• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sợ đồ Tàu, chị em quay sang “xài” hàng thiết kế

Kinh tế 08/11/2017 06:30

(Tổ Quốc) - Vài năm trước,  một vài  cửa hàng “Made in Vietnam”  đầu tiên  xuất hiện đã khiến chị em lấy làm sung sướng vì từ nay được gửi gắm niềm tin vào  hàng Việt, giá lại phải chăng. Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang…

“Treo đầu dê bán thịt chó”

Một mẫu áo "Made in Cambodia" được bày bán tại cửa hàng "Made in Vietnam" . (Ảnh: Hà Giang)

Dạo quanh Thành phố Hà Nội, đặc biệt là trên các con đường Tôn Đức Thắng, Quán Thánh, Chùa Bộc, Thái Hà, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu… có thể bắt gặp nhan nhản các cửa hàng “Made in Việt Nam”.

Điều đáng nói là tuy biển hiệu cửa hàng là “Made in Vietnam” nhưng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa lại rất “đa chủng loại”, bao gồm cả hàng Việt Nam xuất khẩu, hàng Campuchia, Bangladesh và đặc biệt là hàng Trung Quốc…

Một cái áo len được bán trong cửa hàng “Made in Việt Nam” với giá 300.000 đồng có thể người tiêu dùng sẽ bắt gặp đâu đó bên ngoài các khu chợ, các shop quần áo dành cho sinh viên gần các trường đại học với giá rẻ chỉ bằng phân nửa và vẫn còn giữ nguyên mác “made in China”.

Hiện, tại các cửa hàng “Made in Vietnam” chủ yếu bày bán nhiều loại quần áo có nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Mango, H&M, Jeans…

“Mặc dù nhiều loại quần áo mang tên các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài nhưng thời buổi này chẳng biết đâu mà lần. Nhãn mác thì tây, ta gì cũng sẵn bán nên chỉ cần trong vài phút là hàng Trung Quốc có thể biến ngay thành hàng Việt Nam xuất khẩu với giá cao gấp vài lần hàng Trung Quốc bày bán ngoài chợ”, chị Lan Anh (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) cho hay.

Chị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị luôn ủng hộ hàng nội địa dù mẫu mã có thể không đẹp bằng hàng Trung Quốc nhưng không bao giờ chấp nhận sự gian dối, nhập nhằng khi tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam bằng cách thay nhãn mác.

“Thật sự là khi cầm bất kể chiếc quần áo nào lên tại các cửa hàng “Made in Vietnam” tôi đều cho rằng đó chính là hàng Trung Quốc nhưng đã bị tráo nhãn mác. Thậm chí, có những loại áo, quần ở các cửa hàng này chỉ gắn mỗi chiếc mác giấy màu hồng bé bằng đốt ngón tay với vài số liệu, không thương hiệu, không tên nhà sản xuất… nhìn vô cùng cẩu thả”.

Theo quan sát, hiện tại các cửa hàng “Made in Vietnam” còn “đèo bòng” thêm cả quần áo xuất xứ Campuchia, Bangladesh…với mức giá không hề rẻ.

Với tình trạng một số cửa hàng “treo đầu dê, bán thịt chó” như vậy, thử hỏi tại sao người tiêu dùng ngần ngại khi lựa chọn hàng “Made in Vietnam”?

Để an toàn, chị em quay sang hàng thiết kế

Hình ảnh Xưởng thời trang FFC.

Thất vọng với hàng nhái “Made in Vietnam”, nhiều chị em quyết định quay sang dùng hàng thiết kế cho yên tâm, dù giá cả có đắt hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Chị Hà chia sẻ, chị đã quá bội thực với các loại quần áo hàng nhái, đại trà, được "đánh" từ Quảng Châu về. Giá thì có thể chỉ vài trăm nghìn nhưng ra đến cổng là thấy đụng hàng. Đôi khi, cùng phòng làm việc mà có vài người cùng mặc một bộ váy giống y chang nhau.

“Một năm nay tôi chuyển sang dùng đồ thiết kế. Dù giá có đắt hơn nhưng chất vải đẹp, đường may chắc chắn, cẩn thận, thiết kế độc, hiếm khi trùng nhau. Đặc biệt là dùng hàng thiết kế ít khi bị phai, cảm giác rất yên tâm”, chị Hà cho hay.

Nắm bắt được thị hiếu này, chị Đặng Phương Minh, chủ thương hiệu My Lullaby cho biết, chị khởi nghiệp cách đây 4 năm. Khác với bây giờ, thị trường hàng thiết kế Việt Nam khi đó khá nghèo nàn, thậm chí được mặc định là không hiện đại, form dáng, họa tiết đơn điệu…

“Khi xây dựng thương hiệu My Lullaby, tôi cũng không nghĩ đến điều gì quá to tát, chỉ đơn giản là người rất yêu thời trang. Tôi nghĩ nếu quần áo tôi thiết kế, bản thân thấy thích thì chị em cũng sẽ thích. Nếu có được những thương hiệu đồ thiết kế Việt nam đa dạng, đẹp, đặc sắc thì người được lợi nhiều nhất chính là chị em phụ nữ.

Hiện nguồn vải rất phong phú, đẹp  mắt, nhân công rẻ, tay nghề cao. Ngoài ra, hàng thiết kế còn được chỉnh sửa theo yêu cầu. Đó chính là lợi thế của thời trang thiết kế Việt Nam. Sau 4 năm, khách hàng đến với thương hiệu My Lullaby ngày càng đông, bao gồm cả khách đặt online”, chị Đặng Phương Minh chia sẻ.

Một trong những thương hiệu hàng thiết kế Việt Nam được nhiều chị em tại Hà Nội yêu thích, đó là Xưởng thời trang FFC.

Chị Trần Quyên, chủ thương hiệu này cho biết, lượng khách đến với thương hiệu Xưởng thời trang FFC ngày càng đông.

“Chị em phụ nữ ngày một ăn mặc tinh tế nên chúng tôi luôn trăn trở để đưa ra những mẫu thiết kế mới. Chúng tôi kiên định lựa chọn dòng vải tự nhiên như linen, thô, đũi... và sáng tạo ra những mẫu thiết kế “free style, free size” để bất kỳ ai mặc vào cũng thấy nhẹ nhõm, giản dị nhưng cũng rất quyến rũ. Thật may mắn là những sản phẩm chúng tôi làm ra luôn được khách hàng yêu thích, nhiều khách hàng đã  trở thành thân quen. Khách hàng mới từ khắp các tỉnh thành cũng đến với chúng tôi mỗi ngày một đông hơn”, chị Trần Quyên cho hay.

Có thể nói, điểm chung của hàng thiết kế là mẫu mã đẹp, độc do số lượng mẫu may có hạn, chất lượng vải tốt, độ bền cao…Dạo quanh các con phố thời trang tại Hà Nội không khó để bắt gặp một cửa hàng thời trang thiết kế. Với cách bày trí phong cách, gần gũi, hợp lý...các thương hiệu này đã thể hiện một hướng đi mới của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ