• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà Trắng: Tổng thống Biden sẽ xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út

Thế giới 12/10/2022 14:52

(Tổ Quốc) - Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã chủ động tăng cường quan hệ với Ả Rập Xê Út, thậm chí còn đích thân sang thăm quốc gia này, nhưng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) với Ả Rập Xê Út là thành viên gần đây đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn.

Giới chính trị Mỹ nhìn chung coi đây là "đòn đánh sau lưng" của Ả Rập Xê Út và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi "trả đũa", nhưng Nhà Trắng tỏ ra thận trọng và chỉ nói rằng họ "cảm thấy thất vọng".

Mỹ sẵn sàng xem xét lại mối quan hệ với Ả Rập Xê Út

Theo tờ The Hill, trước sức ép của ngày càng nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, một số quan chức Nhà Trắng ngày 11/10 cho biết, ông Biden sẵn sàng xem xét lại mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, họ không tiết lộ bất kỳ phương án thay đổi tiềm năng nào hoặc đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Nhà Trắng: Tổng thống Biden sẽ xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út - Ảnh 1.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby. Ảnh: The Hill

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên: "Trước những diễn biến gần đây và quyết định của OPEC+ về sản lượng dầu, Tổng thống tin rằng chúng ta nên xem xét lại mối quan hệ song phương với Ả Rập Xê Út để xem liệu nó có cần thiết và có phục vụ cho an ninh quốc gia của chúng ta hay không."

Ông Kirby không tiết lộ chi tiết, chỉ nói rằng, trong tương lai, Tổng thống Biden sẵn sàng thảo luận với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ về quyết định này và "xem xét mối lo ngại của các nghị sĩ Quốc hội một cách nghiêm túc".

Khi được hỏi tại sao OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu nhưng Nhà Trắng chỉ tập trung vào Ả Rập Xê Út, ông Kirby trả lời: "Ả Rập Xê Út rõ ràng là... lãnh đạo của OPEC+."

Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng cho biết, trong vài tuần hoặc vài tháng tới, chính phủ của Tổng thống Biden sẽ tham khảo ý kiến của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ và các đồng minh quốc tế về quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi cần đánh giá lại và xây dựng mối quan hệ khác với Ả Rập Xê Út, đặc biệt là sau quyết định của OPEC+", bà Jean-Pierre cũng nói thêm rằng, quyết định của OPEC+ là "ích kỷ".

Giống như ông Kirby, bà Jean-Pierre cũng không đưa ra bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào hoặc ai sẽ là người chỉ huy cuộc "xem xét lại" này.

Nhà Trắng: Tổng thống Biden sẽ xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út - Ảnh 2.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre: Ông Biden sẽ xem xét lại quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út. Ảnh: The Hill

Ông Biden cần thận trọng

Ngày 5/10, OPEC+ đã tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Vienna (Áo) và quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Đây là mức cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã cố gắng thuyết phục Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh khác tăng sản lượng để ổn định giá dầu. Và vào tháng 7, ông Biden cũng đích thân đến thăm nơi mà ông gọi là "đất nước không thể chạm tới" - Ả Rập Xê Út.

Nhà Trắng: Tổng thống Biden sẽ xem xét lại mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Ả Rập Xê Út vào tháng 7 và "chạm tay" với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman. Ảnh: IC Photo

Mặc dù Ả Rập Xê Út khẳng định động thái cắt giảm sản lượng dầu này là vì "lý do kinh tế" và chỉ để đảm bảo doanh thu từ dầu mỏ, nhưng rõ ràng nó đã gây náo động ở Mỹ.

Tuần trước, một số nghị sĩ của đảng Dân chủ đã đề xuất "trả đũa", kêu gọi rút quân đội và các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ được triển khai ở Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để đáp trả việc cắt giảm sản lượng của các nước OPEC+.

Ngày 10/10, Bob Menendez - Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - tuyên bố sẽ chặn mọi hoạt động bán vũ khí trong tương lai của Mỹ cho Ả Rập Xê Út và hối thúc chính quyền Tổng thống Biden "đóng băng" ngay lập tức mọi hoạt động hợp tác giữa hai nước, như một động thái đáp trả.

Ngày 11/10, một số nghị sĩ của đảng Dân chủ đã đề xuất kêu gọi chính phủ Mỹ đình chỉ hoạt động bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út trong vòng 1 năm như một phản đối "Ả Rập Xê Út lợi dụng giá dầu tăng để giúp Nga trong cuộc xung đột Nga - Ukraine" ...

Ngay cả khi hai đảng tại Mỹ, đặc biệt là đảng Dân chủ, kêu gọi "trả đũa", hoặc thậm chí là "cắt đứt quan hệ ngoại giao", nhưng truyền thông Mỹ và các nhà phân tích cho rằng, các lựa chọn của ông Biden để đối phó với việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ là "hạn chế và cần được cân nhắc".

Tờ New York Times nhận định thẳng thắn rằng, do hiện tại không có các mốc thời gian và lựa chọn để xem xét, nên không rõ liệu cái gọi là "xem xét lại" của ông Biden có nghĩa là một động thái chuyển hướng trong quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út, hay đang sử dụng dư luận để gây áp lực với Ả Rập Xê Út, hoặc chỉ để dập tắt sức ép từ dư luận trong nước.

Trong khi đó, một số chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại đã đưa ra cảnh báo trong trường hợp Tổng thống Mỹ Biden có hành động quyết liệt.

Martin S. Indyk - cựu quan chức ngoại giao Trung Đông và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nói: "Mỹ nên tìm kiếm một thỏa thuận chiến lược mới với Ả Rập Xê Út, không nên cắt đứt quan hệ ngoại giao. Chúng ta cần một lãnh đạo Ả Rập Xê Út có trách nhiệm hơn về vấn đề sản lượng dầu và hành vi trong khu vực, đồng thời Ả Rập Xê Út cũng cần Mỹ để đối phó với các mối đe dọa an ninh, vì vậy cả hai bên nên nhường nhau một bước."

Aaron David Miller - thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn của Mỹ - cũng cho biết, ông Biden cần cân nhắc những mặt trái tiềm ẩn của việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ả Rập Xê Út - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ông Miller nhận định rằng, Tổng thống Mỹ bây giờ phải đưa ra lựa chọn: có nên "trừng phạt" Ả Rập Xê Út để chiều lòng dư luận trong nước, hay cố gắng thay đổi hành vi của giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út.

Tờ Washington Post cũng cảnh báo rằng, với tầm quan trọng của Ả Rập Xê Út ở Trung Đông và thế giới Ả Rập, bất kỳ động thái hạ cấp lớn nào trong quan hệ hai nước đều có thể phải trả giá bằng dầu mỏ và hơn thế nữa.

Điều đáng chú ý là, trong bối cảnh những thành viên đảng Dân chủ đang phẫn nộ, Nhà Trắng vẫn giữ được thái độ kiềm chế. Sau khi bày tỏ sự "thất vọng" với quyết định của Saudi Arabia vào ngày 6/10 và thừa nhận rằng có "vấn đề" trong quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út, bản thân Tổng thống Mỹ Biden không cho biết liệu ông có ủng hộ những thay đổi lớn trong quan hệ với Ả Rập Xê Út hay không.

Hữu Hiển

NỔI BẬT TRANG CHỦ