(Tổ Quốc) - Câu trả lời thầm lặng của Bắc Kinh trước vụ việc Mỹ giết hại chỉ huy hàng đầu của Iran Qassem Soleimani cho thấy nhiều điều.
Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cùng Nga đóng vai trò trực tiếp hơn trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, theo Bloomberg.
Trong khi Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng Trung Quốc "rất quan ngại" hành động của Mỹ và gọi đó là không thể chấp nhận được, thì ông đã không sử dụng những từ ngữ như "lên án, hoặc kịch liệt phản đối" như các đối tác Iran và Nga, ông Javad Zarif và ông Sergei Lavrov. Thay vào đó, ông nói với ông Zarif rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò xây dựng để giúp bảo vệ an ninh khu vực và nói trong một cuộc điện đàm với ông Lavrov rằng, tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc hạn chế hành động mạnh tại Trung Đông
Các tuyên bố này phù hợp với những nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc để tránh đưa ra các cam kết tại một khu vực họ có thể đụng độ với Hoa Kỳ và các đồng minh. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa làm gì nhiều để đối phó với nỗ lực gây sức ép lên Iran của Tổng thống Donald Trump, ngoài việc lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích các lệnh trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Hai, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã đứng về phía Nga tại Liên Hợp Quốc khi ngăn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc cho biết động thái này đã khiến sự tin tưởng vào hội đồng bị đưa vào diện nghi vấn.
Không có nhiều tín hiệu cho thấy cái chết của Soleimani sẽ đẩy Trung Quốc có hành động mạnh hơn sự cân bằng trong quá khứ, đặc biệt là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại sơ bộ với ông Trump trong tháng này. Trong khi Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự với Nga và mở rộng quan hệ với Tehran, họ cũng dựa vào đối thủ của Iran là Ả Rập Saudi về nguồn cung dầu mỏ từ bên ngoài.
"Trung Quốc bị vướng vào một tình huống khó xử khi không muốn leo thang với chính quyền Trump, trong khi vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nga và có lợi ích riêng ở Iran, theo ông Shi Yinhong, cố vấn cho nội các của Trung Quốc và cũng là một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. "Tôi dự tính chính phủ Trung Quốc sẽ giữ giọng điệu nhẹ nhàng, kêu gọi cả hai bên kiềm chế và hạn chế căng thẳng leo thang".
Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây, tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung hàng năm và điều phối các chính sách an ninh trên khắp châu Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013, với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi người đồng cấp Nga là đối tác nước ngoài thân thiết nhất của ông. Ông Putin đã nói rằng hợp tác Nga-Trung đã đạt đến mức cao chưa từng thấy.
"Trì hoãn càng lâu càng tốt"
Tuy nhiên, họ không có khả năng hợp tác trong một cuộc xung đột ở Trung Đông. Mặc dù các quan chức Trung Quốc đã liên tục chỉ trích các hành động của Hoa Kỳ nhằm vào lợi ích thương mại và an ninh của chính họ, họ đã chọn phản ứng ở mức thấp đối với các tranh chấp của Washington với các đối tác ngoại giao của Bắc Kinh.
Ian Bremmer, chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Eurasia, nói với Đài truyền hình Bloomberg hôm thứ Hai rằng Trung Quốc có một mục tiêu khác với Nga ở Trung Đông. Trung Quốc cũng đã giảm đáng kể việc mua dầu Iran kể từ khi Hoa Kỳ chấm dứt miễn trừ trừng phạt vào năm ngoái, nhập khẩu chưa đến 548.000 tấn dầu thô trong tháng 11 so với hơn 3 triệu tấn trong tháng Tư. Trung Quốc vẫn là người mua dầu lớn nhất của Iran, nhưng họ đã mua gấp năm lần số lượng như vậy từ Ả Rập Saudi trong 11 tháng đầu năm ngoái.
Hiện chưa rõ Trung Quốc, đang tự tin về nền kinh tế và ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, sẽ có một vai trò quyết đoán hơn ra sao ở Trung Đông. Tháng trước, Trung Quốc đã đón Ngoại trưởng Iran Zarif đến thăm Bắc Kinh và tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Iran và Nga ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ô-man.
Li Guofu, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc tại Hoa Kỳ và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết các cường quốc nước ngoài có rất ít lựa chọn để ngăn cản Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong trường hợp này, các quốc gia khác không thể làm gì nhiều để có thể thay đổi hiện trạng, ông Li nói.
Hiện tại, Trung Quốc có thể sử dụng vị thế của mình là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để chỉ trích các hành động chống lại Iran của Hoa Kỳ, một vai trò mà ông Vương Nghị đã đề cập trong tuyên bố của mình về vụ giết chết Soleimani. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ trì hoãn một động thái như vậy càng lâu càng tốt, theo Shi, giáo sư Đại học Nhân dân.
Trung Quốc sẽ không đứng về phía nào trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến khi họ phải làm vậy, ông Shi nói.