(Tổ Quốc) - Theo ông Lê Quang Trung, Cục Phó Cục Việc làm cho biết, có rất nhiều người, nhiều vị trí lao động Việt Nam đã đào tạo bồi dưỡng đảm đương được vị trí của lao động nước ngoài.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu vấn đề di cư quốc tế là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam trở nên linh hoạt và đa dạng hơn với dòng lao động nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đông hơn.
Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là những khó khăn trong công tác quản lý. Theo thống kê, trong những năm gần đây, số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng. Hiện nay, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.
Theo ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quy định của Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc ở 4 vị trí gồm chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kĩ thuật và nhà quản lý với điều kiện là lao động Việt Nam không đáp ứng được.
Quy định của Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc ở 4 vị trí gồm chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kĩ thuật và nhà quản lý
Do đó, nhà nước chỉ cấp phép cho lao động nước ngoài mà lao động Việt Nam không cấp phép được. Còn ở các địa phương, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp khi tuyển lao động nước ngoài bao giờ cũng phải làm thủ tục đăng ký nhu cầu sử dụng và phải được chấp thuận mới được phép sử dụng. Bên cạnh đó, khi thông báo tuyển lao động thì người sử dụng phải đặt ra điều kiện tiêu chuẩn sử dụng.
"Về việc này, cơ quan quản lý địa phương phải kiểm soát rất chặt từ khâu đăng ký nhu cầu đến khâu tuyển dụng rồi khâu giao kết, tuyển dụng lao động có nhất quán hay không và sau khi cấp giấy phép xong ký hợp đồng lao động có đúng quy định hay không"- ông Trung nhấn mạnh.
Được biết, trong thời gian tới, Cục Việc làm sẽ tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý lực lượng lao động trong các doanh nghiệp cơ quan tổ chức có liên quan nhằm kịp thời ngăn chặn và phát hiện trường hợp trái phép.
"Đây là xu hướng chung khi doanh nghiệp tăng đầu tư và hoạt động, đặc biệt là khi Việt Nam xuất hiện một số ngành nghề mới đòi hỏi người lao động nước ngoài vào làm việc thì việc quản lý sẽ khó khăn hơn. Việc khó khăn nhất có lẽ rằng là việc ý thức, tuyên truyền rồi phố biến pháp luật, ý thức chấp hành của doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ng nc ngoài và kế đến là người nước ngoài đến Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"- ông Trung cho hay.
Trong những năm qua, có rất nhiều trường hợp người nước ngoài khi đến Việt Nam không tuân thủ pháp luật như là theo quy định. Nhưng trường hợp này nhẹ thì xử phạt hành chính, trường hợp nào chưa có giấy phép lao động thì trục xuất.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho biết, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thường ở vị trí cao. Vì vậy, tiền lương của lao động nước ngoài hoặc tiền lương ở Việt Nam cũng theo thị trường không thấp hơn so với nhà nước quy định vì lao động nước ngoài vào lao động ở Việt Nam là những người mà phải thực hiện theo quy định của bộ luật lao động, chính vì vậy mức lương là theo thỏa thuận và theo thị trường.
Dẫu vậy, trong thời gian qua, lao động trong nước cũng đã có những bước phát triển mạnh khi làm việc với lao động nước ngoài. Có rất nhiều người, nhiều vị trí lao động Việt Nam đã đào tạo bồi dưỡng đảm đương được vị trí của lao động nước ngoài.
"Nhưng trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và người lao động Việt Nam vươn lên để làm sao thay thế bằng được vị trí của lao động nước ngoài"-ông Trung cho hay.