(Tổ Quốc) - Tổng thống Putin đã có một dự đoán về nhà vô địch World Cup 2018, mà không phải bất kỳ ai trong 32 đội tuyển.
Khi quay trở lại vai trò Tổng thống Nga vào năm 2012, ông Vladimir Putin đã từ bỏ hành trình tìm kiếm sự chấp nhập vào nhóm các siêu cường có ảnh hưởng lớn nhất tới toàn cầu; thay vào đó, bằng nhiều biện pháp khác nhau, ông nỗ lực tự khẳng định một vị thế riêng biệt cho nước Nga.
“Chúng tôi không muốn trở thành một quốc gia bị toàn cầu hóa, điều đó đã qua rồi”, Vladimir Frolov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại độc lập chỉ ra. “Chiến lược đối ngoại của Nga là trở thành một con mèo có thể tự mình đi”.
Các sự kiện thể thao lớn như Thế Vận hội Mùa đông Sochi và World Cup đã xây dựng hình ảnh của Nga trong vai trò một nước lớn, giúp gia tăng lòng tự hào dân tộc và làm giảm đi sự cô lập đến từ phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt quốc tế, trục xuất ngoại giao…
“Không có nhiều câu lạc bộ mà Nga tham gia,” Gleb Pavlovsky, một cựu cố vấn của Điện Kremlin nói. “Chúng tôi đang trải qua một thời kỳ cô lập, và điều quan trọng cho nước Nga đó là chứng tỏ mình vẫn là một thành viên trong nhóm các cường quốc”. “Hoặc ít nhất là, Nga nên là một thành viên.
Mặc dù vậy, xét về mặt này, Olympics Mùa đông 2014 Sochi lại không thực sự thành công. Các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối tham dự, và thành tích huy chương ấn tượng của đoàn Nga bị che khuất bởi cáo buộc chính phủ tài trợ cho một chương trình doping.
World Cup 2018 – sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh mỗi bốn năm, khai mạc vào tối ngày 14/6 – đem đến một cơ hội lớn khác.
Ngoài ra, những căng thẳng trước đó giữa Mỹ và châu Âu liên quan tới thương mại đã bùng nổ tại thượng đỉnh G7 hồi tuần trước – chỉ vài ngày trước khi World Cup diễn ra, được coi là một “khuyến mại” ngoài mong đợi. Kết hợp với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hồi sinh nhóm G8 với sự tham gia của Nga, dường như Moscow đang đứng trước một sự khởi đầu hứa hẹn nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, bất chấp những vấn đề tại Ukraine và Syria vẫn chưa được giải quyết.
Nga mong muốn thể hiện vai trò một cường quốc qua việc đăng cai World Cup 2018 |
"Tình huống quốc tế có lợi nhất cho Nga kể từ năm 2013"
Các nhà lãnh đạo từ các nước nghiêng theo đường lối dân túy như Hy Lạp, Hungary, Italy và Áo đều bày tỏ sự ủng hộ với ông Putin. Hồi tháng Năm, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều công du tới Nga để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có cả thỏa thuận Iran.
“Hiện tại là tình huống quốc tế có lợi nhất cho Nga kể từ năm 2013,” ông Frolov nhận định.
Tuần trước, khi được hỏi về căng thẳng giữa châu Âu và Mỹ, Tổng thống Putin trả lời, từ lâu ông đã cảnh báo các nhà lãnh đạo EU về việc Mỹ đang mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu thông qua lệnh trừng phạt và các biện pháp khác.
Sau đó, người đứng đầu nước Nga cũng bày tỏ mong muốn đưa nước Nga trở thành một người bạn tin cậy của châu Âu.
“Ông Putin không nghĩ rằng mình cần phải thay đổi bất kỳ điều gì”, chuyên gia Frolov nói. “Quyết định của Tổng thống Trump đã làm giảm bớt áp lực phải thay đổi”.
Tất nhiên, vẫn có không ít những nỗ lực quốc tế nhằm duy trì áp lực lên Moscow trước World Cup. Tổ chức Quan sát Nhân quyền đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tẩy chay lễ khai mạc trừ khi Nga đồng ý bảo vệ dân thường Syria. Một số chính trị gia châu Âu cũng đồng tình khi đề cập đến vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh hồi tháng Ba và coi đó là một ví dụ mới nhất cho việc “ông Putin coi thường các giá trị châu Âu”. Còn gia đình của 40 nạn nhân người Australia bị thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay MH17 cùng viết một lá thư, đề cập đến cáo buộc chính một đơn vị quân đội Nga bắn quả tên lửa định mệnh; đồng thời gọi đây là một “bóng đen” đối với World Cup 2018.
Tuy nhiên, tại những phần còn lại của thế giới nơi những giá trị Mỹ không được chào đón, ông Putin lại rất nổi tiếng. Vì vậy, một kỳ World Cup thành công có thể sẽ củng cố đáng kể quyền lực mềm của Nga.
Hơn 3 tỷ USD đã được đổ vào chiến dịch “tái làm đẹp” thủ đô Moscow thông qua mở rộng lối đi bộ, trồng cây, cung cấp các dịch vụ như cho thuê xe máy, và cả việc lần đầu tiên biển báo của hệ thống tàu điện ngầm được dịch sang chữ cái Roman (trước đây hầu hết là viết bằng chữ Nga)…
Và mặc dù tuyển Mỹ không vượt qua vòng loại, nhưng số người Mỹ mua vé các trận đấu World Cup lần này chỉ đứng sau người Nga.
Trong khi đó, ông Putin, người mới bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư cũng đã không ngừng nỗ lực để “tiếp lửa” cho một tinh thần đoàn kết quốc gia và niềm tự hào về những thành tựu của đất nước.
Khi Nga được trao quyền tổ chức Olympic Mùa đông 2014, ông Putin đã gọi đó là sự đánh giá của thế giới dành cho nước Nga, và khẳng định chỉ một cường quốc mới có thể tổ chức một sự kiện quy mô như vậy. Trở thành nước chủ nhà World Cup 2018 chắc chắn cũng mang ý nghĩa tương tự, đặc biệt là sau khi một cuộc điều tra của FIFA đã xóa bỏ các cáo cuộc Nga hối lộ để giành được quyền đăng cai.
“Đối với Điện Kremlin: năng lực tổ chức một sự kiện quốc tế ở đây gần giống như chiến thắng một cuộc chiến tranh nhỏ”, ông Pavlovsky nói. “Quy mô là rất quan trọng. Quy mô càng lớn càng chứng tỏ quyền lực của chính quyền”.
Tất nhiên, không thể bỏ qua yếu tố kinh tế. World Cup sẽ làm phân tán sự chú ý của người dân Nga – những người đang phải đối mặt với nền kinh tế cấm vận và một tương lai ảm đạm. Nó cũng sẽ khiến các tỷ phú Nga phải “xì tiền”. Chi phí tổ chức các trận đấu tại 11 thành phố đã đội giá từ ước tính ban đầu là 640 triệu USD lên tới 11 tỷ USD.
Cuối cùng, nên nhớ ông Putin là người rất yêu thể thao. Ông học chơi khúc côn cầu sau khi trở thành Tổng thống, và từng nhiều lần được chụp ảnh đang bơi hay cưỡi ngựa để ngực trần. Theo ông, đăng cai World Cup sẽ giúp quảng bá thể thao và lối sống lành mạnh tới người dân Nga; và có lẽ cả góp phần cải thiện tương lai của đội tuyển bóng đá quốc gia nước này.
Khi được hỏi ai sẽ là người chiến thắng trong kỳ World Cup năm nay, Tổng thống Nga đã rất thông minh khi trả lời: chính là các nhà tổ chức.