• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân sự Đại hội ĐCS Trung Quốc 19 có gì mới ?

Thế giới 19/05/2017 13:59

(Tổ Quốc)-Đã có sự điều chuyển lớn nhân sự chuẩn bị ê-kíp cho thời đại Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Trong năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã bổ nhiệm, điều chuyển trên 250 cán bộ từ cấp thứ trưởng, thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch tỉnh trở lên và thay 6 bộ trưởng. Đầu năm 2017 thay thế thêm 4 bộ trưởng và chủ nhiệm các ủy ban ngang bộ.

Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ĐCS/TQ đã thông qua quy tắc 4 điểm về nhân sự vào thường vụ bộ chính trị (TVBCT), bộ chính trị (BCT), ban bí thư (BBT), phó bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương: (1) Phải được từ 80% số ủy viên bộ chính trị đồng ý, (2) người được đề cử phải báo cáo về bản thân trước hội nghị toàn thể bộ chính trị và hội nghị bộ chính trị mở rộng, (3) người được đề cử phải công khai về thu nhập kinh tế, tài sản của bản thân, vợ chồng và gia thuộc, (4) người được đề cử phải phối hợp với tổ chức điều tra, thẩm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  

 

Nhân sự ở trung ương

Đại hội 18 bầu ra ban chấp hành trung ương (BCHTW) 205 người; trong đó có 7 ủy viên TVBCT, 18 ủy viên BCT, 7 ủy viên BBT. BCHTW khóa 18 sẽ có khoảng 85 người đến tuổi nghỉ theo chế độ.

Nhân sự trung ương Đại hội 19 tập trung vào một số vấn đề “nóng”: Cơ chế TVBCT có tồn tại hay không? Nếu tồn tại sẽ gồm 7 hay 5 thành viên? Quy định “7 lên 8 xuống” (67 tuổi thì ở lại, 68 trở lên thì nghỉ hưu) có thay đổi không?  Nhân vật nào có thể vào TVBCT? Liệu Đại hội 19 có đề cử người kế thừa Tập Cận Bình cho Đại hội 20 hay không?

Gần đây nhiều tin tức cho rằng Ông Tập Cận Bình không muốn cơ chế TVBCT tồn tại và nếu tồn tại thì chỉ nên có 5 thành viên. Nhưng nhiều khả năng số thành viên TVBCT có thể vẫn là 7 hoặc 5. Càng ít càng tập trung quyền lực.

Trong 7 ủy viên TVBCT hiện nay, chỉ có ông Tập Cận Bình (sinh 1953) và ông Lý Khắc Cường (sinh 1955) còn tuổi ở lại, 5 người khác sẽ đến tuổi nghỉ theo quy định. Ông Vương Kỳ Sơn (phụ trách UBKTKLTW) có thể là ngoại lệ, vì tầm quan trọng chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng; nếu thành lập UB Giám sát quốc gia, vai trò của ông Vương Kỳ Sơn càng lớn.

Ngoài ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, 7 nhân vật có nhiều khả năng được bầu vào TVBCT Đại hội 19, gồm các ông: Hồ Xuân Hoa (1963 - Bí thư Quảng Đông), Tôn Chính Tài (1963, Bí thư Trùng Khánh); Triệu Lạc Tế (1957 -  Trưởng Ban Tổ chức TW); Lật Chiến Thư (1950 - Chủ nhiệm Văn phòng TW Đảng); Vương Hộ Ninh (1955 - Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách TW); Hàn Chính (1954 - Bí thư Thượng Hải); Uông Dương (1955 - Phó Thủ tướng). Ngoài ra  còn có Lưu Kỳ Bảo (1955 - Trưởng Ban Tuyên truyền); Lý Nguyên Triều (1950 - Phó Chủ tịch Nước).

Vấn đề người kế thừa ông Tập Cận Bình làm hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 6  chưa ngã ngũ.

Nhân sự địa phương và quân đội

Đến cuối tháng 12/2016 đã có 14 tỉnh, thành, khu tự trị hoàn thành việc thay thế lãnh đạo. Trong 85 vị trí chủ chốt được thay thế, trên một nửa là do ông Tập Cận Bình bố trí. Đến quý I/2017, đã thay thế 14 bí thư, 22 tỉnh trưởng/thị trưởng; điều chuyển, bổ nhiệm trên 200 ủy viên thường vụ/phó tỉnh trưởng.

Cùng với cải cách bộ máy quân đội, đã bố trí nhân sự ở 5 Chiến khu, 5 quân chủng, 15 cơ quan trực thuộc quân ủy TW mới; thân tín của Tập Cận Bình chiếm phần lớn các chức vụ chủ chốt trong đợt điều chỉnh này. Từ sau Đại hội 18 đến nay, Trung Quốc đã phong hàm thượng tướng cho 23 sĩ quan (hiện nay 42 người); riêng năm 2016 đã phong hàm 2 thượng tướng, 16 trung tướng, 60 thiếu tướng. Tập Cận Bình nắm sâu hơn, chắc hơn lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Trong Bộ Chính trị hiện nay có 2 người của quân đội làm phó chủ tịch quân ủy trung ương ông Phạm Trường Long (sinh 1947) và ông Hứa Kỳ Lượng (sinh 1950).

Các nhân vật chủ chốt trong TVBCT và BCT vẫn tiếp tục điều chuyển đến trước giờ G./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ