(Tổ Quốc) - Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục 3 năm, với các mốc vận hành thương mại đều sớm trước hẹn, tiết kiệm chi phí vài trăm tỷ đồng cho Geleximco.
- 21.03.2019 Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: "Tôi bị sốc bởi tiếng vo ve của đàn ruồi từ bãi rác cạnh bãi biển"
- 20.03.2019 Những bức ảnh gây ám ảnh về rác thải nhựa tại bờ biển Việt Nam
- 14.10.2018 Tập đoàn An Phát Holdings tham gia phong trào chống rác thải nhựa
- 12.10.2018 Lễ phát động phong trào “chống rác thải nhựa”
Vận hành sớm 3 tháng
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 2 x 300 MW với hai tổ máy số 1 và số 2. Đây là Dự án nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân thực hiện đã chính thức hòa lưới điện cả 2 tố máy trong năm 2018.
Nhà máy được áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với trái tim là lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho hay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục, 3 năm với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng, tiết kiệm cho chủ đầu hàng trăm tỷ đồng.
Hệ thống phun sương trên hàng rào.
Cụ thể, ngày 16/5/2018 vận hành thương mại Tổ máy số 1; Ngày 29/7/2018 vận hành thương mại tổ máy số 2.Tính đến hết năm 2018, nhà máy đã đóng góp lên lưới điện quốc gia 1.278 tỷ Mwh, đạt doanh thu 2.200 tỷ đồng và từ năm 2019, sản lượng điện là 2.077 tỷ Mwh.
Nhà máy có kết cấu hiện đại, bên dưới mái vòm là khu vưc chứa than hàng trăm nghìn tấn, đủ để nhà máy hoạt động liên tục hơn 1 tháng. Nối liền mái vòm là đường băng tải dài hơn 3km chạy thẳng ra cầu cảng ven vịnh Cửa Lục cùng với tuyến đường bê tông vận chuyển đường bộ (khi băng tải gặp sự cố) chạy song song đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho hay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được xây dựng trong thời gian kỷ lục, 3 năm với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng, tiết kiệm cả vài trăm tỷ đồng.
"Mỗi năm, chúng tôi trả nợ gốc và lãi vay đầu tư Dự án này khoảng 4.000 tỷ đồng. Với gần 19.000 tỷ đồng vốn đầu tư, dự kiến, Tập đoàn sẽ trả nợ trong vòng 5 năm", ông Vũ Văn Tiền nhẩm tính.
Để lo than cho nhà máy chạy ổn định, Geleximco đã có sự chuẩn bị từ sớm, khi thời điểm than chưa khó, Tập đoàn đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Với hợp đồng mua than sớm sẽ giúp cho Dự án sẽ sử dụng chủ yếu từ nguồn than trong nước nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chủ động được nguồn nhiên liệu quan trọng phục vụ nhà máy vận hành trong dài hạn.
Không giữ môi trường, DN khó tồn tại
Rút ngắn thời gian đầu tư, đưa các tổ máy vào vận hành thương mại sớm trước hẹn vài 3 tháng nhưng chủ đầu tư Dự án không lơ là bất kỳ khâu nào, đặc biệt là vấn đề môi trường và xử lý tro thải nhiệt điện. Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi từ 90 - 99%. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống xử lý các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu…
Tất cả nước thải công nghiệp được xử lý, nước thải hợp vệ sinh, nước thải dầu mỡ và nước thải nhiễm than phải được thu gom và tái sử dụng trong điều kiện bình thường và không thải ra môi trường. Nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép xả thải số 3941/CP-BTNMT ngày 28/12/2018 cho Nhà máy.
Toàn cảnh dự án.
Để đảm bảo môi trường, Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long đã lắp đặt 2 hệ thống giám sát khí phát thải online tại ống khói và một hệ thống giám sát nước thải online tại kênh thoát nước làm mát tuần hoàn trong nhà máy và 3 hệ thống này đã được kết nối truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh.
Riêng với hệ thống giám sát nước thải bãi xỉ online cũng đang được Công ty tiến hành lắp đặt để truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh. Ông Vũ Văn Tiền cho rằng, Nhiệt điện Thăng Long chỉ là 1 trong rất nhiều dự án mà Tập đoàn Geleximco đã triển khai. Quan điểm xuyên suốt của Ban lãnh đạo Tập đoàn là với bất cứ dự án nào, nếu không giữ được môi trường thì doanh nghiệp không thể nào tồn tại được.
Bởi vậy, với Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Tập đoàn Geleximco đã đầu tư hơn 6 triệu USD, áp dụng công nghệ hiện đại trong vận chuyển tro xỉ, cho phép vận chuyển xỉ trong nhà máy ra bãi thải xỉ bằng hệ thống băng tải ống kín để tránh phát tán bụi ra môi trường.
Ngoài ra, lòng hồ xỉ được trải hệ thống vải địa kỹ thuật và kèm theo hệ thống thu gom nước mưa để đưa nước mưa từ bãi thải về xử lý. Bãi thải xỉ của nhà máy rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3. Nước thải trong bãi được thu gom, đưa về hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đến nay, bãi thải xỉ tro bay đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với hệ thống phun sương tự động, giảm thiểu khuếch tán bụi trong bãi thải xỉ...
Hoàn thành đầu tư Dự án nhiệt điện lớn chỉ trong 3 năm, bước đầu hòa lưới điện thành công, Tập đoàn Geleximco đã tính chuyện tới các dự án phát điện mới, nhưng là điện rác. "Chúng tôi dự tính đầu tư 2 Nhà máy điện rác để vừa giải quyết câu chuyện về rác thải tại các đô thị lớn, nhưng vừa đảm bảo có thêm được nguồn điện phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Dự kiến, mỗi nhà máy điện rác có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD, công nghệ Nhật Bản, đã được triển khai nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản", ông Tiền cho biết.
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có tổng vốn đầu tư gần 19.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB). Nhà máy có số tổ máy là 2x310 MW; nhiên liệu sử dụng gồm than cám 6a.1 và 6a.4. Tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ: 2.093.000 tấn/năm/2 Tổ máy. Nhà máy có tổng mặt bằng: 124.44ha, trong đó diện tích nhà máy chính 34.66ha; Bãi thải xỉ 57,49ha; Cảng than 12.39ha; Khu vực phụ trợ 19,9ha.
Nguồn: Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long