• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ thiếu lao động cận kề, Nhật Bản tìm thêm cách "hút" nhân tài

Thế giới 25/04/2023 09:48

(Tổ Quốc) - Nhật Bản đang xem xét gia hạn thời gian lưu trú cho lao động nước ngoài có tay nghề cao và mở rộng ưu đãi này ra nhiều ngành nghề (trước kia thường tập trung vào xây dựng và điều dưỡng), theo Nikkei Asia.

Nhật Bản đang hướng đến việc gia hạn thời gian lưu trú cho lao động nước ngoài hiện đang được cấp thị thực dành cho lao động có tay nghề cao. Động thái này là nhằm ngăn chặn người lao động rời đi sau khi hết hạn lưu trú theo chương trình thị thực hiện tại.

Nhiều lao động tay nghề cao sắp về nước

Thị thực "lao động lành nghề đặc định" được triển khai vào năm 2019 cấp tư cách lưu trú cho người nước ngoài làm việc trong 12 lĩnh vực. Chín trong số các lĩnh vực đó có thời hạn cư trú tối đa là 5 năm. Còn 3 lĩnh vực còn lại là xây dựng, đóng tàu và chăm sóc điều dưỡng có thể làm việc lâu dài nếu đạt được 1 số tiêu chuẩn tại Nhật Bản.

Và những thay đổi mới về chính sách "thị thực lao động lành nghề đặc định" dự kiến cho phép người lao động nước ngoài trong tất cả 12 lĩnh vực tiếp cận được cơ hội làm việc lâu dài và có thể hướng tới trở thành thường trú nhân. Theo Nikkei Asia, đề xuất này có thể nhận được sự chấp thuận của nội các vào tháng 6 và có hiệu lực vào năm tới.

Nguy cơ thiếu lao động cận kề, Nhật Bản tìm thêm cách "hút" nhân tài - Ảnh 1.

Nhật Bản đang tìm cách thu hút lao động lành nghề. Ảnh: Nikkei Asia.

Hiện tại, các công ty Nhật Bản thường thuê lao động nước ngoài theo hai khuôn khổ chung. Một là thị thực được cấp cho các chuyên gia có tay nghề cao như kỹ sư, những người có chuyên môn hoặc kỹ năng kỹ thuật cao.

Loại còn lại bao gồm các công việc như sản xuất, nông nghiệp và xây dựng. Khuôn khổ này bao gồm các thực tập sinh kỹ thuật và những người được thuê theo thị thực lao động lành nghề đặc định.

Nhật Bản cũng có kế hoạch loại bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật và mở rộng lộ trình thị thực đặc định với mục tiêu cho phép người lao động phát triển kỹ năng, tay nghề của họ khi ở lại Nhật Bản trong thời gian dài hơn.

Vào thứ Hai (ngày 24/4), các quan chức của Cơ quan nhập cư Nhật Bản đã gặp gỡ các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và gửi đi thông điệp rằng nhiều cơ quan chính phủ đang ủng hộ việc tăng thêm các lĩnh vực đủ điều kiện để được cấp thị thực lao động đặc định dài hạn.

Những sửa đổi mới trong chương trình thị thực dự kiến sẽ được ban hành vào khoảng tháng 5 năm 2024. Đây cũng là lúc các lao động nhận được thị thực theo quy định cũ kết thúc thời hạn cư trú tối đa 5 năm của họ (2019-2024). Nếu không có sự điều chỉnh thì nhiều lao động lành nghề sẽ buộc phải trở về nước.

Cạnh tranh thu hút lao động

Tính đến ngày 28 tháng 2 năm 2023, khoảng 146.000 lao động nước ngoài tại Nhật Bản được cấp thị thực đặc định. Con số này tương đương với khoảng 8% trong tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản tính đến tháng 10/2022.

Thị thực lao động lành nghề đặc định có hai loại. Những lao động được cấp thị thực loại 1 có thể ở lại tối đa 5 năm sau khi hoàn thành các yêu cầu, chẳng hạn như vượt qua bài kiểm tra hoặc hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ thuật.

Còn những người có thị thực số 2 có thể gia hạn tình trạng cư trú vô thời hạn. Họ được phép mang theo con cái và người phụ thuộc đến Nhật Bản. Nếu những người lao động đó ở lại Nhật Bản từ một thập kỷ trở lên và họ có đủ tài sản để duy trì sự ổn định về tài chính, cùng nhiều điều kiện tiên quyết khác, thì họ có thể nộp đơn xin thường trú.

Thị thực số 2 chỉ áp dụng cho ngành xây dựng và đóng tàu. Nhật Bản cung cấp quyền cư trú dài hạn cho nhân viên chăm sóc điều dưỡng theo lộ trình chuyên môn riêng.

Một số thành viên LDP có thể bày tỏ lo ngại rằng những sửa đổi này có thể khiến các chính sách nhập cư trở nên lỏng lẻo hơn. Trong các cuộc họp của LDP năm 2018 thảo luận về thị thực lành nghề đặc định, một số người đã kêu gọi các yêu cầu khắt khe hơn đối với thị thực số 2.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ước tính, với tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ vào năm 2040, số lượng lao động nước ngoài sẽ cần tăng gần gấp bốn lần lên 6,74 triệu người. Việc tỷ lệ sinh giảm ở một số quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, cũng cho thấy sự cạnh tranh đối với lao động nước ngoài sẽ leo thang.

Nhật Bản dường như cũng đang mất dần sức hút đối với người lao động nước ngoài do tiền lương tăng chậm và chính sách nhập cư không thu hút. Để so sánh, lao động phổ thông có thể làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) tới 12 năm, thậm chí 14 năm trong ngành điều dưỡng. Hàn Quốc cũng cấp quyền cư trú vĩnh viễn cho người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu về thu nhập và ngôn ngữ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ