(Tổ Quốc) - Đối với Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang lại độc lập, tự do cho dân tộc mà còn để lại những bài học lịch sử có giá trị.
Trong những năm 1930-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng cả nước dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng vẫn tiếp tục phát triển, nhất là sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941.
Năm 1943, Đại tướng Nguyễn Quyết được điều động lên Hà Nội hoạt động. Ở thời điểm đó, Hà Nội có vị trí chiến lược đặc biệt, đây chính là cơ quan đầu não của phát xít Nhật. Nếu không thanh toán được cơ quan đầu não này, phong trào cách mạng của nước ta rất khó thành công.
Trước tình hình này, việc xây dựng các cơ sở cách mạng được xem là một nhiệm vụ sống còn. Nhớ lại những ngày đó, Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết: "Có những gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ. Nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên trong xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến say mê lý tưởng cách mạng đã dấn thân hoạt động sôi nổi. Nhờ có các cơ sở cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã đứng vững, từ đó bắt mối phát triển phong trào ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân".
Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3-1945, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương, trên cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết đã tập trung phát triển mạnh các đội tự vệ. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nhằm động viên quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, các đội tuyên truyền xung phong đã tổ chức những hoạt động táo bạo, dồn dập ở ngoại thành cũng như trung tâm thành phố với các hình thức đấu tranh ngày càng cao và quyết liệt.
Đỉnh cao là cuộc mít tinh chiều 17-8-1945 do Tổng hội Viên chức của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn đã nhanh chóng biến thành cuộc mít tinh và tuần hành thị uy của ta. Quần chúng hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” ngay trước cơ quan chỉ huy cao nhất của phát xít Nhật ở Hà Nội.
Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn nhớ rõ thời điểm quan trọng của Cách mạng Tháng Tám, ngay tối 17-8-1945, trên cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Ủy viên Quân sự của Ủy ban Khởi nghĩa, ông đã triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng để từ đó đi đến quyết định khởi nghĩa sau khi phân tích, đánh giá tình hình kỹ lưỡng.
Ngày 19-8-1945, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11h tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội. Sau đó, theo kế hoạch, quần chúng chia làm hai khối. Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát Hàng Trống do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách. Đại tướng Nguyễn Quyết phụ trách đoàn chiếm Trại Bảo an binh.
Thực tiễn cuộc giành quyền kiểm soát Trại Bảo an binh đã thể hiện phương thức đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang và công tác ngoại giao, giúp Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu.
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, Trại Bảo an binh lúc bấy giờ có khoảng 1.000 quân của chính quyền thân Nhật đồn trú, đứng sau là hơn 1 vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại. Do khéo vận động, thuyết phục, ta đã không phải nổ súng mà vẫn chiếm được trại, chiếm được kho vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng.
Một khó khăn đặt ra thời điểm đó là quân Nhật điều 2 xe tăng và rất nhiều binh lính đến bao vây, uy hiếp, ra tối hậu thư buộc ta hạ vũ khí. Trước tình thế đó, ta đã sáng tạo, dùng biện pháp ngoại giao, phân tích cho chỉ huy quân Nhật hiểu tình thế của họ khi Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng phe đồng minh, vận động họ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, chờ ngày về nước đoàn tụ với gia đình. Kết quả, quân Nhật đã rút lui, lực lượng của ta được bảo toàn.
Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá "Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước".
Theo Đại tướng Nguyễn Quyết, thực tiễn Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này cho thấy, công tác binh vận, địch vận đã đóng góp quan trọng trong thắng lợi chung của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều quan lại cấp cao của triều đình nhà Nguyễn, nhiều sĩ quan quân đội Nhật được giác ngộ đã tham gia hàng ngũ Việt Minh, không tiếc xương máu chiến đấu vì độc lập, tự do của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa...
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, những bài học làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.