(Tổ Quốc) - Gian lận thương mại không phải là vấn đề mới mà cứ mặc nhiên hiển hiện trong cuộc sống thời nay khiến người tiêu dùng vô cùng thiệt thòi. ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức, giá trị con người.
- 05.11.2017 Nhãn mác “made in Vietnam” chỉ 80 đồng/cái
- 08.11.2017 Sợ đồ Tàu, chị em quay sang “xài” hàng thiết kế
Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với Nhà Sử học – ĐBQH Dương Trung Quốc về vấn đề đạo đức kinh doanh trong bối cảnh thật - giả lẫn lộn trên thị trường hiện nay.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Hà Giang) |
-Thời nay, từ thực phẩm, thuốc chữa bệnh, trái cây, thực phẩm, mỹ phẩm... cho đến quần áo mặc bên ngoài cái gì cũng có thể bị làm giả, gian lận khiến người tiêu dùng hoang mang. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng mối quan tâm của xã hội về kinh tế là rất đúng, vì nó thiết thực trực tiếp hàng ngày đến mỗi người dân. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà chúng ta ít nhận ra những sự gặm nhấm, sự suy thoái về giá trị phi vật thể, giá trị về đạo đức tinh thần.
Quốc hội cũng đã nói rất nhiều về vấn đề giáo dục, những hiện tượng xã hội, kể cả đạo lý xã hội nhưng rất ít khi bàn đến biện pháp, những giải pháp để thực thi. Đương nhiên, giải pháp khó hơn rất nhiều. Đương nhiên, những chỉ số kinh tế chúng ta có thể phấn đấu nhưng chỉ số về đạo lý xã hội là rất khó.
Ví như, cứ có một dự án nào lớn là không ít người đã nghĩ trong đầu “liệu có xà xẻo, lợi ích nhóm không?”. Điều này là rất nguy hiểm, nhưng bởi vì đây là hiện tượng của xã hội.
Về câu hỏi bạn đặt ra về những “gian dối” trong làm kinh tế, tôi đang suy nghĩ tôi sẽ kiến nghị với Nhà nước là phải thay đổi.
Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ có giá trị ở thời điểm nào đó. Khi giá trị hàng hóa thấp kém người ta phải vận dụng lòng yêu nước, mà quốc gia nào cũng thế “người ta sẵn sàng mua đồ có thể kém hơn một chút nhưng với ý thức đóng góp cho đất nước để tiến lên”. Nhưng vì tâm thế kéo dài quá sẽ nảy sinh sự ỷ lại và không thể phát triển được.
Tại sao hàng hoá Việt Nam xuất ra nước ngoài lại bắt buộc phải nghiêm chỉnh? Trong khi đó lại quay lại lừa chính đồng bào mình. Câu chuyện Khaisilk là rõ nhất. Người tiêu dùng mua hàng của Khaisilk là vì muốn nâng niu giá trị người Việt. Nhưng đến bây giờ mọi thứ lộ rõ thì đây là cú sốc rất lớn.
Thủ tướng từng phát biểu tại một diễn đàn gần đây rằng Việt Nam phải thay đổi tâm thế đi. Đúng vậy, phải thay đổi từ chỗ “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Chúng ta đủ chinh phục chứ? Bởi thậm chí người ta còn phải mượn “thương hiệu Việt” để làm sự giả dối cơ mà!
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta làm tốt và xuất khẩu tốt hoa quả, rau. Tại sao chúng ta không làm được những sản phẩm chất lượng như vậy phục vụ đồng bào trong nước? Các nước tiên tiến họ luôn phải chinh phục người tiêu dùng trong nước bằng những sản phẩm tốt nhất trước đã rồi mới đem đi xuất khẩu. Họ phục vụ người dân trong nước họ bằng những sản phẩm tốt, chất lượng, thậm chí giá cũng rẻ. Họ có thể bỏ qua những yếu tốt bề ngoài như nhãn mác, đóng gói bao bì... nhưng sản phẩm thì luôn tốt nhất.
Thị trường trong nước của chúng ta rất lớn, hơn 93 triệu dân nhưng tại sao chúng ta lại cứ phải hướng ra ngoài?
Con cá basa ở mất giá ở nước ngoài, nhưng đã bao giờ xuất hiện phổ biến trên mâm cơm người Việt chưa?
Tôi cho rằng, nếu chúng ta cứ giữ mãi tâm lý như vậy, cùng sự thiếu cảnh giác thì sẽ để cho sự lừa lọc, gian dối xen vào.
-Vậy đạo đức kinh doanh ở nước ta liệu có phải là thứ hết sức xa xỉ?
Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề này ai cũng nói rồi. Nhưng thế nào là đạo đức? Kinh doanh thì có mục tiêu rất rõ là phải làm giàu.
Câu chuyện vợ chồng ông Trịnh Văn Bô hiến tặng Nhà nước hơn 5.000 lượng vàng gần như đã thành nếp của các nhà công thương thời xưa. Ở đây không phải chuyện đóng góp cho Nhà nước bao nhiêu lượng vàng mà là tâm thế, tư duy “khi tôi làm ăn lãi 10 thì tôi chỉ giữ lại cho mình 7, còn lại là cống hiến để lấy chữ tín làm trọng. Tất nhiên Nhà nước cũng phải đối xử với những nhà công thương này thật công bằng, không được lợi dụng lòng yêu nước của dân”.
Nhưng hiện nay chúng ta đã không phát huy điều này. Nói đơn giản là hiện chúng ta có tôn trọng sự thật không? Có bao giờ chúng ta ký 2 chữ ký để lấy 1 tiêu chuẩn không? Chúng ta thường xuyên phải làm điều này. Mặc dù số tiền chúng ta nhận là hợp lý, nhưng cơ chế là phải nói dối.
Hành vi đó thực chất là mình tham nhũng. Cho nên nên tham nhũng vặt đã phản ánh môi trường của chúng ta hiện nay – vậy thì làm sao chúng ta vực dậy được đạo lý xã hội?
Vì thế ở đây tôi cho rằng chúng ta phải làm hết sức bài bản, nhưng quan trọng nhất là phải thay đổi tâm thế, ý chí là quan trọng.
-Ông có cho rằng, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, cần phải đưa ra những quy tắc, chuẩn mực đạo đức kinh doanh đủ sức để hướng dẫn hành vi kinh doanh của doanh nghiệp?
Ông Dương Trung Quốc: Luật thì bao giờ cũng cần và có chế tài rồi. Doanh nhân họ phải làm theo luật. Chỉ có điều doanh nhân có tiền, đồng tiền sẽ làm sai bộ máy thực thi pháp luật.
Ở đây tôi lưu ý một điều, người Phương Đông tính gương mẫu rất quan trọng. Anh càng quyền cao chức trọng anh càng phải gương mẫu. Trong gia đình cũng vậy, cha mẹ phải gương mẫu với con cái... Nhưng hình như chúng ta đang làm ngược lại điều này.
Ví như, câu chuyện về bổ nhiệm. Nếu người được bổ nhiệm dùng hành vi mua chuộc, hối lộ về tiền bạc, tình ái... thì sẽ bị xử lý. Nhưng tôi cho rằng, tội nặng hơn nằm ở người bổ nhiệm. Nhưng hiện tại trong xã hội chúng ta thì người chịu trách nhiệm chính là người được bổ nhiệm, chứ không phải người bổ nhiệm. Chính vì thế tôi cho rằng đây là cách nhìn không mang lại hiệu ứng xã hội. Cấp trên thế nào thì cấp dưới cũng sẽ làm thế.
Hiện nay chúng ta đang bị loạn chuẩn giá trị.
Điệp khúc hàng ngày vang lên trên truyền thông là “chế tài không đủ mạnh”. Nhưng tôi cho rằng, chế tài là chính chúng ta, thông qua cơ chế của mình.
Trong trường hợp nào đó, theo tôi, Quốc hội và các cơ quan dân cử phải có trách nhiệm vì đã không biến thực tiễn xã hội vào trong đời sống.
Chúng ta có quyền, nếu doanh nghiệp nào vi phạm nặng sẽ bị tịch thu, bị làm cho phá sản chứ tại sao lại cứ để vậy?
Tôi từng phát biểu 2 lần tại Quốc hội là chúng ta phải bỏ “phạt cho tồn tại” đi. Như vậy là chúng ta đang bào mòn luật pháp, huỷ hoại bộ máy công chức.
Còn về phía người tiêu dùng, cũng phải tham gia việc chống lại những giả dối. Đáng trách ở đây còn ở cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Thành lập Hội này hội kia mà gần như không làm gì. Đến khi có sự đóng góp rất tích cực của báo chí thì người ta mới buộc phải làm...
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang