(Tổ Quốc) - Để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, các đại sứ châu Âu và các cựu quan chức thuộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama có hành động trực tiếp hướng tới các nghị sĩ Mỹ.
Trong khi Quốc hội Mỹ có thể sắp đối mặt với một cuộc tranh luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran, các đại sứ châu Âu và các cựu quan chức thuộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang sẵn sàng cho các hành động trực tiếp hướng tới các nhà lập pháp Hoa Kỳ để bảo vệ thỏa thuận này.
Các đại sứ Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) tại Hoa Kỳ cuối ngày 4/10 (giờ Mỹ) sẽ tham dự một cuộc họp tại Đồi Capitol với các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - được chủ trì bởi do Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Durbin, các cố vấn tại quốc hội và các quan chức Đại sứ quán nói với Reuters.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Wendy Sherman cũng sẽ tham dự, còn cựu Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz và cựu Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ tham gia qua videolink, trợ lý của Durbin và một phụ tá khác trong Quốc hội cho hay.
Cuộc họp này là một phần trong nỗ lực của đảng Dân chủ trong Quốc hội và các quan chức khác - ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bằng cách đưa ra những hậu quả về sự sụp đổ - trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump sắp tới hạn cuối ngày 15/10 để xác nhận thỏa thuận này hoặc đặt số phận nó vào tay Quốc hội.
Thỏa thuận hạt nhân Iran đã được kí kết năm 2015 với sự đồng thuận của nhóm P5+1. |
Một quan chức của Đại sứ quán Anh nói rằng Đại sứ Anh Kim Darroch đã có mặt tại Quốc hội vào ngày 4/10 với các đối tác Pháp, Đức và EU với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa "để cung cấp thông tin về lập trường của Châu Âu đối với JCPOA", sử dụng chữ viết tắt cho thỏa thuận hạt nhân.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán EU khẳng định Đại sứ EU David O'Sullivan và các nước khác sẽ tham dự, giải thích rằng thoả thuận này là một thỏa thuận đa phương đang được thực hiện và EU sẽ làm điều có thể để đảm bảo rằng nó được giữ vững.
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran - một thành tựu về đối ngoại của người tiền nhiệm Obama – được ký kết vào năm 2015 giữa Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, EU và Iran.
Các quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã nói rằng ông Trump đang hướng tới một hành động có thể dẫn tới việc Hoa Kỳ từ bỏ thỏa thuận này, bất chấp còn nhiều ý kiến bất đồng ngay trong chính quyền của ông.
Một quan chức chính quyền cao cấp cho hay chính quyền Mỹ đã cân nhắc ngày 12/ 10 để ông Trump phát biểu về Iran nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Những người ủng hộ thỏa thuận nói sự sụp đổ của nó có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang khu vực và làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Trung Đông. Những người phản đối nói rằng thỏa thuận này đã đi quá xa trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong khi không buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân của họ một cách vĩnh viễn.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói rằng Hoa Kỳ nên cân nhắc đến việc giữ nguyên bản thỏa thuận này trừ khi chứng minh được rằng Tehran không tuân thủ thỏa thuận. Ông Mattis nói rằng Iran "về cơ bản" đã tuân thủ thỏa thuận.
Trước đó, trong ngày 4/10 Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông Trump sẽ được trình bày nhiều lựa chọn liên quan đến tương lai của hiệp định hạt nhân.
Còn Iran đã nói rằng họ có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được nếu Hoa Kỳ quyết định rút khỏi.
(Theo Reuters)