(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông của nước này.
Theo hãng AP, các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông của nước này sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí hạt nhân với "tốc độ nhanh nhất có thể" trong lễ duyệt binh đầu tuần trước.
Trong một tuyên bố, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên phóng một vật thể chưa xác định ra vùng biển phía đông song chưa công bố chi tiết loại vũ khí vừa thử nghiệm. Việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa được cho là "mối đe dọa nghiêm trọng", làm suy yếu hòa bình, an ninh quốc tế và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuyên bố nêu rõ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Won In-choul đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Tướng Paul LaCamera, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) về vấn đề này. Hai quan chức nhất trí duy trì thế trận phòng thủ chung vững chắc.
Phía Nhật Bản cũng lên tiếng về việc phát hiện vụ thử lần này của Triều Tiên.
"Hàng loạt các hành động đe dọa hòa bình, an toàn và ổn định đối với cộng đồng quốc tế của Triều Tiên là không thể chấp nhận được", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với báo chí trong chuyến thăm Rome.
Thủ tướng Kishida cũng cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về vụ phóng khi gặp gỡ Thủ tướng Italy Mario Draghi vào cuối ngày 4/5.
"Chúng tôi sẽ trao đổi quan điểm về tình hình khu vực ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đông Á. Và tôi sẽ giải thích cặn kẽ thực tế của khu vực, bao gồm cả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên để làm rõ hơn về tình hình cấp bách ở Đông Á", ông Kishida nói.
Thứ trưởng quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki nhấn mạnh tên lửa được cho là đã phóng xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Chưa có báo cáo về thiệt hại hay thương vong của tàu thuyền và máy bay trong khu vực.
Hiện chưa biết loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đã bay khoảng 470km, ở độ cao 780km. Trong khi đó, phía Nhật Bản khẳng định tên lửa đã bay khoảng 500 km ở độ cao tối đa 800km.
Triều Tiên sẵn sàng với "mục tiêu kép"
Giới quan sát cho rằng tốc độ thử tên lửa bất thường của Triều Tiên trong năm nay cho thấy nước này đang tăng cường "mục tiêu kép", vừa thúc đẩy các chương trình tên lửa vừa tiếp tục gây áp lực lên Washington sau thời gian dài chưa có bất kỳ đàm phán hạt nhân nào giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể cũng muốn thúc đẩy mục tiêu mở rộng kho vũ khí để giành được sự công nhận của quốc tế và ép Mỹ phải nới lỏng các trừng phạt đối với nước này.
Một trong số các vụ thử vũ khí gần đây của Triều Tiên đã bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ. Tín hiệu này cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân ở cơ sở thử nghiệm xa xôi ở phía đông bắc nước này.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giới thiệu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bay tới lục địa Mỹ và các đồng minh trong cuộc duyệt binh lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu, ông Kim khẳng định sẽ phát triển kho vũ khí với tốc độ nhanh nhất có thể và cảnh báo Triều Tiên sẽ sử dụng vụ khí hạt nhân nếu lợi ích quốc gia bị đe dọa.
"Trước đây, Triều Tiên cũng từng thể hiện sự cứng rắn sẵn sàng đối phó với các đối thủ bằng vũ khí hạt nhân trước bất kỳ thách thức nào. Tuy nhiên, tuyên bố lần này của ông Kim khiến các nước như Hàn Quốc lo lắng về an ninh", giới chuyên gia nhận định. Một số chuyên gia cho rằng học thuyết hạt nhân của Triều Tiên trong các tuyên bố gần đây cho thấy sự chuẩn bị của Bình Nhưỡng cho cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trong một số trường hợp cấp bách.
Vụ phóng ngày hôm nay (4/5) diễn ra trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ông Yoon Suk Yeol từng khẳng định sẽ thúc đẩy năng lực tên lửa và liên minh quân sự với Washington đối phó với các thách thức hạt nhân của Triều Tiên. Một số ý kiến cho rằng, các tuyên bố của ông Yoon có thể là khiến tình hình leo thang. Trong một tuyên bố, chính quyền Tổng thống Yoon tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ các hành động phô trương lực lượng của Triều Tiên và tìm kiếm hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Về phía phản ứng của Mỹ, một số chuyên gia nhận định phản ứng chậm chạp của Washington có thể làm gia tăng khả năng Triều Tiên mở rộng các hoạt động phát triển vũ khí trong thời gian tới. Cho đến nay, phản ứng của Mỹ đối với Triều Tiên chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng hoặc là đề nghị đàm phán mở. Triều Tiên từ chối tham gia đàm phán, yêu cầu Washington phải từ bỏ chính sách thù địch liên quan đến các trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng như chấm dứt các các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc./.