(Tổ Quốc) - Nhiều hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Hải Dương xây dựng Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa; Đoàn kịch nói Hải Phòng cho ra mắt người yêu nghệ thuật sân khấu vở kịch nói "Phong tỏa" là những thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sự kiện nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn"; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và ý thức tự giác của mỗi người dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Anh hùng, thành phố Vì hòa bình, thành phố sáng tạo.
Theo đó, chuỗi hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức; các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện.
Cụ thể, trọng tâm của chuỗi hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là Lễ kỷ niệm mang chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, sức sống trường tồn", dự kiến diễn ra ngày 10/10.
Đi kèm với sự kiện là các hoạt động dâng hương tưởng niệm, chương trình trưng bày, triển lãm, ra mắt sách chuyên đề, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, kéo dài từ ngày 1 đến 15/10, như: Triển lãm chuyên đề "1010 năm vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long"; xuất bản Sách ảnh "Văn hiến Thăng Long bằng chứng khảo cổ học"; Ra mắt phim "1010 năm Thăng Long - Hà Nội"; Hội sách "Văn hiến Thăng Long - Hà Nội"; Liên hoan du lịch làng nghề, phố nghề 2020; Liên hoan văn hóa ẩm thực Hà Nội 2020; Tuần lễ phim lưu động lịch sử cách mạng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Giải chạy truyền thống Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 47 - Vì hòa bình năm 2020...
Cũng trong dịp này, tại nhiều điểm đến di sản văn hóa Hà Nội, sẽ diễn ra các hoạt động hội thảo, giáo dục truyền thống mang chủ đề "Thăng Long - Hà Nội ngời sáng truyền thống văn hiến - anh hùng", như: Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị Tổ Trung hưng của đất nước Việt Nam"; cuộc vận động, sáng tạo văn học, nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; cuộc thi tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới...
Cùng với đó là các hoạt động giao lưu với các đơn vị, địa phương trong nước, như các chương trình quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Hòa Bình, tỉnh Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh....
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội gắn liền với các sự kiện của thành phố: Đại hội thi đua yêu nước Hà Nội giai đoạn 2020-2025, hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu, vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020; kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020); kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn (8/10/1960 - 8/10/2020); Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Hải Dương: Những năm qua, xác định được ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa, huyện Thanh Miện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phong trào thi đua xây dựng "Làng văn hóa", "Khu dân cư văn hóa" trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền triển khai tích cực, người dân vô cùng hưởng ứng. Phong trào đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt, giúp từng bước chuyển dịch kinh tế, thúc đẩy văn hóa phát triển.
Một trong những kết quả nổi bật của phong trào xây dựng Làng văn hóa tại Thanh Miện là việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao nông thôn. Đến nay đa số các thôn/khu dân cư của huyện đã có đủ các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể và văn hóa văn nghệ.
Những kết quả từ việc xây dựng và phát huy danh hiệu Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cấp xã và cấp huyện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng Làng văn hóa ở một số địa phương trong huyện còn bộc lộ những hạn chế: Một số thôn chưa có nhà văn hóa, vẫn còn một số đám cưới tổ chức phô trương, lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư còn xảy ra...
Tuy nhiên, những hạn chế này đã và đang được cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội huyện Thanh Miện quyết liệt chỉ đạo nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống cộng đồng dân cư...
Hải Phòng: Sau một thời gian dài gián đoạn do đại dịch Covid-19, Đoàn kịch nói Hải Phòng vừa cho ra mắt người yêu nghệ thuật sân khấu vở kịch nói "Phong tỏa". Đây là tác phẩm thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số thứ 9, được ghi hình và phát sóng trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
"Phong tỏa" do các tác giả Hà Đình Cần và Lê Thu Hạnh biên kịch, NSND Lê Hùng làm đạo diễn, NSƯT Phùng Lệ Thu - Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng chỉ đạo nghệ thuật. Với vở kịch này, Đoàn kịch nói Hải Phòng lần thứ 3 tham gia biểu diễn trong Đề án trên với sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Đoàn và các đoàn: Múa rối và Cải lương thành phố.
Hải Phòng năm 1972, giai đoạn chống chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, có biết bao người thợ đã trở thành những chiến sỹ cảm tử phá bom mìn, thủy lôi, mở những con đường máu thông luồng ra biển, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần thống nhất đất nước… Trong bối cảnh đó, "Phong tỏa" được xây dựng theo nguyên mẫu về người Anh hùng lao động Phạm Trọng Hiệp - Giám đốc Nhà máy sản xuất cơ khí chế tạo Hải Phòng thời kỳ sau chiến tranh, bước vào khôi phục sản xuất.
Những câu chuyện đầy kịch tính, hấp dẫn xoay quanh ông và những người đồng đội đã tái hiện lại thời kỳ máu lửa với những hy sinh, thử thách song đầy vinh quang. Hòa bình lập lại, ông cùng đồng đội tiếp tục "xông pha" trên mặt trận phát triển kinh tế, phải đối mặt nhiều rào cản bởi cơ chế cũ, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Chính nhờ ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, những người lính dũng cảm, mưu trí năm xưa nay lại vững vàng chèo lái, vực dậy phục hồi sản xuất. Và họ, lần thứ 2 trở thành những người anh hùng trên mặt trận kinh tế.
Với thông điệp ngợi ca đất và người Hải Phòng, thành phố của những người thợ với những tấm gương điển hình đi đầu trong chiến đấu và lao động, vở kịch "Phong tỏa" được Hội đồng Nghệ thuật thành phố cũng như những nhà chuyên môn đánh giá cao về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện.
Thành công của vở kịch đã góp phần đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá về lịch sử, đất và người Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu nghệ thuật, đồng thời tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.