• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật

Văn hoá 18/05/2023 07:30

(Tổ Quốc) - Có 8 tác giả, đồng tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT dịp này gồm: Phan Hồng Đăng (Hồng Đăng); Chu Chí Thành; Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh); Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn); Nghệ sĩ nhân dân Vũ Việt Cường; Nghệ sĩ nhân dân Lê Văn Khình (Lê Khình); Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hiển.

Vợ cố Nhạc sĩ Hồng Đăng: Ghi nhận đóng góp của ông ấy đối với âm nhạc, nghệ thuật

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này với cụm tác phẩm: Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo. Đáng tiếc do tuổi cao, bệnh nặng, nhạc sĩ Hồng Đăng đã qua đời khi chưa kịp nhận giải thưởng. Bà Anh Thúy, vợ cố Nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: "Khi chồng tôi còn sống thì đã biết được giải thưởng Hồ Chí Minh. Được trao giải thưởng lớn như vậy, gia đình tôi rất vui mừng, hãnh diện. Giải thưởng là một ghi nhận đóng góp của ông ấy đối với âm nhạc, với nghệ thuật".

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ

Bản thân bà Anh Thúy là người làm hồ sơ giúp cố nhạc sĩ Hồng Đăng. Bà kể: "Ông ấy rất ngại với những việc làm giấy tờ, hồ sơ. Bao năm qua đều không làm. Tôi cứ quyết làm và nộp. Khi biết tin được giải thưởng Hồ Chí Minh thì ông ấy dù yếu rồi nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Ông đã rất vui".

Chia sẻ về các ca khúc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Hồng Đăng, bà Anh Thúy cho biết: Các tác phẩm xét giải thưởng lần này là chùm 5 ca khúc được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1993. Năm ấy xét rất khó, giải thưởng của Hội không phải là 1 ca khúc mà là chùm 5 ca khúc. 5 ca khúc phải đều hay.

Chia sẻ về cụm tác phẩm: Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo, bà Anh Thúy cho biết thêm: "5 bài là 5 đề tài. Đêm hành hương về huyền thoại viết cho Đất Tổ Hùng vương. Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ viết về một gia đình công nhân than ở Hạ Long, có một cô con gái nhỏ. Đấy là bài hát có thể trẻ em hát cũng rất phù hợp, người lớn hát cũng được. Nó có cái duyên dáng, đằm thắm, tình cảm chân thành của một gia đình. Khao khát là ca khúc về tình mẹ con. Là bài hát rất hay, có những cao trào rất hay, nhưng đáng buồn là chưa có tiền để dàn dựng. Gửi một câu hát cho Tokyo là ca khúc rất hay về Nhật Bản. Còn ca khúc Lênh đênh là bài về nghệ sĩ. Trong đêm nhạc của ông ấy do VTC tổ chức, đầu tiên ca sĩ Thanh Lam chỉ hát Hoa sữa thôi. Nhưng khi thấy bài Lênh đênh Thanh Lam đã hát, rất hay và bày tỏ rất thích.

Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ, ông sáng tác bài hát nào cũng thích, con thì đứa nào cũng yêu. Nhưng ông vẫn nói, cơ duyên để nó đến với công chúng rất khó khăn. Ông ấy thuần túy là người sáng tác, làm việc, không có điều kiện để dàn dựng, phổ biến, tập cho ca sĩ. Nên những đứa con của ông ấy cứ lang thang lưu lạc, hầu như cứ phải cả chục năm mới có chỗ đứng trong nền nghệ thuật.

Bà Anh Thúy cũng cho biết thêm, hôm giỗ đầu và ra mắt cuốn sách Chân trời gọi nắng của Nhạc sĩ Hồng Đăng thì Vũ Thắng Lợi hát bài này. Mọi người đều giật mình sao có bài hát hay như thế. Nhưng thôi thì mỗi người có một cái duyên, những ca khúc đã đến với công chúng chưa phải là tất cả những bài hát hay của ông ấy. Và những bài được cho là hay nhất thì chưa chắc là những bài hay nhất của ông ấy. Sinh thời ông ấy vẫn nói, bản nhạc trên giấy mới chỉ là một nửa. Nó chỉ thực sự sống khi nó được dàn dựng, được biểu diễn một cách chu đáo. Trong nghề này rất khó, người ta chỉ nhìn thấy ông ấy chỉ có những bài như thế. Nhưng thực ra ông ấy có cả ngàn bài hát. Có những bài rất hay nhưng có những bài chết yểu ngay khi mới dàn dựng vì không ra được chất.

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật - Ảnh 2.

Ghi nhận đóng góp của nhạc sĩ Hồng Đăng đối với âm nhạc, với nghệ thuật

NSND Ứng Duy Thịnh: Trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật

Kịch múa "Đất nước", "Ngọn lửa" và cuốn sách "Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp" của NSND Ứng Duy Thịnh gửi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ là 3 trong hàng chục tác phẩm, công trình do ông sáng tác, trực tiếp biên đạo, dàn dựng sau khi được trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND năm 2001.

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật - Ảnh 3.

NSND Ứng Duy Thịnh

Nghệ sĩ nhớ đến những giai đoạn khó khăn của làm nghề, không hài lòng với các vai diễn, ông đã mày mò sáng tác, biên đạo, lúc đạp xe, rồi sắm được chiếc xe máy hay trên những chuyến xe khách rong ruổi khắp các nẻo đường, vùng miền trên cả nước để tìm chất liệu cho những tác phẩm của mình. Những tác phẩm của NSND Ứng Duy Thịnh đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam, như: "Con đường ra chiến dịch", "Đất nước trọn niềm vui", "Thư nhà", "Pho tượng cổ", "Bầu trời và lời ru", "Bông lan trắng"...

Ai từng được thưởng thức kịch múa "Đất nước" do NSND Ứng Duy Thịnh biên đạo đều dành cho tác phẩm những lời bình phẩm đẹp. "Đất nước" không chỉ mang tính sử thi mà còn giàu chất thơ, mang dáng dấp huyền thoại về con người Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ, hy sinh. Tác phẩm được trao giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008.

Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ghi nhận đóng góp của tác giả đối với văn học nghệ thuật - Ảnh 4.

NSND Ứng Duy Thịnh với bạn bè

Những thành công trong sự nghiệp múa mà NSND Ứng Duy Thịnh đạt được là nhờ sự tích lũy từ những năm tháng ông được tu nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa tại Học viện Leningrat (Nga). Đây chính là khoảng thời gian để ông được chạm đến những đỉnh cao của nghệ thuật qua nhiều môn học tại một trung tâm nghệ thuật lớn của thế giới, để khi trở về Tổ quốc, ông đảm nhận vai trò đạo diễn những sự kiện lớn của đất nước, như: SEA Games 22, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; viết những công trình nghiên cứu, lý luận về múa, để lại dư âm sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và công chúng.

Không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ tài năng trong lĩnh vực múa, biên đạo múa, ông còn là một người thầy tận tâm, một cán bộ hết mình vì sự nghiệp chung của đơn vị khi đảm trách vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

NSND Duy Thịnh luôn quan niệm đã là nghệ sĩ phải nêu cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật, để làm sao nghệ thuật phải làm "tổ" trong trái tim khán giả. Đó cũng luôn là bài học ông truyền lại cho các thế hệ học trò của mình.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ