• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại: "Có trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên cũng phải mất hàng năm vì không có “phong bì”

Kinh tế 02/05/2019 08:05

(Tổ Quốc) - "Tôi được biết vẫn còn tình trạng “hành” doanh nghiệp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên cũng phải mất hàng năm vì không có “phong bì” đầy đủ theo mức yêu cầu...", GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại: Có trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên cũng phải mất hàng năm vì không có “phong bì”  - Ảnh 1.

GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) (Nguồn: VNE)

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 sẽ diễn ra từ ngày 2-3/5 tại Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) để biết lý do tại sao kinh tế tư nhân của chúng ta chưa thực sự phát triển so với khu vực.

-Chưa bao giờ kinh tế tư nhân được Chính phủ quan tâm như hiện nay. Đây được xem là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Ông nhận định thế nào về hiệu quả kinh tế tư nhân mang lại cho đến thời điểm này?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Không chỉ Chính phủ, gần đây nhất còn có Nghị quyết của Đảng về kinh tế tư nhân.

Nghị quyết này lần đầu tiên công nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Và phải nói rằng quá trình phát triển kinh tế tư nhân là một quá trình khá dài. Năm 1999-2000 bắt đầu có Luật Doanh nghiệp. Khi đó, đề ra phương châm là doanh nghiệp và người dân được làm những gì mà pháp luật cho phép.

So với các nước trong khu vực thì số lượng tập đoàn lớn của chúng ta vẫn còn hạn chế. Quy mô của DNVVN cũng còn nhỏ hơn họ rất nhiều"

GS.TSKH Nguyễn Mại

Và từ năm 2000 - 2018, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân ra đời. Hiện nay còn tồn tại khoảng 715.000 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Việc doanh nghiệp tư nhân hoạt động rồi ngừng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Trong gần 20 năm có gần 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân đăng ký là một con số rất đáng kể. Chưa kể trong số khoảng 715.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động còn có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng là doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Nếu tính một nửa trong số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể này có đủ điều kiện để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân thì chắc chắn con số doanh nghiệp tư nhân sẽ lên tới khoảng 3 triệu. Đây là nói về quy mô.

Về tiềm lực, trước 2010, tiềm lực doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh lắm vì chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), số doanh nghiệp lớn chưa nhiều. Trong 10 năm từ 2000 -2010 có khoảng 500.000 doanh nghiệp ra đời thì có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp tồn tại. Nhưng từ 2011-2018, hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp ra đời. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng nhiều. Trong khoảng thời gian này, có nửa doanh nghiệp tồn tại.

Đặc điểm thứ hai của doanh nghiệp tư nhân, là ngoài 97% DNVVN thì có 2%-3% doanh nghiệp lớn. Số doanh nghiệp lớn quy mô cũng khá hơn nhiều. Từ năm 2011 đến nay đã có những tập đoàn lớn "có vai vế" trong khu vực và thế giới như Vinamilk, THTrue milk, FPT, Vingroup...Thậm chí một số doanh nghiệp còn lọt top 1.000 doanh nghiệp dẫn đầu khu vực và thế giới. Những tập đoàn này cũng làm được nhiều công việc tiêu biểu để đất nước phát triển, như Vinfast (Vingroup) sản xuất ô tô...

Tuy nhiên, cũng vẫn phải thừa nhận rằng so với các nước trong khu vực thì số lượng tập đoàn lớn của chúng ta vẫn còn hạn chế. Quy mô của DNVVN cũng còn nhỏ hơn họ rất nhiều. Chẳng hạn, Việt Nam chỉ có khoảng 7-8 tỷ phú nhưng Thái Lan có vài chục tỷ phú. Các tập đoàn của Thái Lan cũng vào Việt Nam mua rất nhiều doanh nghiệp, từ siêu thị đến beer... Họ mua rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta. Malaysia cũng là một quốc gia có nhiều tỷ phú như vậy...

-Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu mà nền kinh tế tư nhân của chúng ta còn chưa lớn mạnh so với khu vực?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói phải làm thế nào để hỗ trợ nhanh để DNVVN có quy mô lớn lên hơn nữa, và hỗ trợ doanh nghiệp lớn để họ làm chủ thị trường trong nước và xuất hiện nhiều hơn ra thị trường thế giới. Đây là hướng Nhà nước cần làm. Rõ ràng hiện nay cơ chế chính sách, luật pháp chưa hoàn chỉnh và đặc biệt là bộ máy Nhà nước, thái độ công chức Nhà nước cũng chưa đáp ứng yêu cầu một nhà nước kiến tạo, nhà nước điện tử theo cách mạng 4.0.

Các tập đoàn có chiến lược rất rõ nhưng sự phối hợp giữa các tập đoàn với nhau tại thị trường trong nước, đặc biệt là đầu tư ra thị trường nước ngoài cần phải được lưu ý"

GS.TSKH Nguyễn Mại

Bên cạnh đó, các tập đoàn hiện nay có chiến lược rất rõ nhưng sự phối hợp giữa các tập đoàn với nhau tại thị trường trong nước, đặc biệt là đầu tư ra thị trường nước ngoài phải cần được lưu ý.

Tôi đánh giá cao trường hợp Tập đoàn HAGL và Thaco hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho HAGL. Sự hỗ trợ giữa các tập đoàn với nhau như vậy cần được khuyến khích. Nếu giải quyết những vấn đề như vậy thì kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ mạnh lên nhiều.

-Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp tư nhân nhằm nắm bắt, giải quyết những khúc mắc cho nền kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, ông có cho rằng, Chính phủ đã kiến tạo rồi thì phía doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tự đổi mới, có năng lực, trách nhiệm hơn nữa?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Tôi không nghĩ rằng chúng ta không nên lo lắng chuyện doanh nghiệp phải tự đổi mới. Bởi doanh nghiệp phải chống chọi, cạnh tranh với thị trường rất khốc liệt nên điều mà người ta rất tâm đắc là vốn để mua công nghệ, du nhập thị trường, maketing… họ đều đã phải lo. Thứ hai là vấn đề cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng vậy.  

Điều mà chúng ta nói rất nhiều là để cho DNNVV tham gia chuỗi thì phải có doanh nghiệp đầu đàn, phải tổ chức theo chuỗi. Những doanh nghiệp lớn gồm cả doanh nghiệp quốc doanh và tập đoàn tư nhân đều phải làm đầu tàu cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại: Có trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên cũng phải mất hàng năm vì không có “phong bì”  - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Vneconomy)

Hay vừa rồi, ngân hàng đã đề ra một hướng rất đúng.  Đó là việc một doanh nghiệp cần vốn để đầu tư, như DNVVN chỉ cần dăm ba tỷ đồng nhưng lại đòi hỏi họ phải có cơ sở vật chất để thế chấp thì rất khó.

Do đó, gần đây có sự thay đổi đó là tín nhiệm đối với ngân hàng. Tín nhiệm này thông qua sổ sách chứng từ công khai minh bạch và năng lực của doanh nghiệp để vay vốn. Tôi cho rằng, giải quyết được vấn đề như vậy thì doanh nghiệp mới có cơ sở phát triển.

Hay như việc thay đổi chính sách thường xuyên cũng khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn, kể cả doanh nghiệp lớn. Vì thế, cần phải ổn định về thể chế chính sách, luật thuế, luật hải quan...

Ngoài ra,   Nhà nước cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi được biết vẫn còn tình trạng "hành" doanh nghiệp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi tên cũng phải mất hàng năm vì không có "phong bì" đầy đủ theo mức yêu cầu...

Doanh nghiệp tư nhân của chúng ta hoàn toàn có điều kiện, năng lực để đi vào kinh tế số"

GS.TSKH Nguyễn Mại

-Trong bối cảnh hội nhập, ông có cho rằng, công nghệ số là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp tư nhân phát triển, bắt kịp với kinh tế tư nhân của khu vực?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Các doanh nghiệp có chuyên môn về công nghệ thông tin, về kinh tế số đã phát triển rất nhiều. Các doanh nghiệp ứng dụng kinh tế số thời gian qua cũng tăng lên.

Tôi rất thích xem chương trình Cà phê Sáng vì luôn có những điển hình về start-up. Họ là những người có triển vọng. Những hoài bão của những người khởi nghiệp cần được khuyến khích.

Nền kinh tế số là nền kinh tế đổi mới. Việt Nam muốn tham gia kinh tế số cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Dù Việt Nam tham gia chậm hơn các nước như Đức, Mỹ… nhưng cũng có những mặt chúng ta tiên phong như ngành công nghệ 5G chẳng hạn, chúng ta chỉ đi sau Hàn Quốc. Năm 2020, 5G của chúng ta sẽ phủ sóng toàn quốc.

Như vậy để biết rằng, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta hoàn toàn có điều kiện, năng lực để đi vào kinh tế số. Vì thế, phải khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận đầu tư con người, công nghệ để đưa Việt Nam thành một nền kinh tế số dẫn đầu khu vực, như hiện nay chúng ta chỉ xếp sau Singapore về công nghệ thông tin.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ