(Tổ Quốc) - Nhật Bản đã bày tỏ phản đối với phía Nga thông qua các kênh ngoại giao về các sự kiện kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ II được tổ chức tại quần đảo Nam Kuril.
Nhật Bản đã bày tỏ phản đối với phía Nga thông qua các kênh ngoại giao về các sự kiện kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ II được tổ chức tại quần đảo Nam Kuril – mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 4/9 cho biết.
"Liên quan đến việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trên bốn hòn đảo phương bắc (nam Kuril-pv), điều đi ngược lại lập trường của đất nước chúng tôi và chúng tôi đang bày tỏ sự phản đối bằng nhiều cách ... Chúng tôi đã lên tiếng phản đối thông qua các kênh ngoại giao vào ngày 3/9", ông Suga nói tại một cuộc họp báo.
Nhật Bản lên tiếng phản đối việc Nga kỉ niệm kết thúc Thế chiến 2 tại vùng lãnh thổ phương Bắc/quần đảo Nam Kuril. (Nguồn: TASS) |
Ông Suga cũng nói rằng, các sự kiện được tổ chức trên Quần đảo Nam Kuril/ vùng Lãnh thổ phương Bắc là không thể chấp nhận được từ quan điểm của Nhật Bản.
Vào ngày 2/9, nhiều khu vực của Nga, cùng với quần đảo Nam Kuril đã tổ chức kỷ niệm 73 năm ngày kết thúc Thế chiến II.
Quan hệ Nga-Nhật từ lâu đã ở vào tình thế phức tạp bởi thực tế là hai quốc gia chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn sau khi kết thúc Thế chiến II. Hai nước đã tổ chức các cuộc tham vấn hướng tới một hiệp ước hòa bình kể từ giữa thế kỷ 20, tuy nhiên, vẫn còn bất đồng đối với chủ quyền của bốn hòn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai. Sau Thế Chiến 2, bốn hòn đảo trên được trao cho Liên Xô kiểm soát, trong khi Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này.
Năm 1956, hai nước đã ký tuyên bố chung kết thúc tình trạng chiến tranh, khôi phục quan hệ ngoại giao và tất cả các mối quan hệ khác, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được một hiệp ước hòa bình.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Nhật Bản vào tháng 12/2016, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên tích cực hơn, khi Moscow và Tokyo đồng ý phát triển các dự án chung trên các hòn đảo tranh chấp.