• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những câu hỏi của ĐBQH về tình trạng bỏ trốn tại các đại án

Thời sự 18/11/2017 14:50

(Tổ Quốc) -Sáng 18/11, tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, các ĐBQH đã nêu lên thực trạng về những vụ bỏ trốn tại các vụ án tham nhũng lớn.

Có dấu hiệu chuyển tội danh

ĐBQH Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn có tình trạng kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Có vụ khởi tố từ 2014 đến nay chưa kết thúc.

Trong khi đó, lại có có trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài thậm chí - ngay tại thời điểm chuẩn bị khởi tố.  Bà Nga nêu các ví dụ như trường hợp Dương Chí Dũng trước đây, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy.

 Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm. Ảnh: Nam Nguyễn

Tỷ lệ án tham nhũng, kinh tế trả hồ sơ để điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan cấp trung ương tiến hành. Tỷ lệ này là 71,1% vào năm 2017.

Một việc nữa mà bà Nga đưa ra đó là xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhất là ở việc xác định tội danh có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, chuyển từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, TP HCM, cũng cho hay, nhiều vụ tham nhũng lớn, bị can bỏ trốn nhưng lại có nhiều trường hợp bị ngăn xuất cảnh thời gian dài nhưng cuối cùng lại không có tội.

Dẫn một ví dụ về một trường hợp doanh nhân không được cho xuất cảnh, sau cả năm điều tra lại không có tội gì. "Trong những trường hợp đó làm sao để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bởi vì cấm người ta xuất cảnh, nếu sau này họ thiệt hại rồi kiện mình rằng làm mất cơ hội vài chục, vài trăm triệu đô, liệu mình có trả nổi không?"- ĐBQH này đặt câu hỏi.

Đại biểu Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Công an xem lại luật pháp hiện hành để vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân, vừa phòng, chống tham nhũng một cách chặt chẽ.

Bộ trưởng Công an: Giám sát đặc biệt đối với người liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng

Tham gia phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm, cho biết, năm 2017 cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý trên 91.000 vụ án với trên 129.000 bị can, xử lý trên 80%.

Các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng đã được khám phá nhanh chóng, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn do Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc được tập trung điều tra, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng thừa nhận việc phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng còn có hạn chế và chậm.

Liên quan tới nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã cho chủ trương là điều tra đến đâu xử đến đó và thời gian qua đã đưa ra  xét xử được một số vụ án. Việc khoanh vụ án lại để điều tra, truy tố, xét xử đã góp phần đưa nhanh vụ việc ra ánh sáng nhưng tổng thể tội phạm vụ án đó có thể không chứng minh đầy đủ được.

“Việc kéo dài thời gian còn liên quan đến thời gian thu thập tài liệu và điều này cũng phụ thuộc thời gian cung cấp thông tin của cơ quan chuyên môn, thời gian giám định. Với những vụ án vừa rồi, một phần đảm bảo tiến độ nhưng phải giải quyết triệt để vụ án từ xử lý đối tượng phạm tội, thu hồi tài sản, giải quyết phần dân sự”- ông Trí nói.

Còn Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp. Bộ sẽ phối hợp với các ban, ngành chủ động phát hiện, đẩy nhanh công tác điều tra...

Với một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, quy định pháp luật trước đây nêu chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn với bị can, bị cáo.

Theo đó, đây là thời điểm không được áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra xử lý vụ án.

Sau khi diễn ra tình trạng trên, Bộ đã chỉ đạo lực lượng chức năng truy bắt, đưa tội phạm về để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. “Quá trình đó nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho người bỏ trốn thì kiên quyết xử lý” – Bộ trưởng Công an khẳng định.

Vì lý do này, quá trình xây dựng Luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm, xét thấy cần ngăn chặn ngay việc bỏ trốn ra nước ngoài hoặc ngăn chặn tiêu huỷ chứng cứ, thì cơ quan chức năng kiến nghị giám sát đặc biệt đối với người liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng; cho phép áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt.

“Quy định này đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018”- Bộ trưởng Công an cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm bên hành lang Quốc hội sáng 18/11 cho hay: vấn đề hiến tạng của tử tù, đây là thông tin không chính xác, bởi luật pháp không cho phép việc này. Về hình ảnh được đăng tải ngày thi hành án, bữa ăn cuối cùng trước khi “tiêm thuốc độc” với bị án Nguyễn Hải Dương, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật pháp không nghiêm cấm thông tin về việc này. Tuy nhiên không nên đưa thông tin cụ thể về việc như vậy. Bộ Công an sẽ xem xét lại vấn đề này.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ