• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản tìm kiếm vai trò mới tại Trung Đông

Thế giới 18/07/2023 10:09

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, Nhật Bản đang muốn thu hút đầu tư của UAE vào ngành chip và nước này cũng sẽ hỗ trợ đối tác phát triển công nghệ xanh hóa amoniac để giảm thiểu khí thải.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày 17/7 đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ để thảo luận về các khoản đầu tư tiềm năng của UAE vào các nhà máy bán dẫn và pin ở Nhật Bản.

Chuyến công du kết nối khu vực, ưu tiên phát triển xanh

Nhà lãnh đạo Nhật Bản đang công du Trung Đông để quảng bá công nghệ xanh của nước này. Ông Kishida và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã nhất trí tiến tới hợp tác kỹ thuật sản xuất nhiên liệu xanh như hydro và amoniac, cùng với phát triển quan hệ đối tác trong y học và không gian - những lĩnh vực then chốt trong nỗ lực đa dạng hóa công nghiệp của Abu Dhabi.

Hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu hướng tới hội nghị khí hậu COP28 năm nay, sẽ được tổ chức tại UAE vào tháng 11 tới.

Nhật Bản tìm kiếm vai trò mới tại Trung Đông - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan trong cuộc gặp ngày 17/7. Ảnh: Reuters.

Cuộc họp giữa Nhật Bản và UAE diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh vào Chủ nhật vừa qua giữa ông Kishida và Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman. Cả hai nhà lãnh đạo Trung Đông đều tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ trong nền kinh tế.

Ông Kishida và nhà lãnh đạo Saudi Arabia đã đồng ý khởi động "Sáng kiến ngọn hải đăng" để hợp tác về năng lượng sạch. Theo đó, một liên doanh giữa hai nước sẽ triển khai một số dự án chung như sản xuất amoniac và phát triển đất hiếm dùng trong pin xe điện.

Các quốc gia trên khắp Trung Đông đang vật lộn với thách thức giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu. UAE và Saudi Arabia đã đặt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 lần lượt vào năm 2050 và 2060.

Trong khi nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với việc xoay trục nhanh chóng sang năng lượng tái tạo khi Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều đang thúc giục, thì Tokyo cũng đang nỗ lực thực hiện tiến trình này. Nhưng họ quan tâm tới quá trình chuyển đổi dần dần, tập trung vào nhu cầu riêng của các quốc gia và muốn đóng vai trò cầu nối giữa các nước mới làm quen với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh với các quốc gia có công nghệ năng lượng phát triển như châu Âu và Mỹ.

Sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5, Nhóm Bảy quốc gia giàu có G7 đã đưa ra một tuyên bố hứa hẹn rằng họ sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải "thông qua các con đường thực tế và đa dạng, có tính đến hoàn cảnh của từng quốc gia."

Nhật Bản đã nổi lên như một nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ năng lượng sử dụng nhiên liệu amoniac. Amoniac có thể được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện nhưng giảm khả năng phát thải so với nguyên liệu thông thường. Do đó việc sử dụng amoniac có thể kéo dài thời gian hoạt động cho các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông khi họ bắt tay vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Gia tăng vị thế đối trọng giữa các siêu cường

Sự quan tâm ngày càng tăng của Tokyo vào Trung Đông cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang gia tăng sự hiện diện lớn trong khu vực này. Bắc Kinh đã làm trung gian cho một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran vào tháng 3, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến việc làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine.

Về mặt kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Saudi Arabia vào tháng 12 năm ngoái và công bố một loạt khoản đầu tư phù hợp với chiến lược tăng trưởng "Tầm nhìn 2030" của Riyadh. Theo truyền thông Saudi, tổng cộng giá trị đầu tư vào khoảng 30 tỷ USD và bao trùm nhiều lĩnh vực như hậu cần, y tế và giáo dục.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, được Trung Quốc và Nga thành lập vào năm 2001, cũng đã chính thức chấp nhận Iran là thành viên trong tháng này. Tehran trước đây giữ tư cách quan sát viên tại khuôn khổ kinh tế và an ninh này.

Ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần tại Trung Đông đã để lại nhiều không gian hơn cho Trung Quốc thực hiện những bước đi gia tăng vị thế tại khu vực. Mối quan hệ của Washington với Saudi Arabia đã rạn nứt về nhiều vấn đề, trong khi sự bùng nổ dầu đá phiến đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và do đó, Trung Đông không còn quá quan trọng trong chính sách năng lượng của Washington.

Trong khi đó, Nhật Bản hiện nhập khẩu hơn 95% dầu thô từ Trung Đông, đặc biệt là từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do đó, việc thiếu quan tâm tới khu vực này có thể gây rủi ro cho sự ổn định của nền kinh tế Nhật.

Theo Nikkei Asia, ông Kishida đã thông tin với các trợ lý rằng Nhật Bản không thể cạnh tranh với quy mô đầu tư của Trung Quốc, do đó, việc cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho các quốc gia là điều quan trọng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ