(Tổ Quốc)- Trung Quốc muốn gắn kết Con đường tơ lụa trên biển với mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á/ASEAN.
Trong các ngày 8-9/12/2016, tại Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc – với một tổ hợp kiến trúc lớn và hiện đại tọa lạc tại đảo Hải Nam, đã tổ chức cuộc hội thảo “Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ và sự phát triển chung của khu vực Biển Đông mở rộng”. Khu vực Biển Đông mở rộng được đề cập trong Hội thảo bao gồm các nước nằm trong Vành đai Biển Đông và Đông Nam Á lục địa. 55 đại biểu quốc tế và Trung Quốc đã tham dự Hội thảo. Việt Nam có 2 đại biểu đến từ Trung tâm Nghiên chiến lược va Phát triển quốc tế (CSSD).
Quy hoạch phát triển Vanh đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/3/2009 có thể gắn kết với OBOR |
Cuộc xung đột Biển Đông đã bước sang giai đoạn phát triển mới. Ba sự kiện đã định hình giai đoạn này. Một là, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ngày 12/7/2016. Hai là, Trung Quốc đã hoàn thành việc bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ba là, Xoay trục của Mỹ về mặt lịch sử đang lùi về phía sau, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đột nhiên đã có nhận thức mới về Biển Đông: Trên trang mạng xã hội của mình, cùng hai vấn đề quan hệ tiền tệ và thương mại Mỹ-Trung, ông Trump không tán thành “việc Trung Quốc xây dựng một tổ hợp quân sự lớn tại trung tâm Biển Đông”.
Mọi người chỉ có thể “chờ xem” vì chưa biết ông Trump khi vào Nhà Trắng đầu năm tới sẽ xử lý vấn đề Biển Đông và các mối quan hệ quốc tế khác thế nào. Nhưng các phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ, nhất là việc ông điện đàm với Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, đã làm dấy lên một cơn địa chấn nhỏ trong quan hệ Trung-Mỹ. Người Trung Quốc bức xúc vì cuộc điện đàm có một không hai này kể từ khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan ngày 1/1/1979.
Nhất đới Nhất lộ (OBOR), Biển Đông và Việt Nam: Làm sao kết nối?
Kể từ khi được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động năm 2013, “Nhất đới” (một vành đai kinh tế trên bộ) và “Nhất lộ” (con đường tơ lụa mới trên biển) là một chiến lược rộng lớn, một sáng kiến quan trọng của Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng kết nối 3 châu lục Á-Phi-Âu và 3 đại dương Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Trên hai hướng đi này, sẽ hình thành khu vực ảnh hưởng địa-chính trị, kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Theo đánh giá, “Nhất đới Nhất lộ” sẽ đóng góp to lớn vào xây dựng mạng lưới kết nối giao thông vận tải toàn cầu thế kỷ 21, trước hết là lục địa Á-Âu. Đây là một nỗ lực liên doanh giữa Trung Quốc với khoảng 55 nước liên quan, nhưng không thể có được nếu không có sự đóng góp to lớn và chủ yếu của Trung Quốc về tài chính, công nghệ và nhân lực. OBOR là đại chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình nên sẽ được đẩy mạnh trong những năm ông Tập Cận Bình cầm quyền 10 hoặc 15 năm bắt đầu từ năm 2013.
Các con đường bộ và đường sắt xuyên Á-Âu đã được thúc đẩy thuận lợi. Đường sắt nối các tỉnh tây nam Trung Quốc với Đông Nam Á lục địa bắt đầu khởi động. Về đường biển, một số hải cảng đã được triển khai ở Campuchia, Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên vẫn chưa có số liệu tổng hợp về tổng số tiền đầu tư của Trung Quốc và các nước liên quan trong gần 3 năm qua. Các phát biểu tại Hội thảo cho thấy Đường tơ lụa trên biển mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và Trung Quốc đang nghiên cứu gắn kết nó với hợp tác Đông Nam Á/ASEAN.
Biển Đông là lối ra vào chính của Đường tơ lụa trên biển. Cuộc xung đột Biển Đông mấy năm qua trở ngại lớn cho việc triển khai ý tưởng liên kết các cảng biển tại các nước Biển Đông.
Các đại biểu dự Hội thảo quốc tế tại Hải Nam về gắn kết OBOR với sự phát triển chung tại khu vực Biển Đông mở rộng bao gồm toàn bộ Đông Nam Á |
Biển Đông không phải là nội dung chính trong các phiên thảo luận tại Hội thảo, nhưng không tránh khỏi được đề cập đến trong các tham luận và các thảo luận. Những người tham dự Hội thảo đã chỉ ra sự cần thiết tìm kiếm giải pháp trên biển đồng thời thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nan Á, hy vọng hai quá trình có thể bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau.
Quan điểm và vai trò Việt Nam trong OBOR được sự quan tâm đáng kể, nhất là sau khi chính quyền Duterte của Philippines đã “ngả bài” với Trung Quốc, nhận được 24 tỷ USD đầu tư và tín dụng của Bắc Kinh nhờ một lập trường thân Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc sau khi ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000 bắt đầu xây dựng các dự án “Hai Vành đai, Một hành lang kinh tế Việt-Trung”. Cuộc xung đột Biển Đông đã đình trệ việc triển khai các dự án này. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Bắc Kinh tháng 9 vừa rồi, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thực hiện nghiên cứu phương án khả thi về kết nối “Hai vành đai, Một hành lang kinh tế” với OBOR. Ông Zhang Jiannping, Tổng Vụ trưởng Hợp tác kinh tế quốc tế thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc, cho biết sắp tới Trung Quốc sẽ tổ chức các khóa nghiên cứu về việc kết nối này với các bên hữu quan Việt Nam.
Đại biểu Việt Nam nêu rõ, giới nghiên cứu và dân chúng Việt Nam quan tâm theo dõi quá trình OBOR. Tuy nhiên, Trung Quốc cần có lập trường xây dựng giải quyết xung đột Biển Đông, nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin và tránh những va chạm trên biển đối với tàu thuyền ngư dân Việt Nam là rất trọng đối với công chúng Việt Nam.
Lỗ Tấn từng nói “Trái đất xưa vốn chưa có đường, do người đi mà thành”. Các bên cần nỗ lực đổi mới tư duy nhận thức và hành động, thì Con đường tơ lụa trên biển mới trở thành hiện thực./.
Nguyễn Ngọc Trường (Viết từ Hải Khẩu, Hải Nam)