(Tổ Quốc) -Có nhiều lí do để lý giải những căng thẳng hiện nay xung quanh quá trình triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Trong khi Washington và Seoul đang đẩy nhanh tiến trình lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc thì đây vẫn đang là một vấn đề gây nhiều sóng gió dữ dội tại Hàn Quốc và thậm chí đã trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Có nhiều lí do để lý giải những căng thẳng hiện nay xung quanh quá trình triển khai THAAD.
Hoạt động triển khai THAAD ngày 26/4 tại Hàn Quốc. (Nguồn: AP) |
THAAD phòng thủ trước các tên lửa tầm trung
Một hệ thống THAAD bao gồm sáu bệ phóng có thể phóng lên đến 48 tên lửa đánh chặn. Ngoài ra, THAAD còn có thiết bị kiểm soát hỏa lực, thiết bị kết nối, và hệ thống radar tia X mạnh mẽ - có tên gọi chính thức là AN / TPY-2. Các chuyên gia quân sự nói rằng hệ thống này có thể bảo vệ chống lại tên lửa tầm trung của Triều Tiên. Một số chuyên gia tin rằng Hàn Quốc sau này sẽ cần nhiều hệ thống THAAD hơn để bảo vệ một khu vực lãnh thổ rộng lớn hơn nếu muốn chống lại những hành động gần đây của Triều Tiên nhằm tăng cường kho vũ khí hạt nhân nhiên liệu rắn rắn để có thể phóng ra từ các bệ phóng và di động tàu ngầm.
Chưa rõ thời điểm hệ thống hoạt động
Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu lắp đặt THAAD từ tháng trước và hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 26/4 đã cho biết các bộ phận chính, bao gồm 6 bệ phóng, các tên lửa đánh chặn và radar, đã được triển khai. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận đã lắp đặt được một số bộ phận, tuy nhiên, không nêu rõ phần nào của THAAD đã được triển khai. Bộ này cũng cho biết Seoul và Washington đang đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa THAAD vào hoạt động.
Trung Quốc lo ngại radar THAAD
Kế hoạch triển khai THAAD đã khiến Triều Tiên và Trung Quốc tức giận, coi hệ thống này là mối đe dọa an ninh dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định rằng hệ thống này hoàn toàn mang tính tự vệ. Trung Quốc nói rằng hệ thống radar của THAAD có thể quét sâu vào lãnh thổ của nước này và giám sát các chuyến bay cũng như hoạt động phóng tên lửa của Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự nói rằng lo ngại củacủa Bắc Kinh là phóng đại và THAAD ở Hàn Quốc sẽ không giúp cải thiện đáng kể khả năng do thám của Mỹ khi Washington đã theo dõi các hoạt động phóng tên lửa của Trung Quốc thông qua các hệ thống radar được lắp đặt tại Qatar, Đài Loan và Nhật Bản.
Người dân Hàn Quốc lo ngại về sự an toàn khi hệ thống hoạt động
Các cư dân tại thị trấn Seongju của Hàn Quốc, nơi hệ thống THAAD đầu tiên được triển khai tại khu vực – trước đó là một sân golf, đã bày tỏ lo lắng về những mối nguy hiểm về những đồn đại liên quan đến hệ thống radar. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng những lo ngại đó là vô căn cứ và không có những vấn đề như vậy xuất hiện tại các khu vực triển khai THAAD ở các nước khác.
Vấn đề leo thang trong cuộc tranh cử tổng thống
Trước đó, ứng viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc hàng đầu hiện nay Moon Jae-in đã tuyên bố sẽ xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD nếu ông thắng cuộc bầu cử vào ngày 9/5, nói rằng nước này nên xem xét tới mối quan hệ với Trung Quốc. Ông nói rằng các lợi ích an ninh của THAAD sẽ bị hạn chế khi mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của nước này tồi tệ hơn.
Nhóm tranh cử của ông ngày 26/4 đã ban hành một tuyên bố chỉ trích việc triển khai THAAD và nói rằng ý kiến công chúng đã bị bỏ qua.
Trong khi đó, ông Ahn Cheol-soo, đối thủ mạnh nhất của ông Moon, đã lên tiếng ủng hộ việc triển khai THAAD, nhưng cũng nói rằng ông sẽ sẵn sàng yêu cầu Mỹ rút hệ thống này nếu Trung Quốc đồng ý gia tăng áp lực lên Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ.
(Theo AP)