• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều kết quả trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Thừa Thiên Huế

Văn hoá 18/12/2022 13:06

(Tổ Quốc) - Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn.

Huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) có hai dân tộc chủ yếu là dân tộc Kinh và Cơ Tu cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43% dân số toàn huyện. Đời sống văn hóa khá đa dạng của đồng bào gắn liền với các điều kiện tự nhiên của huyện. Các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn phong phú được đúc kết qua nhiều thế hệ gắn liền với các hoạt động lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái thực sự là tài sản quý giá, làm nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

Trong những năm qua, Huyện ủy và UBND huyện Nam Đông đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể.

Nhiều kết quả trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông.

Thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020"; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Nam Đông đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 25/02/2020 về thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" trên địa bàn huyện.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh, huyện đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể như: Đề án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển Văn hóa du lịch giai đoạn 2021 – 2025...

Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; các thiết chế văn hóa được xây dựng đi vào hoạt động; nhiều chương trình, kế hoạch về sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được thực hiện… tất cả đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Cụ thể, về văn hóa vật thể, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa nhà Gươl tại các xã định canh, định cư đang được chú trọng quan tâm xây dựng, có 36/37 thôn có nhà văn hóa thôn. Đã phát huy được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân cũng như tổ chức các hoạt động khác của nhân dân trong các dịp lễ, tết.

Tại Nhà văn hóa dân tộc huyện trưng bày các hiện vật giới thiệu về lịch sử cách mạng huyện, về văn hóa, con người của dân tộc Cơ Tu qua quá trình lao động sản xuất và phát triển với 137 hiện vật. Qua khảo sát tại các xã, thị trấn, hiện nay có 280 hiện vật về lao động sản xuất, nhạc cụ… được người dân tại địa phương lưu giữ. Bước đầu đã phục vụ được cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn và một số đoàn khách ngoài huyện quan tâm tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về về lịch sử địa phương cũng như về văn hóa của người Cơ Tu.

Nhiều kết quả trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Qua khảo sát tại các xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đông, hiện nay có 280 hiện vật về lao động sản xuất, nhạc cụ… được người dân tại địa phương lưu giữ.

Về văn hóa phi vật thể, hiện nay trên địa bàn huyện có 109 nghệ nhân dân gian, người hiểu biết về văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay đã mở 13 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu như đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa truyền thống đã thu hút hơn 350 học viên tham gia,.. Công tác bảo tồn và phát huy dân ca, dân nhạc, dân vũ được chú trọng, các địa phương đã phục dựng lại các lễ hội, các làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống... đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc miền núi Nam Đông nói riêng và văn hóa Huế nói chung.

Thực hiện công tác bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống của dân tộc thiểu số. Hàng năm, UBND huyện Nam Đông cũng đã chỉ đạo Phòng VH&TT phối hợp với các xã định canh định cư trên địa bàn huyện mở các lớp bảo tồn về dân ca, dân nhạc, dân vũ như: Truyền dạy đánh cồng chiêng, nói lý hát lý, các điệu múa; nhạc cụ, đan lát, ẩm thực, điêu khắc truyền thống của dân tộc Cơ Tu cho thế hệ trẻ... đã thu hút được nhân dân trên địa bàn huyện tham gia, hưởng ứng.

Phòng VH&TT huyện Nam Đông cho hay, các lớp bảo tồn được tổ chức với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận biết đánh cồng chiêng, nói lý hát lý và các điệu múa truyền thống… nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật, bản sắc dân tộc. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ kế cận tiếp nối để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống dân ca, dân nhạc, dân vũ cho các thế hệ hôm nay và mai sau; giúp cho đông đảo lứa tuổi biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống nói chung phục vụ trong các dịp lễ, hội của quê hương, đất nước.

Nhiều kết quả trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho đồng bào Cơ Tu.

Ngoài ra, các lễ hội cũng được tổ chức thông qua sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, các điệu múa, ca múa nhạc được lồng ghép vào các chương trình, hội diễn văn hóa văn nghệ tham gia cấp tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa ở khu dân cư… Trong năm 2022, địa phương đã phục dựng thành công Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu biểu diễn trong Ngày hội VHTT&DL tổ chức tại huyện và tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Vừa qua, tại hội thảo "Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu" tại huyện Nam Đông, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông đã có những cách làm hay, sáng tạo để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đồng thời nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những định hướng quan trọng để giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu. Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, trưởng bản những người giữ gìn hồn cốt bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ