• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản tính lại về năng lực phản công: Thế mạnh mới cho liên minh

Thế giới 31/05/2022 16:59

(Tổ Quốc) - Nhật Bản đang có kế hoạch sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) vào cuối năm 2022, định hình lại Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia (NDPG) và Chương trình Phòng thủ Trung hạn.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã đệ trình các khuyến nghị chính sách nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm khả năng phản công chống lại cả các căn cứ quân sự cũng như hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương. Động thái này đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng mới trong chiến lược và sự sẵn sàng phòng thủ của Nhật Bản.

Bộ mặt tấn công trong chiến lược phòng thủ

Đối với Nhật Bản, chính sách phản công sẽ đóng vai trò là bộ mặt tấn công trong chiến lược phòng thủ và răn đe hiện tại. Có mục tiêu chủ yếu vào hệ thống tên lửa của đối phương, chính sách này cho phép Tokyo làm tổn thương kẻ thù đồng thời làm suy yếu khả năng thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hiện có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo quy mô lớn bao gồm tên lửa đánh chặn SM-3 và tên lửa phòng không PAC-3. Tuy nhiên, đã có những tiến bộ đáng kể trong công nghệ tên lửa của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, bao gồm cả việc mua lại các phương tiện bay siêu thanh và đầu đạn có thể điều khiển. Đây là những lực lượng khó bị đánh chặn và Nhật Bản khó có thể phát triển năng lực phòng thủ trong ngắn hạn.

Mặc dù các khuyến nghị của LDP có ảnh hưởng trong việc xác định kế hoạch quốc phòng của chính phủ Nhật Bản, nhưng liệu chúng có được phản ánh đầy đủ trong NSS và NDPG sắp tới hay không vẫn còn là điều đang gây đang tranh cãi.

Hiện nhiều người đang cho rằng lập luận xưa cũ về các cuộc phản công vi phạm hiến pháp và chiến lược truyền thống của Nhật Bản, vốn chỉ duy trì các khả năng "tối thiểu cần thiết để tự vệ", là sai lầm. Việc sử dụng chiến dịch phản công khi không còn phương tiện phòng thủ nào khác đã được chính quyền Hatoyama xác định là hợp hiến vào tháng 2 năm 1956. Khả năng tiến hành phản công không bị cấm theo luật quốc tế và là quyền của tất cả các quốc gia ở Đông Á.

Nhật Bản tính lại về năng lực phản công: Thế mạnh mới cho liên minh - Ảnh 1.

Nhật Bản đang hướng đến tăng cường chiến lược phản công. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vấn đề chi phí đang thu hút được nhiều sự chú ý. Mặc dù Thủ tướng Kishida đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ giới hạn tự đặt ra đối với chi tiêu quốc phòng, nhưng sẽ có sự phản đối từ một số chính trị gia, công chúng và Bộ Tài chính.

Nhật Bản đang nỗ lực để đạt được năng lực ban đầu về phòng thủ các hòn đảo xa xôi. Những nỗ lực của nước này bao gồm việc mua lại Tên lửa phòng không đối đất (JASSM-ER) và mở rộng tầm bắn của tên lửa đất đối hạm Kiểu 12 lên 900 km và cuối cùng là 1500 km.

Cũng đang có các cuộc thảo luận chính sách về việc phát triển tên lửa tầm xa hơn, chẳng hạn như tên lửa Tomahawk nội địa với tầm bắn 2000 km, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và tên lửa đạn đạo tầm trung như một phương tiện phản công hiệu quả hơn. Nhưng trong khi Nhật Bản đã tài trợ cho những thiết bị này, sẽ cần những chi phí lớn hơn để vận hành chúng. Với chi phí vận hành và bảo trì, tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản và duy trì các tài sản cần thiết khác thì Tokyo sẽ cần phải đánh đổi.

Giá trị với liên minh?

Câu hỏi quan trọng hơn là liệu khả năng tiến hành phản công có phải là một phương án hiệu quả cho Nhật Bản hay không. Về mặt chiến lược, nó đặt ra câu hỏi về tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, với một số người cho rằng động thái của Nhật Bản sẽ gây ra phản ứng nóng bỏng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Nhưng với những mối đe dọa mà Nhật Bản đã phải đối mặt, những rủi ro đến từ việc không hành động có thể còn lớn hơn nhiều.

Đối với liên minh Nhật-Mỹ, mặc dù Tokyo sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Washington trong các cuộc tấn công chiến lược tầm cao và cần sự hỗ trợ chiến thuật để tiến hành, nhưng khả năng phản công của Nhật Bản sẽ cho phép nước này phát triển các cách thức đa dạng hơn để phòng thủ và ngăn chặn đối thủ.

Tokyo phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được những hiệu quả này. Thứ nhất, nhiều tên lửa của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga được phóng từ các nền tảng di động thường bị phân tán và cố định. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát của họ cũng được bảo vệ cao trước các cuộc tấn công. Các tính năng như vậy tạo ra các vấn đề trong việc xác định và tiêu diệt hiệu quả các tài sản đó - đặc biệt là về phạm vi phản công- điều đòi hỏi các hoạt động kết hợp và tích hợp với Mỹ.

Thứ hai, Nhật Bản sẽ cần cân bằng khả năng phản công với các chương trình nghị sự quan trọng khác để nâng cao khả năng sẵn sàng của SDF. Ví dụ, Tokyo nên thiết lập các chỉ huy chung để cải thiện sự phối hợp giữa các chi nhánh của SDF, tăng cường khả năng sẵn sàng kiểm soát và phản ứng trên biển, tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo để đánh chặn các công nghệ tên lửa mới, sẵn sàng cho chiến tranh mạng và điện tử cũng như chuẩn bị cho sự xuất hiện của công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực chiến tranh mới.

Thứ ba, khả năng tiến hành các cuộc tấn công của Nhật Bản phụ thuộc vào cách nước này chuyển khái niệm về các hoạt động phản công thành các học thuyết thực tế. Ngoài việc tìm ra những cách thức hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa độc nhất từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, Nhật Bản còn phải đối mặt với những thách thức trong việc lồng ghép các hoạt động phản công vào các học thuyết phòng thủ hiện có.

Bất chấp những câu hỏi khó khăn trong nước và quốc tế mà Tokyo sẽ phải đối mặt, các cuộc phản công là cần thiết để nâng cao khả năng phòng thủ và răn đe của Nhật Bản trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng. Ngay cả khi công thức phản công của Nhật Bản cũng chưa đủ để đánh bại lực lượng đối phương, nhưng nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy giảm khả năng thành công của họ.

Tokyo vẫn đang nghiên cứu chi tiết các đề xuất này và có khả năng các đề xuất của LDP sẽ được duyệt. Nhưng khả năng phát động một cuộc phản công - ngay cả ở dạng hạn chế - sẽ đặt chiến lược phòng thủ của Nhật Bản trên một quỹ đạo mới quan trọng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ