• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ khủng hoảng Kazakhstan: Nga gấp rút hành động quân sự

Thế giới 06/01/2022 16:00

(Tổ Quốc) - Nga và các đồng minh cam kết sẽ cử quân đội đến giúp dập tắt các cuộc biểu tình ở Kazakhstan.

Cảnh sát Kazakhstan hôm thứ Năm cho biết hàng chục người biểu tình chống chính phủ đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt sau khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ra lệnh thực hiện "hoạt động chống khủng bố" để dập tắt các cuộc biểu tình. Các ngân hàng đã được yêu cầu tạm thời đóng cửa trong ngày thứ Năm. Ông Tokayev cũng áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và truy cập Internet bị cắt ở nhiều nơi tại nước này.

Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường trên khắp đất nước trong những ngày gần đây, chiếm giữ các tòa nhà chính phủ và giết chết một số quan chức thực thi pháp luật sau khi giá nhiên liệu tăng gây ra một làn sóng giận dữ trong dân chúng trong bối cảnh mức sống giảm.

Nga và đồng minh nhanh chóng hành động

Việc Nga và một số thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tuyên bố cử đi "lực lượng gìn giữ hòa bình" là một động thái mạnh mẽ của khối này nhằm thể hiện sự ủng hộ cho một đồng minh lâu năm trong khu vực trước tình hình bất ổn trong nước. Hiện chưa có thông tin về quy mô của việc triển khai quân sự. Tín hiệu từ phía Nga và CSTO được đưa ra sau khi có thông tin lực lượng an ninh Kazakhstan đầu hàng người biểu tình và lời kêu gọi hỗ trợ vào đêm muộn từ Tokayev.

Giá uranium đã tăng gần 8% trong bối cảnh nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân lớn nhất thế giới là Kazakhstan bất ổn. Trái phiếu Kazakhstan và đồng tiền nội tệ tenge trượt giá. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu gián đoạn đối với sản lượng dầu, quốc gia xuất khẩu lớn nhất ở Trung Á.

Nguy cơ khủng hoảng Kazakhstan: Nga gấp rút hành động quân sự - Ảnh 1.

Quân đội dàn quân tại quảng trường chính Almaty, Kazakhstan. Ảnh: Reuters.

Theo phát ngôn viên Olzhas Ramazanov, ngân hàng trung ương của Kazakhstan đã đình chỉ hoạt động của các ngân hàng trong nước và sàn giao dịch chứng khoán. Hiện tại, việc tạm dừng hoạt động của hệ thống ngân hàng dự kiến chỉ diễn trong thứ Năm, ông nói. Tổng thống Tokayev đã ra lệnh kiểm soát giá cả đối với các loại nhiên liệu chính và cấm xuất khẩu một số nông sản trong 180 ngày để ngăn chặn lạm phát, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Với việc internet và các phương tiện liên lạc khác bị gián đoạn, rất khó để có được một bức tranh rõ ràng về tình hình xung đột giữa chính quyền và người biểu tình tại Kazakhstan. Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga đã công bố video về các đội quân được trang bị vũ khí mạnh ở Almaty, thủ đô cũ và thành phố lớn nhất của Kazakhstan, và bắn súng. Các nhà chức trách cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát sân bay ở đó vào cuối ngày thứ Tư.

Cho rằng "các mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền quốc gia" của Kazakhstan gây ra "một phần là do sự can thiệp từ nước ngoài", sáu quốc gia CSTO đã quyết định sẽ triển khai lực lượng trong một "thời gian giới hạn với mục tiêu ổn định và bình thường hóa tình hình trong nước", theo một tuyên bố ngắn gọn của CSTO được đăng vào sáng sớm thứ Năm trên trang web của Điện Kremlin. Liên minh CSTO được Nga dẫn đầu bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Hành động này đánh dấu động thái quan trọng thứ hai của Điện Kremlin trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ một đồng minh đang đối mặt với nhiều biến động. Vào năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin đã can thiệp để hỗ trợ nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko khi tình hình tại nước này trở nên căng thẳng. Nhà lãnh đạo Nga hiện cũng đang tham gia vào các cuộc đàm phán căng thẳng với Mỹ và châu Âu về cuộc xung đột âm ỉ tại miền đông Ukraine.

Leo thang khủng hoảng tại Kazakhstan

Tại Kazakhstan, các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra vào cuối tuần qua ở khu vực phía tây đất nước vì bất bình về việc giá nhiên liệu tăng. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc, thu hút hàng nghìn người tham gia và kêu gọi nhà lãnh đạo lâu năm Nursultan Nazarbayev từ bỏ quyền lực. Ông Nazarbayev, 81 tuổi, đã chuyển giao chức vụ tổng thống cho ông Tokayev vào năm 2019 nhưng vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong hệ thống chính trị nước này.

Arkady Dubnov, một chuyên gia về Trung Á tại Moscow, cho biết: "Việc kêu gọi sự hỗ trợ từ CSTO có nghĩa là ông Tokayev đã mất quyền kiểm soát".

Nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng này, vào thứ Tư, ông Tokayev trước đó đã cách chức một số quan chức an ninh hàng đầu. Ông cũng cho biết ông sẽ tiếp quản vị trí người đứng đầu Hội đồng an ninh từ Nazarbayev và cam kết sẽ ở lại thủ đô "dù có bất cứ điều gì xảy ra."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi Kazakhstan là "đối tác có giá trị" và cho biết Mỹ đang theo dõi sát tình hình.

"Chúng tôi lên án các hành vi bạo lực và phá hủy tài sản, đồng thời kêu gọi cả chính quyền và những người biểu tình kiềm chế," Người phát ngôn Ned Price cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, trước khi CSTO công bố thông tin triển khai quân sự. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình trạng khẩn cấp này", đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Giống như các quốc gia khác, Kazakhstan đã ghi nhận lạm phát tăng cao và khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong đại dịch virus corona. Tăng trưởng giá tiêu dùng đã tăng lên 8,7% trong tháng 11, vượt quá mục tiêu 6% của ngân hàng trung ương nước này.

Đất nước 19 triệu dân này đã phải vật lộn với giá cả tăng cao và nguồn cung cấp nhiên liệu trong nước bị giảm do gia tăng xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn. Kazakhstan sản xuất khoảng 1,9 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2022.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ