(Tổ Quốc) - Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong dịp này với ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình". Có thể nói “Tổ Quốc gọi tên mình” từ khi ra đời (2011) đã thực sự trở thành ca khúc có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất tính tới thời điểm này khi được hàng triệu người biết đến và hàng trăm ca sỹ tên tuổi thể hiện.
- 18.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật
- 16.05.2023 Giải thưởng Nhà nước về VHNT là vinh dự và sự ghi nhận người cầm bút
- 23.11.2021 Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ
Có thể nói đối với một nhạc sĩ làm nghề sáng tác, không chỉ tôi mà các anh em nhạc sĩ khác cũng vậy, khi viết thì không suy nghĩ đến một lúc nào đó sẽ nhận một giải gì đó. Khi biết được giải thưởng Nhà nước về VHNT, tôi rất vui và hạnh phúc vì những tâm huyết của mình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, chắc đây cũng là một dấu ấn rất lớn trong quãng đời làm nghệ thuật tôi.
Đây cũng là một bàn đạp, một bệ phóng để chúng tôi tiếp tục dâng hiến suốt cuộc đời còn lại của mình vì nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, cho quê hương, đất nước Tổ quốc mình. Đây là một điều vô cùng hạnh phúc.
"Tổ quốc gọi tên mình" được giải thưởng Nhà nước về VHNT, ngoài việc được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý này thì niềm vui lớn của tôi là tác phẩm được lan tỏa trong đời sống xã hội.
Vào thời điểm 8/2011 tình hình vùng biển của chúng ta có những vấn đề. Xuất phát với trách nhiệm của một nhạc sĩ, một công dân của đất nước, tôi nghĩ sẽ viết cái gì đó về tình hình biển Đông. Đang suy nghĩ, lên mạng tìm ý tưởng thì rất may tôi thấy bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đang sống ở nước ngoài. Đêm hôm đó, ngồi bên cây đàn piano, cảm xúc tuôn trào và có thể nói, trong cuộc đời sáng tác của mình chưa bao giờ tôi sáng tác nhanh như vậy, chỉ khoảng 20 phút thì gần như ca khúc đã hoàn chỉnh.
Lúc sáng tác ca khúc, tôi nghĩ rằng, ca khúc vang lên để thể hiện tiếng nói của bản thân tôi trong giai đoạn thời khắc Tổ quốc của mình bị như vậy. Sự tiếp nhận, lan toả của ca khúc từ trong đất liền, đến hải đảo, vùng núi, đặc biệt trong các chuyến công tác ở nước ngoài, ở các Đại sứ quán Việt Nam gần như vang lên liên tục ca khúc này, phải nói rằng tôi vô cùng xúc động. Bản thân tôi được đào tạo rất bài bản về sáng tác nhưng chất liệu nung nấu nhất để tôi phổ nhạc cho ca khúc này là chất liệu từ dòng máu của gia đình, vì gia đình tôi, bố mẹ đi qua hai cuộc trường chinh của Tổ quốc, từng là cựu tù Côn Đảo. Dòng họ tôi có 5-6 liệt sĩ. Khi có những biến động của lịch sử, những biến động lớn của đất nước thì chất men, dòng máu được khơi dậy trong lòng mình.
Với tư cách là một công dân, một nhạc sĩ thì điều mong mỏi nhất của người làm nghề không phải chỉ tôi, mà các anh, các chú, các bác, đồng nghiệp, bạn bè nhạc sĩ ai cũng có một khát khao khi viết một ca khúc nào đó sẽ để lại dấu ấn trong đời sống xã hội. Thời gian là thước đo và có tính đào thải rất lớn, có những tác phẩm có thể ra đời và nổi tiếng trong một hoàn cảnh nào đó nhất định, nhưng cũng có tác phẩm ra đời và trường tồn. Ví dụ, những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, Hồng Đăng, Phạm Tuyên… Cho nên tại sao đã đi qua mấy chục năm, có thể cả trăm năm, cả thế kỷ mà nhiều ca khúc vẫn ở lại với đời sống xã hội này. Chắc chắn tác phẩm đó đã đi vào tâm thế, ở lại trong trái tim của những người dân đất Việt của chúng ta. Khi mà âm nhạc viết lên, người nhạc sĩ không thể dàn xếp một điều gì được, âm thanh vang lên người nghe cảm nhận và nó tồn tại mãi mãi trong trái tim, đó là một tín hiệu rất đáng mừng của những người nghệ sĩ.
Âm nhạc có một chất kích thích rất lạ đối với đời sống. Với "Tổ quốc gọi tên mình", tôi muốn gửi gắm thông điệp đến hôm nay, các bạn trẻ và cả mai sau là, trước những vận mệnh của Tổ quốc này, tất cả chúng ta, mỗi người ở mỗi vị trí, phải sẵn sàng vì Tổ quốc. Xương máu của cha ông ta đã đổ xuổng rồi để gìn giữ lại từng tấc đất, từng con sóng vỗ, hàng triệu triệu liệt sĩ đã nằm xuống, thì trước những biến cố, những giờ phút lâm nguy của lịch sử, tất cả phải sẵn sàng khi Tổ quốc cần đến chúng ta. Bất cứ ai, ở vị trí nào, tuổi tác nào, trong nước hay ở nước ngoài, chúng ta sẵn sàng để làm sao bảo vệ được mảnh đất mà cha ông chúng ta đã hy sinh gìn giữ và để lại cho thế hệ sau, để chúng ta có được độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay chúng ta hưởng thụ.
Điều hạnh phúc của tôi là cho đến giờ này, ca khúc đã đi vào đời sống xã hội ở các vùng miền trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ca khúc như ăn vào máu của các chiến sĩ hải đảo. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước, Hội đồng các cấp đã bỏ phiếu cho "Tổ quốc gọi tên mình" và đến hôm nay được tin ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT thì đó là vinh dự lớn lao của tôi. Tôi cũng cảm ơn tác giả phần lời của ca khúc đã cho tôi cảm hứng để ra đời một tác phẩm trọn vẹn.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (bút danh Trung Cẩn) sinh năm 1965, quê Bình Thuận. Ông từng học Trường Văn hóa nghiệp vụ Ninh Thuận, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng là Trưởng đài Đài Truyền thanh Phan Rí Cửa, Giám đốc Nhà Văn hóa Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Ông từng công tác tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ông là Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc, trên 10 năm làm công tác giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Lý luận và sáng tác, có thể nói, sáng tác là một nghề đã đi vào máu thịt tâm hồn của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và chắc chắn sẽ theo ông suốt cuộc rong chơi giữa trần thế này. Như ông đã từng bộc bạch, sáng tác âm nhạc đã cứu rỗi tâm hồn ông, để ông luôn hướng về chân - thiện - mỹ, tìm cái đẹp của cuộc đời này, để sống có ý nghĩa hơn với gia đình, bạn bè và quê hương đất nước.