(Tổ Quốc) - Reuters đăng tải, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục rơi vào thế bế tắc sau 3 ngày thảo luận mà không đạt được kết quả thống nhất về một kế hoạch giải cứu nền kinh tế khỏi những tác động to lớn từ đại dịch COVID-19.
Sau một hội nghị thượng đỉnh kéo dài gần đạt thời gian kỷ lục, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhắc nhở 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU rằng, hơn 600.000 người đã thiệt mạng vì COVID-19 trên toàn thế giới và họ cần phải đoàn kết với nhau để đối phó với một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ.
"Hy vọng của tôi là chúng ta đạt được một thỏa thuận và tiêu đề ngày mai sẽ là EU đã hoàn thành được nhiệm vụ bất khả thi", ông Michel phát biểu tại bữa ăn tối thứ 3 liên tiếp tại trung tâm hội nghị Brussels. "Đó là mong ước từ tận trái tim tôi… sau 3 ngày làm việc không ngừng nghỉ".
Các nhà lãnh đạo căng thẳng với nhau xung quanh việc sử dụng khoản quỹ hồi phục được thiết kế để giúp EU vượt qua được cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ Hai cũng như những điều kiện đi kèm dành cho các quốc gia thụ hưởng tiền hỗ trợ.
Tiêu điểm là gói tài chính trị giá 1,8 nghìn tỷ euro cho ngân sách dài hạn và quỹ hồi phục của EU. Khoản tiền 750 tỷ euro đề xuất cho quỹ hồi phục được đánh giá là một bước đi lịch sử hướng tới mục tiêu hòa hợp sâu sắc hơn giữa các thành viên. Phần lớn quỹ này dự kiến cấp cho các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Địa Trung Hải.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde chỉ ra, sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo có được một gói cứu trợ "tham vọng" thay vì đạt được một thỏa thuận nhanh chóng với bất kỳ giá nào.
"Lý tưởng nhất, hiệp định giữa các nhà lãnh đạo nên thể hiện sự tham vọng về quy mô và thành phần gói cứu trợ… ngay cả khi điều đó cần nhiều thời gian hơn", bà Lagarde nói.
Phát biểu trên cho thấy bà Lagarde không quá lo lắng về các phản ứng của thị trường tài chính nếu thượng đỉnh bị thất bại, đặc biệt khi EBC đang có số tiền 1 nghìn tỷ euro để mua lại các khoản nợ chính phủ.
Tại thượng đỉnh, nhóm các nước giàu có bắc Âu kêu gọi một quỹ hồi phục có quy mô nhỏ hơn và tìm cách giới hạn cách tiền trợ cấp được chia thành các khoản tài trợ và vay có thể chi trả được. Đáp trả, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte chỉ trích Hà Lan và các đồng minh (Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan) - là "tống tiền".
Ngoài ra còn có sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo liên quan tới một cơ chế pháp quyền mới có thể đóng băng các khoản tiền cho các nước vi phạm nguyên tắc dân chủ. Hungary đe dọa sẽ phủ quyết gói cứu trợ nếu việc phân phối phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các điều kiện pháp quyền.