(Tổ Quốc) - Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines xác nhận về tiến trình hướng tới Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng VFA với một đối tác châu Á lớn.
Theo Asia Times, cuộc gặp lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần qua tại Trại David đã được tán dương là một "cột mốc mới" trong liên minh ba bên đang phát triển.
Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, các nhà lãnh đạo của ba quốc gia tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chung chính thức, nhấn mạnh sự thành công của chính quyền ông Biden trong việc xoa dịu căng thẳng lịch sử giữa hai đồng minh chủ chốt tại Đông Á.
Nhưng trong khi thế giới đang tập trung vào tiềm năng hình thành một liên minh ba bên hùng mạnh, thì một liên minh quan trọng khác đang lặng lẽ hình thành.
Theo Asia Times, tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã xác nhận những suy đoán lâu nay về một hiệp ước quốc phòng mới tiềm tàng giữa Nhật Bản và Philippines.
Trong một phiên điều trần quốc hội, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines thừa nhận rằng một thỏa thuận VFA mới đang được thực hiện với một đối tác châu Á quan trọng.
Ngay sau đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã gặp đại diện hàng đầu của Đảng Komeito, một đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền của Nhật Bản, để nhắc lại cam kết của ông trong việc nâng cấp quan hệ song phương vốn đã bền chặt lên tầm cao mới.
Manila được cho là đang tìm cách đưa mối quan hệ nặng nề về kinh tế với Tokyo thành một liên minh chính thức. Hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia châu Á cũng là một phần của liên minh ba bên mới nổi rộng lớn hơn giữa Nhật Bản, Philippines và Mỹ (được gọi là liên minh JAPHUS), Asia Times thông tin.
Tìm kiếm các đồng minh mới
Theo Asia Times, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Marcos Jr đã nỗ lực thúc đẩy một học thuyết chính sách đối ngoại mới. Một mặt, ông đã thúc đẩy mạnh mẽ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường giữa Philippines và Mỹ (EDCA), được đàm phán dưới thời chính quyền Benigno Aquino III.
Mặt khác, ông Marcos Jr cũng đã cố gắng phát huy di sản của chính quyền Rodrigo Duterte là tìm kiếm quan hệ với các cường quốc đang lên trên khắp thế giới. Ví dụ, trong tuần trước, ông Marcos Jr đã đích thân gặp đại sứ mới nhậm chức của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Yousef Esmaeilzadeh, để tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược, bao gồm cả các lĩnh vực như an ninh lương thực.
"Philippines đang tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác mới với những bên chúng tôi gọi là đối tác phi truyền thống", ông Marcos Jr nói với vị khách Iran. Ngoài ra, ông Marcos Jr cũng đang mở rộng quan hệ với các đồng minh khác của Mỹ, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, quốc gia có nguồn đầu tư và là nhà viện trợ phát triển hàng đầu.
Cả hai người tiền nhiệm của ông, Aquino và Duterte, đều tích cực theo đuổi một liên minh toàn diện với Nhật Bản. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của cơ quan lập pháp Philippines, nơi cả hai đảng đều ủng hộ mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Tokyo.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói với Asia Times vào đầu năm nay: "Chúng tôi bây giờ rất gần gũi với Nhật Bản, đến mức tôi thậm chí còn nói với Đại sứ Nhật Bản [ở Manila]: 'Nhật Bản – Philippines đang ở vào một trong những thời điểm tuyệt vời nhất. Giờ đây bạn gần như ngang hàng với Mỹ [về quan hệ chiến lược tổng thể]'".
Sau chuyến thăm của ông Marcos Jr tới Tokyo vào đầu năm nay, hai bên đã tăng cường nỗ lực nhằm đạt được một hiệp ước quốc phòng lớn mới.
Ngoại trưởng Enrique Manalo phát biểu trước Quốc hội Philippines tuần trước: "Chúng tôi đang xem xét các thỏa thuận (tương tự như VFA) với các đối tác thân thiện có mong muốn thực hiện điều đó. Và trên thực tế, chúng tôi hiện đang thảo luận với một quốc gia, một đối tác lớn gần Trung Quốc. Có một số chi tiết về kỹ thuật cần bàn bạc nhưng toàn bộ ý tưởng là nhằm tạo dựng một mối quan hệ bền chặt hơn".
Kỷ nguyên hợp tác mới
Tháng 6 năm ngoái, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận ba bên với các đối tác Nhật Bản và Mỹ tại Philippines. Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa ba quốc gia đồng minh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực. Gần đây, Đại sứ quán Nhật Bản Matsuda Kenichi nhắc lại rằng Tokyo cam kết "cụ thể" thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Philippines.
Các chính trị gia có ảnh hưởng của Philippines bao gồm Chủ tịch Thượng viện Miguel Zubiri đã công khai kêu gọi hướng tới thỏa thuận VFA Philippines-Nhật Bản.
Lãnh đạo Thượng viện Philippines cho biết hồi đầu năm nay: "Nhật Bản là một đồng minh và trong bối cảnh có tranh chấp về biển, chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn với các đồng minh của mình".
Ông nói thêm: "Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ quan trọng cho lực lượng bảo vệ bờ biển của chúng tôi, không chỉ thông qua tàu và thiết bị mà còn thông qua các cơ hội xây dựng năng lực khác như đào tạo… vì vậy VFA sẽ tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi hơn nữa".
Nếu hai bên hoàn tất VFA với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng ở Manila, thỏa thuận này sẽ cho phép hai bên mở rộng đáng kể các cuộc tập trận quân sự chung, trao đổi thiết bị phòng thủ và thậm chí cả các hoạt động chung tiềm năng trong các tình huống bất ngờ.