• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều chính sách nhằm đẩy lùi bạo lực gia đình

Văn hoá 18/08/2024 09:59

(Tổ Quốc)- Bạo lực gia đình không chỉ gây ra nhiều tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo lực và các thành viên khác trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Chính vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành các cấp cùng như toàn xã hội.

1/3 phụ nữ từng bị bạo lực gia đình

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện năm 2019 đã chỉ ra rằng: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra) và cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, thiệt hại chi phí do bạo lực thể xác với phụ nữ do chồng hoặc bạn tình gây ra làm suy giảm năng suất lao động của phụ nữ, dẫn đến thiệt hại đáng kể đối với toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại năng suất lao động khoảng 100 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Năm 2023, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt được một số kết quả đáng khích lệ, các chỉ tiêu về bạo lực gia đình hầu như đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 như: 74,6% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận biện pháp hỗ trợ tư vấn; 100% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại khá nhức nhối trong xã hội. 

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, gồm có 2.628 nữ và 565 nam.

Tình trạng bạo lực gia đình không chỉ xảy ra với nạn nhân là nữ giới, mà còn xảy ra ở cả nam giới, dưới những hình thức bạo lực khác nhau. Số vụ và số nạn nhân của nạn bạo lực gia đình năm 2023 đều giảm so với năm 2022, nhưng tỷ lệ nạn nhân là nam giới lại có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù số nạn nhân nam bị bạo lực gia đình tăng so với trước đây, tuy nhiên có thể thấy, nữ giới vẫn là nạn nhân chính trong các vụ bạo lực gia đình, gấp trên 4,6 lần nam giới.

Tổng số người gây bạo lực gia đình năm 2023 là 3.208 người, trong đó nam giới là đối tượng chủ yếu gây ra các vụ bạo lực gia đình. Cụ thể, trong tổng số người gây bạo lực gia đình kể trên, có 2.677 người là nam giới, gấp 5 lần so với con số 531 người là nữ giới. Số người gây bạo lực gia đình chịu các hình thức xử lý là hơn 2.900 người; trong đó, có 129 người bị xử lý hình sự.

Nhiều chính sách nhằm đẩy lùi bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Các chính sách pháp luật của Việt Nam nhằm phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai một cách nhất quán, đồng bộ và kịp thời (ảnh minh họa)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Điển hình là định kiến giới về vai trò, vị trí của nam giới và nữ giới trong lao động, việc làm, gia đình. 

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu cũng chỉ ra, tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn ra chính bởi sự cam chịu từ phía nạn nhân do nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo, vì cho rằng đó là chuyện trong nhà, thậm chí cảm thấy xấu hổ khi bị hàng xóm biết.

Phần lớn các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Điều này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu chính xác, đồng thời ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bạo lực gia đình còn gặp khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch. Một số chỉ tiêu liên quan thông qua các cuộc Tổng điều tra, khảo sát được thực hiện định kỳ với kỳ hạn còn dài nên khó khăn trong việc thu thập số liệu đánh giá hàng năm. Do đó, số nạn nhân và vụ việc bạo lực gia đình trên thực tế có thể còn nhiều hơn số liệu được thống kê.

Tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động

Trong nhiều năm, Việt Nam luôn quan tâm, dành nhiều chính sách để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế, quan trọng hơn cả là đảm bảo hạnh phúc gia đình, thúc đẩy phát triển “tế bào” của xã hội, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Các chính sách pháp luật của Việt Nam nhằm phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai một cách nhất quán, đồng bộ và kịp thời.

Theo đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên Hợp Quốc về quyền con người. Sau gần 15 năm thực hiện (từ năm 2008 đến năm 2023), Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực và giảm tình trạng bạo lực gia đình theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.

Luật cũng là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/ (Nghị định 144) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, tạo cơ sở răn đe và chống lại nạn bạo lực gia đình thông qua xử phạt tài chính. Theo đó, những vi phạm đối với người trực tiếp gây ra các hành vi bạo lực gia đình như: Xâm hại sức khỏe, hành hạ, ngược đãi, xúc phạm, cô lập, xua đuổi, bạo lực về kinh tế… và nhiều hành vi khác được quy định cụ thể sẽ có mức xử phạt hành chính từ 05 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy hành vi và mức độ vi phạm. Các hành vi liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình khác có mức phạt từ 500 nghìn đến 20 triệu đồng.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được ban hành từ năm 2007 và ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, gồm 06 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022).

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, với nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu và sự thay đổi của xã hội trong tình hình mới. Theo đó, Luật mới tăng lên 16 hành vi so với 09 hành vi được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, trong đó có nhiều hành vi mà trước nay nhiều người chưa nghĩ tới đó là bạo lực gia đình và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Đồng thời, mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân; chủ động phòng ngừa; đặt người bị bạo lực gia đình là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung nhiều quyền của người bị bạo lực gia đình; quy định các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình...

Ngày 01/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Nghị định 76) để làm rõ và củng cố thêm. Theo đó, Nghị định 76 quy định chi tiết các khoản: Khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 12; khoản 3 Điều 19; khoản 5 Điều 20; khoản 2 Điều 22; khoản 8 Điều 25; khoản 2 Điều 30; khoản 3 Điều 39; khoản 5 Điều 40; khoản 3 Điều 42 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

Để triển khi thi hành Luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, ngày 18/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 428/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Kế hoạch xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan, các địa phương trong việc tổ chức thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trọng việc triển khai, thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.

Bên cạnh Luật và các Nghị định, nhiều chính sách phòng, chống bạo lực gia đình cũng được triển khai một cách quyết liệt. Ngày 13/02/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động để từng bước giảm dần tình trạng này và kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Trong đó, các đối tượng là nạn nhân, có nguy cơ trở thành nạn nhân được quan tâm, chú trọng, mục tiêu là 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; 90% người bị bạo lực khi phát hiện sẽ được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe.

Phòng, chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là nhiệm vụ chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc./.



* Vụ Gia đình- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ