• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản cần đóng góp nhiều hơn cho quan hệ đồng minh với Mỹ

Thế giới 14/09/2018 11:56

(Tổ Quốc) - Giáo sư Nhật Bản: “Liên minh truyền thống chỉ có thể được duy trì nếu Nhật Bản ý thức được lợi ích của Mỹ”.

Theo quan điểm truyền thống của giới quan sát, đồng minh quân sự Mỹ - Nhật Bản là nền tảng của trật tự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ những năm 1960 và điều này vẫn còn giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, phương châm “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump làm gia tăng rắc rối cho giới hoạch định chính sách Nhật Bản với câu hỏi: "Liệu rằng an ninh của Nhật Bản có thể tiếp tục phó thác cho Mỹ không?".

Donald Trump xem xét lại vai trò của Mỹ

Mỹ đóng một vai trò quá lớn trong việc bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh khác chống lại các mối đe dọa đến từ các cường quốc có năng lực cạnh tranh cao, hiện nay là Trung Quốc. Nếu Washington ngừng đóng vai trò người bảo vệ, Nhật Bản sẽ phải vật lộn để tìm kiếm những giải pháp thay thế tốt hơn. Các quốc gia Châu Âu cũng phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự nhưng có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra khủng hoảng. Trong khi, Nhật Bản vẫn là một hòn đảo biệt lập ngoài lục địa Á - Âu, khó có thể tìm kiếm chiếc ô thay thế Mỹ.

Điều này có thể giải thích cho những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đối với Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức. Thủ tướng Abe đã gặp Tổng thống Trump 7 lần và là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên làm như vậy. Ken Jimbo, Giáo sư Đại học Keio, chuyên về an ninh quốc gia, cho biết mỗi lần gặp nhau, họ có thể chỉ nói về một vấn đề, đó là tầm quan trọng của liên minh.

Tổng thống Trump đã sớm từ bỏ quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương  trong nhiệm kỳ của mình và muốn đàm phán một hiệp định thương mại song phương với các mối đe dọa về thuế quan. Ông Trump đã quyết định đánh thuế cao lên các mặt hàng thép, nhôm và còn đe dọa đánh thuế lên cả mặt hàng xe ô tô của Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách lo lắng rằng ông Trump sẽ chọn cách tiếp cận về mặt quốc phòng giống như cách làm trong thương mại. 

Tổng thống Trump khó lòng giải tỏa mối quan ngại của các nhà lãnh đạo G-7, nhưng khối liên minh không vì thế mà rạn nứt .

Vào tháng 6, Tổng thống Trump đã hoãn các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn với lý do quá “khiêu khích” và “đắt đỏ”. Tổng thống Donald Trump tin rằng ông đang có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Mỹ không cần phải chi nhiều tiền cho các cuộc tập trận quân sự với đồng minh Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những báo cáo cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa.

Nếu Triều Tiên phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn đến Washington hoặc New York, Mỹ có thể sẽ lựa chọn ưu tiên quốc phòng của mình hơn việc bảo vệ các đồng minh và nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản cũng chưa sẵn sàng giúp Mỹ.

 Hệ thống liên minh do Mỹ lãnh đạo cũng được tạo ra từ lợi ích bảo vệ Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh lớn mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nhật Bản là trung tâm để tăng cường lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  

Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ các đồng minh nếu xảy ra khủng hoảng. Nhưng khái niệm này không còn được đảm bảo, bị nghi ngờ bởi cách hành xử của Donald Trump đối với bạn bè như kẻ thù, ép buộc đồng minh và khinh thường các thể chế toàn cầu.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là một siêu cường, chi tiêu nhiều cho quốc phòng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ chiếm 35% chi tiêu quân sự toàn cầu (so với 13% của Trung Quốc). Mỹ luôn đóng góp vào ngân sách phòng vệ chung nhiều hơn so với các đồng minh. Trong năm 2017, Mỹ chi 3,1% GDP cho quốc phòng so với 2,3% của Pháp, 1,8% của Vương quốc Anh và 1,2% của Đức. Nhật Bản chỉ chiếm 0,9%.

Nhật Bản phải làm nhiều hơn nữa

 Giáo sư Jimbo tin rằng Nhật Bản phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ liên minh do Mỹ đứng đầu. Ông này nói: "Liên minh truyền thống chỉ có thể được duy trì nếu Nhật Bản ý thức được lợi ích của Mỹ". Chính sách đối ngoại của Mỹ tập trung vào cuộc chiến cạnh tranh quyền lực chống lại Trung Quốc (và Nga) về mặt an ninh, thương mại, đầu tư và kinh tế. Giáo sư Jimbo nói: "Liên minh Mỹ - Nhật nên là công cụ chính để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này trong trung và dài hạn" nhưng "Nhật Bản đã không đầu tư nhiều cho việc này". 

Lực lượng đồn trú của Mỹ tạo an ninh cho Nhật Bản.

Giáo sư Jimbo cho rằng Nhật Bản cần nâng cao khả năng của mình trong việc tham vấn chặt chẽ với các đồng minh. “Nhật Bản đã sẵn sàng để có một cách tiếp cận đối ứng nhiều hơn khiến cho liên minh bình đẳng hơn”.

 Câu hỏi đặt ra là nếu tiếp tục tồn tại nhiệm kỳ 4 năm của một Tổng thống Mỹ hướng nội như vậy, Nhật Bản sẽ đối mặt với thách thức này như thế nào? Ông Jimbo nói: "Bất kỳ ai trở thành Tổng thống, chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia với họ… Bởi vì, Nhật Bản cuối cùng cũng phải chịu trách nhiệm về việc bảo vệ chính mình"./.

(theo The Diplomat)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ