(Tổ Quốc) - Với sứ mệnh nỗ lực toàn cầu để khử carbon trong hoạt động kinh doanh và giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu, Nhật Bản luôn đi đầu là quốc gia sớm áp dụng tính bền vững.
Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh trọng tâm mới về bảo tồn thiên nhiên được đặt ra cùng với vấn đề khí hậu, Nhật Bản đang thể hiện vai trò lãnh đạo đầy ấn tượng.
Khi nhắc đến sự trân trọng thiên nhiên và vai trò trung tâm của thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày, Nhật Bản không giống bất kỳ quốc gia hay nền văn hóa nào khác trên Trái đất.
Lực lượng Đặc nhiệm về Tiết lộ Tài chính Liên quan đến Thiên nhiên (TNFD) năm ngoái đã công bố các công ty trên thế giới đã xây dựng bộ công cụ xử lý rủi ro gây ra cho hoạt động kinh doanh trước sự suy thoái và sụp đổ của thiên nhiên.
TNFD cung cấp cho các công ty những hướng dẫn rõ ràng và nhất quán để hiểu rõ hơn về tác động giúp quản lý rủi ro, tận dụng cơ hội giúp các nhà đầu tư quyết định hành động.
Vào tháng 1 năm nay, TNFD đã công bố danh sách các công ty đầu tiên trên toàn cầu có khả năng triển khai khuôn khổ mới trong thời gian sớm nhất.
Trong số 320 công ty đã ký kết cho đến nay, có tới 81 công ty có trụ sở chính tại Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản đang thể hiện ý định rõ ràng về việc bảo tồn thiên nhiên. Niềm đam mê đã giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo thế giới.
Hiểu về giá trị của thiên nhiên
"Lý do đầu tiên và quan trọng nhất mà tôi thấy cho điều này là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng có cái nhìn toàn diện về giá trị của thiên nhiên, thay vì coi đó chỉ là một gánh nặng tuân thủ quy định", ông Guy Williams - Giám đốc điều hành tại Pollination, một công ty tư vấn và đầu tư về biến đổi khí hậu nhận định.
Đáng chú ý, tại Nhật Bản, mô hình nông thôn (gọi là vùng satoyama) mang đến nhiều ý nghĩa trong quá trình bảo vệ thiên nhiên. Satoyama có mức độ đa dạng sinh học cao và là mô hình dẫn đầu về du lịch sinh thái ở Nhật Bản. Một trong những nỗ lực hỗ trợ và bảo tồn khái niệm Satoyama là "Sáng kiến Satoyama - Satoyama Initiative". Dự án này được thành lập thông qua UNESCO vào năm 2009 để công nhận và quảng bá các điểm đến thể hiện tinh thần Satoyama, không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn cầu.
Theo ông Guy Williams, Nhật Bản có cái nhìn toàn diện về giá trị của thiên nhiên, thay vì coi đó chỉ là một gánh nặng trong việc tuân thủ.
Trong văn hóa phương Tây, những ngôi làng là không gian chung nơi dân làng có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên và chăn thả gia súc trong thời gian dài.
Cộng đồng satoyama là một minh họa rõ ràng về sự khác biệt của Nhật Bản khi nói đến thiên nhiên.
Kinh nghiệm cho các nước trong bảo tồn thiên nhiên
Cộng đồng satoyama đã phản ánh một cách nhìn khác về thiên nhiên, gắn liền với quyền giám hộ: quyền truy cập chung nhưng cũng có sự đánh giá cao và nghĩa vụ chung để bảo vệ thiên nhiên.
"Trong vài năm qua, tôi đã thực hiện nửa tá chuyến đi tới Nhật Bản để gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của công ty để thảo luận về chiến lược bảo tồn thiên nhiên và cách các công ty có thể đóng góp vai trò trong việc ngăn chặn thiệt hại đối với đa dạng sinh học và bắt đầu đảo ngược tình trạng mất mát thiên nhiên. Sự kết nối giữa cá nhân với doanh nghiệp không chỉ là giao dịch mà còn mang tính văn hóa, tình cảm và xuyên thế hệ sâu sắc", ông Guy Williams ghi nhận.
Quan trọng hơn là quyết tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đã bù đắp cho điều mà nhiều người cho là sự chậm chạp tương đối trong việc đáp ứng chương trình nghị sự về khí hậu. Khi thiên nhiên trở thành một ưu tiên cùng với khí hậu, người ta sẵn sàng đi trước trong việc cải thiện các hoạt động hữu hình.
Và cuối cùng là các thức đối phó với những rủi ro tự nhiên.
Các công ty Nhật Bản thường có chuỗi cung ứng dài và phân tán về mặt địa lý. Cho dù đó là ô tô, phần cứng công nghệ, cao su hay gỗ, vị thế lâu đời của Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế châu Á nhưng người dân ở đây luôn xác định rõ ràng những rủi ro và tính dễ bị tổn thương đối với đa dạng sinh học.
Tại Nhật Bản, cuộc thảo luận xung quanh các giải pháp dựa vào thiên nhiên đang nhanh chóng được quốc tế hóa khi các công ty nhận ra tiềm năng của các dự án ở các nước láng giềng trong việc cung cấp tín chỉ carbon có chất lượng và tính toàn vẹn cao để thực hiện quá trình chuyển đổi phức tạp sang phát thải ròng bằng 0.
Cơ hội mới nổi của các giải pháp dựa vào thiên nhiên vượt ra ngoài phạm vi hành động vì khí hậu. Đây cũng có thể là một động cơ mạnh mẽ để mang lại kết quả bảo tồn và đa dạng sinh học.
Nhật Bản ngày càng nhìn thấy tiềm năng này và trở thành trung tâm thương mại cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên trong khu vực, được củng cố thông qua ký kết biên bản ghi nhớ song phương với nhiều quốc gia. Điều này đang diễn ra song song với nỗ lực chiến lược tương tự từ Singapore, quốc gia cũng đang tìm cách trở thành trung tâm khu vực về thị trường carbon.
Tất cả những yếu tố này có nghĩa là Nhật Bản hiện có tiềm năng trở thành nơi thú vị nhất trên thế giới khi nói đến mối liên hệ giữa kinh doanh, du lịch, thiên nhiên và những nỗ lực mới nổi khác để thu hút lôi kéo các doanh nghiệp trên thế giới vào công việc cần thiết nhằm khôi phục đa dạng sinh học./.