• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng "bệnh viện nổi" ứng phó thảm họa thiên tai ven biển

Thế giới 13/07/2024 08:29

(Tổ Quốc) - Trang SCMP dẫn tin Nhật Bản đang lên kế hoạch đóng tàu bệnh viện nhằm ứng phó nhanh chóng với thiên tai ở các khu vực ven biển.

"Bệnh viện nổi"

Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất và núi lửa hoạt động mạnh, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 2% trong số những trận động đất có độ lớn từ 6 trở lên trên thế giới.

Vào đầu năm nay (1/1/2024), một trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra tại vùng Noto thuộc tỉnh Ishikawa của Nhật Bản đã khiến nước này và nhiều quốc gia lân cận phát cảnh báo sóng thần. Cảnh báo sóng thần lớn đã được ban bố tại tỉnh miền Trung Ishikawa cùng khu vực ven biển của các tỉnh Yamagata, Niigata, Toyama, Fukui và Hyogo.

Đài truyền hình Nhật Bản NHK khi đó đã nói rằng các bác sĩ không thể đến bệnh viện ở thành phố Suzu trên bán đảo Noto, địa điểm gần tâm chấn nhất. Cơ sở này cũng đang phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng, do nguồn điện bị cắt trong trận động đất.

Nhật  Bản kế hoạch xây dựng "bệnh viện nổi" ứng phó thảm họa thiên tai ven biển - Ảnh 1.

Một bến cảng bị đắm ở Anamizu thuộc tỉnh Ishikawa, Nhật Bản vào ngày 5/1 sau trận động đất mạnh làm rung chuyển bán đảo Noto và các vùng lân cận miền trung Nhật Bản hôm 1/1. Ảnh: Kyodo

Sau những ảnh hưởng lớn bởi trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở bán đảo Noto vào ngày 1/1, Chính phủ Nhật Bản mới đây đang lên dự thảo cho kế hoạch đóng tàu bệnh viện nhằm ứng phó nhanh chóng với thiên tai ở các khu vực ven biển tại một quốc gia thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đầu tuần này đã chỉ đạo các bộ trưởng soạn thảo một kế hoạch dự thảo thiết kế đóng tàu như "một bệnh viện nổi" nhằm đưa vào hoạt động cuối năm nay.

Quyết định phát triển tàu bệnh viện được đưa ra sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter tại Nhật Bản vào đầu năm 2024. Trận động đất đã gây ra một loạt sóng thần tàn phá cộng đồng dân cư trên bán đảo, cụ thể là các thị trấn Suzu, Wajima và Noto.

Thống kê đã xác nhận 281 người thiệt mạng và 3 người khác mất tích. Hơn 1.300 người bị thương ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đã dẫn lời Thủ tướng Kishida cho biết đất nước của chúng ta, được bao quanh bởi biển, sẽ phát sinh những tình huống thiên tai từ biển, vì vậy, cần cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế là có hiệu quả.

Nhật  Bản kế hoạch xây dựng "bệnh viện nổi" ứng phó thảm họa thiên tai ven biển - Ảnh 2.

Các mảnh vụn từ trận động đất ở bán đảo Noto ngày 1/1/2024 chất đống tại một bãi xử lý rác thải tạm thời ở thành phố Suzu, tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản sau 6 tháng xảy ra thảm họa. Ảnh: Kyodo

"Sự trợ giúp rất lớn"

Hiện tại, lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Nhật Bản đang xem xét giải pháp sử dụng phà ô tô trong các trường hợp cứu trợ khẩn cấp cho đến khi các tàu chuyên dụng có thể được đưa vào hoạt động.

Các thông số kỹ thuật của các tàu mới vẫn chưa được thống nhất nhưng các tàu bệnh viện quân sự và dân sự thường được trang bị bãi đáp trực thăng, khu vực neo đậu giúp vận chuyển bệnh nhân, phòng phẫu thuật, cơ sở chăm sóc đặc biệt, dịch vụ nha khoa, phòng thí nghiệm, nhà thuốc và nhà xác.

Trước đó, Tổ chức từ thiện Mercy Ships, có trụ sở tại Lausanne (Thụy Sĩ) đã đưa vào vận hành hai tàu bệnh viện là MV Global Mercy và MV Africa Mercy trong khi Tây Ban Nha cũng có hai tàu bệnh viện chuyên dụng. Ở những quốc gia khác, quân đội Mỹ, Nga, Peru, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc và Brazil đều có các tàu có thể được sử dụng để ứng phó với thiên tai.

Bà Yoko Tsukamoto, Giáo sư kiểm soát nhiễm khuẩn tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido là một trong những người đã tình nguyện điều trị những người sống sót sau thảm họa Noto vào tháng 1/2024, nhận định một chiếc tàu bệnh viện neo đậu ngoài khơi để cung cấp dịch vụ y tế cần thiết cho tất cả những người bị thương là "một sự trợ giúp rất lớn".

"Trong thảm họa Noto, thực sự chỉ có một con đường chính dẫn vào bán đảo nhưng đã bị hư hại nặng nề trong trận động đất và hầu hết các cây cầu đều bị đánh sập. Nhóm y tế phải mất một thời gian dài mới tiếp cận được những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất", bà Yoko Tsukamoto nói thêm.

Theo bà Yoko Tsukamoto, quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển đã phải cố gắng đưa thiết bị y tế và mọi thứ cần thiết khác vào khu vực, nhưng đường băng cũng bị hư hỏng nên rất nguy hiểm. Một con tàu lớn - không thể cập bến một cảng nhỏ - có thể neo đậu cách bờ biển một đoạn ngắn giúp dễ dàng vận chuyển những người cần được điều trị bằng trực thăng hoặc thuyền nhỏ.

"Khi tôi ở đó, các bệnh viện và phòng khám đều bị hư hỏng nặng hoặc bị phá hủy nên rất nhiều người phải chờ điều trị. Thời tiết lúc đó rất lạnh. Một con tàu bệnh viện được trang bị đầy đủ sẽ là một sự trợ giúp to lớn và tôi chắc chắn rằng nó sẽ được hoan nghênh", Giáo sư Yoko Tsukamoto nói thêm./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ