề đá Ninh Vân ngày càng phát triển, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng xã.