• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn vào đạo đức cầu thủ (Bài 3): Xử lý nghiêm để làm gương cho VĐV khác

Thể thao 23/05/2024 08:06

(Tổ Quốc) - Trước những vấn đề về còn tồn tại ở một số cá nhân VĐV, mà gần nhất là sự việc của 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh bị bắt do sử dụng chất cấm, ngành TDTT đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết triệt để.

Sẽ có kế hoạch cụ thể để kiểm tra VĐV

Phòng, chống các loại hình, biểu hiện tiêu cực luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành thể thao Việt Nam và cũng là yêu cầu tiên quyết của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng.

Trong mỗi buổi lễ xuất quân tham dự các kỳ đại hội thể thao của đoàn thể thao Việt Nam, hay tại các cuộc họp với ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng luôn yêu cầu các HLV, VĐV đề cao tinh thần trung thực, trong sáng với tinh thần thể thao cao thượng, tuân thủ quy định, pháp luật.

Nhìn vào đạo đức cầu thủ (Bài 3): Tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, chính trị, tư tương, đặc biệt là lối sống cho VĐV - Ảnh 1.

Các Liên đoàn cũng như đơn vị quản lý VĐV cần tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, chính trị, tư tưởng, đặc biệt là lối sống cho VĐV (Ảnh: VADA)

Đối với sự việc vừa qua, trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định, đây là vấn đề có liên quan rất lớn tới lối sống, công tác giáo dục và đào tạo VĐV. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục TDTT đã lập tức yêu cầu các đơn vị tăng cường rà soát, quản lý các VĐV tránh những vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng tới sự nghiệp nói riêng và hình ảnh Thể thao nước nhà nói chung.

Tại cuộc họp với các đơn vị trực thuộc, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã yêu cầu các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và các hệ thống đào tạo VĐV tại các địa phương trên toàn quốc rà soát, quản lý chặt chẽ VĐV.

Phía Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ thi đấu đối với các cầu thủ vi phạm, đồng thời đề nghị lãnh đạo và BHL các CLB/đội bóng cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tăng cường tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của các chất gây nghiện, tuân thủ các quy định của pháp luật cho các cầu thủ; chủ động kiểm tra, phát hiện, cương quyết ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm; chủ động phối hợp với VFF, BTC giải, các cơ quan an ninh để phát hiện và cùng tham gia ngăn chặn.

"Chúng ta cần phải tăng cường, siết chặt các vấn đề này. Đầu tiên là phải xử lý nghiêm, làm gương cho các VĐV khác. Tiếp đến, các Liên đoàn cũng như đơn vị quản lý VĐV cần tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, chính trị, tư tưởng, đặc biệt là lối sống cho VĐV.

Cuối cùng, đưa ra các giải pháp mang tính chất mạnh mẽ hơn là có kế hoạch kiểm tra VĐV liên quan đến vấn đề sức khỏe, nguy cơ sử dụng chất cấm, đặc biệt là bóng đá. Trong những mùa giải sau sẽ có kế hoạch cụ thể để kiểm tra" - Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Ông Đặng Hà Việt chia sẻ thêm, với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống doping, ngăn chặn việc VĐV sử dụng các chất cấm và các phương pháp cấm trong hoạt động thể thao, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục TDTT xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch phòng, chống, đồng thời các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền.

Công tác bảo vệ quyền và nghĩa vụ của VĐV để hướng đến vì một nền thể thao lành mạnh, công bằng, không doping luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thể thao tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động thể thao tại nước ngoài.

Thông tư quy định rõ, tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam có quyền kiểm tra doping đối với mọi VĐV theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Cơ quan quản lý VĐV, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam kiểm tra doping VĐV trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới. Thông tư này cũng quy định về trách nhiệm của VĐV trong việc phòng, chống doping, chất cấm.

Cần thực hiện song song biện pháp kỹ thuật và biện pháp mang tính giáo dục

ThS.BS Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng Y học thể thao VFF, nguyên Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam khẳng định, công tác tuyên truyền phòng, chống doping, đặc biệt là các chất gây nghiện đã được ngành TDTT thực hiện trong nhiều năm và không chỉ gói gọn trong bộ môn Bóng đá. Từ năm 2020, Trung tâm doping và y học thể thao quốc gia đã tổ chức tuyên truyền trong phạm vi toàn bộ các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình tuyên truyền của các cơ quan quản lý, bản thân VĐV cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để ý thức rõ hơn trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Vì đây là điều quyết định sự nghiệp của một VĐV chuyên nghiệp. Bất cứ vi phạm nào dù cố tình hay vô tình đều đưa đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tập luyện, hình ảnh cá nhân và đôi khi đánh đổi cả sự nghiệp.

Nhìn vào đạo đức cầu thủ (Bài 3): Tăng cường công tác giáo dục về đạo đức, chính trị, tư tương, đặc biệt là lối sống cho VĐV - Ảnh 2.

Bên cạnh những chương trình tuyên truyền của các cơ quan quản lý, bản thân VĐV cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để ý thức rõ hơn trong việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng...(Ảnh minh họa: VADA)

"Đây là một trong những điều mà chúng tôi cũng rất muốn lưu ý các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cần phải ý thức, hiểu rõ ràng hơn về các quy quy định trong Bộ luật phòng, chống doping thế giới cũng như các quy định pháp luật về phòng, chống doping của Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Phú nói.

Chia sẻ với báo chí, ông Dương Vũ Lâm - cựu Phó Chủ tịch VFF cho hay, các CLB ở nước ngoài họ không quản lý cầu thủ sau giờ tập luyện và thi đấu, nhưng thường thì vào buổi sáng, họ có thể kiểm tra doping, kiểm tra chất cấm đột xuất với cầu thủ. Trong vài trường hợp các CLB nghi ngờ thông qua biểu hiện của cầu thủ vào những buổi sáng, họ càng kiểm tra kỹ hơn. Khi đó, những người sử dụng chất cấm chắc chắn không thể giấu được đội bóng chủ quản.

"Một khi các CLB có biện pháp như thế, được trang bị hệ thống y tế phù hợp để kiểm tra đột xuất cầu thủ như thế, các cầu thủ sẽ ít dám vi phạm nội quy. Đấy là chưa kể ở các giải đấu quốc tế, Ban tổ chức giải cũng kiểm tra doping thường xuyên, nên cầu thủ nào sử dụng chất cấm sẽ bị phát hiện ngay" - ông Dương Vũ Lâm cho hay.

Cũng theo cựu Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm, trước đây, giải V-League có kiểm tra doping các cầu thủ theo kiểu đột xuất. Họ nhìn biểu hiện của cầu thủ ở trên sân, ví dụ như hôm đấy cầu thủ đấy chạy khỏe một cách bất ngờ, hoặc mỏi mệt một cách bất thường, người đó có nguy cơ bị kiểm tra rất cao.

Ông Vũ Lâm cho rằng, để phòng tránh chất cấm trong bóng đá, cần thực hiện song song biện pháp kỹ thuật và biện pháp mang tính giáo dục./.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ