• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều "sóng gió" tiềm ẩn trong đối thoại trực tiếp Tổng thống Trump – Tổng thống Putin

Thế giới 31/03/2020 09:30

(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đã điện đàm thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc giá dầu lao dốc và đại dịch virus corona.

Hai nhà lãnh đạo "bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về phạm vi lây lan của virus corona" và "thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ hơn", theo một tuyên bố của Điện Kremlin về cuộc gọi điện thoại khá lâu này.

Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố riêng rằng ông Trump và ông Putin đã "đồng ý hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua G20" để chống lại virus và cú sốc kinh tế do lệnh cấm đi lại và giữ khoảng cách xã hội.

Tuyên bố của cả hai phía đều cho biết vấn đề bất ổn của thị trường dầu mỏ đã được thảo luận, và thông tin từ phía Nhà Trắng có đề cập đến thỏa thuận về "tầm quan trọng của sự ổn định trong thị trường năng lượng toàn cầu".

Còn phía Điện Kremlin chỉ thông tin về việc hai bên "trao đổi ý kiến" về dầu mỏ.

Trước đó, ông Trump đã nói rằng ông sẽ thông qua cuộc điện đàm như thế này để nêu ra lập trường phản đối cuộc chiến giá cả Nga - Saudi Arabia – điều làm giảm giá dầu thế giới và "thực sự làm tổn thương" ngành năng lượng Mỹ.

Nhiều "sóng gió" tiềm ẩn trong đối thoại trực tiếp Tổng thống Trump – Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Hai thông báo từ Nga và Mỹ về cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo có 1 số nội dung khác nhau. Ảnh: AFP.

"Đây là cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Nga ... và cả hai đều mất trí rồi", ông Trump nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn ngay trước khi trò chuyện với ông Putin. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ phải nói có lẽ chúng ta phải tăng giá dầu, còn giờ chúng ta phải làm vậy", ông Trump nói.

Đòn trừng phạt?

Ông Trump cũng nói với kênh Fox rằng ông dự đoán ông Putin sẽ thông qua cuộc điện đàm này để thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

"Ông ấy có thể sẽ yêu cầu điều đó", ông Trump nói với Fox News. "Ông ấy đã hỏi điều đó trong hai năm."

Ông Trump không nói phản ứng của ông sẽ là gì, lưu ý rằng ông đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng ông cũng nói thêm: "Họ không thích điều đó. Thành thật mà nói chúng tôi nên hướng đến hòa thuận."

Cả tuyên bố của Điện Kremlin và Nhà Trắng đều không đề cập đến các biện pháp trừng phạt.

Phần lớn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đều được áp đặt liên quan tới việc Moscow sáp nhập Crimea và điều các nhà điều tra Mỹ cáo buộc là Moscow đã tiến hành can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – cuộc bầu cử mà ông Trump đã giành chiến thắng.

Hôm thứ Năm tuần trước, ông Putin đã nói với các nhà lãnh đạo G20 trong một hội nghị được tiến hành trực tuyến rằng ông muốn tạm ngừng các lệnh trừng phạt – đây là "vấn đề của sự sống và cái chết" trong đợt bùng phát virus corona toàn cầu.

Trong các bình luận của mình, ông Putin không nêu rõ quốc gia nào ông đang nói đến nhưng Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả sự suy sụp kinh tế từ virus corona và sự sụt giảm giá dầu.

Ông Trump thường phản đối việc trừng phạt Moscow còn Nga thì cũng luôn bác bỏ việc can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ. Nhưng chính đảng Cộng hòa, vốn có lập trường cứng rắn với chính phủ của ông Putin, đã thúc giục ông Trump phải áp đặt nhiều lệnh trừng phạt vào Nga. Đồng thời, mối quan hệ nồng ấm giữa ông Trump và ông Putin cũng là một nguồn cơn gây tranh cãi không ngừng ở Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông Trump đã bác bỏ các thông tin rằng Nga và Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng virus corona bằng cách đưa ra thông tin sai lệch nhằm đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng xấu. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích tờ Washington Post, gần đây đã đưa tin về vấn đề này, cho rằng họ đưa tin giả.

Ông Trump sau đó đã đặt câu hỏi tại sao Nga bị nhiều người ở phương Tây coi là kẻ thù và ông cũng đặt ra nghi ngờ về điều tồn tại trong nhiều thập kỷ, liên minh xuyên Đại Tây Dương vững chắc giữa Hoa Kỳ và Đức.

Ông nói về người Nga: "Tôi không nói họ là trẻ con, tôi không nói họ hoàn hảo. Nhân tiện, chúng tôi cũng có thể thảo luận về điều đó. Tôi không nói họ hoàn hảo". "Nhưng bạn có biết họ cũng đã chiến đấu trong Thế chiến II, họ đã mất 50 triệu người. Họ là đối tác của chúng ta trong Thế chiến II". "Còn Đức đã hưởng lợi từ thương mại của chúng ta trong nhiều năm. Họ trả quá ít trong NATO ... và bây giờ chúng ta không nói chuyện với Nga, chúng ta lại nói chuyện với Đức".

Câu hỏi về Venezuela

Một vấn đề khác nằm trong sự tranh chấp giữa Mỹ và Nga là Venezuela. Washington, được sự hỗ trợ của hàng chục quốc gia khác, đã cố gắng nhưng không thành công, ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập lật đổ Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro. Nga, Trung Quốc và 1 số nước khác thì thể hiện lập trường sát cánh với ông Maduro.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết "Tổng thống Trump nhắc lại rằng tình hình ở Venezuela rất tồi tệ và tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc chứng kiến sự chuyển đổi dân chủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng đang diễn ra".

Tuyên bố của Điện Kremlin không đề cập đến vấn đề Venezuela.

Công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft hôm thứ Bảy tuần trước cho biết họ sẽ rút khỏi Venezuela và nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với một công ty con Rosneft - một phần trong nỗ lực của Washington nhằm làm tê liệt các nguồn thu của chính phủ Maduro - hiện nên được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, Nga vẫn là một đối tác quan trọng đối với Caracas, không chỉ về vấn đề năng lượng mà còn cả vấn đề ngoại giao và chính trị.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ