(Tổ Quốc) - Khối lượng băng tan tại Greenland là một trong những nguyên nhân chính khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao.
Khoảng 40 - 50% dân số thế giới đang sinh sống tại các thành phố bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nước biển dâng cao, và một nghiên cứu mới công bố hôm thứ Hai (22/4) trên tạp chí Proccedings of the National Academy of Sciences, còn đem tới một tin tức xấu hơn nữa cho các địa danh như New York, Miami, Los Angeles, Tokyo hay Mumbai…
Các nhà nghiên cứu đã tái cấu trúc lại sự cân bằng khối lượng (mass balance) của Dải băng Greenland bằng cách ước tính khối lượng băng đã bị tan chảy với tổng lượng tuyết rơi tại các lưu vực khô bên trong lãnh thổ quốc gia này trong vòng 46 năm qua. Họ phát hiện ra tỷ lệ băng mất đi tăng lên gấp 6 lần kể từ đó – thậm chí nhanh hơn so với những gì mà các nhà khoa học từng dự đoán.
Tốc độ tan băng tại Greenland đang ngày càng gia tăng (ảnh: getty)
"Nghiên cứu đặt quá trình tiến hóa (20 năm) vào một bối cảnh rộng hơn nhằm minh họa khối lượng mất đi đã gia tăng nhanh như thế nào tại Greenland trước những thay đổi về khí hậu", đồng tác giả nghiên cứu Eric Rignot cho biết.
Theo ông Rignot – một giáo sư về khoa học hệ thống Trái đất ở Đại học California, các sông băng bắt đầu chảy nhanh hơn và vỡ ra thành từng khối băng lớn đang di chuyển về đại dương.
"Khi các sông băng tiếp tục tăng tốc và băng bị tan từ phía đỉnh, chúng ta có thể dự đoán tỷ lệ khối lượng mất đi sẽ tiếp tục gia tăng khiến mực nước biển ngày càng dâng cao nhanh hơn mỗi năm", ông Rignot chỉ ra.
Cũng theo nghiên cứu trên, kể từ năm 1972, khối lượng băng tan ở riêng Greenland đã "đóng góp" 13,7 millimet vào mực nước biển dâng cao toàn cầu. Trước đó, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, ngay cả khi các chính phủ có hành động để giảm lượng khí nhà kính thải ra và cố gắng làm chậm thay đổi khí hậu – thì mọi chuyện cũng có thể đã quá muộn.
Một nghiên cứu công bố tháng 12/2018 từng chỉ ra, dải băng Greenland đang tan chảy ở tốc độ "chưa từng có tiền lệ" trong một vài thập kỷ gần đây – cao hơn khoảng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp và 33% so với thế kỷ 20.