• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới

Thực hiện: Minh Nhật | 15/12/2022

(Tổ Quốc) - Phía sau những chiếc áo đấu, móc chìa khóa hay bất kỳ vật dụng nào liên quan đến World Cup là cả một dây chuyền sản xuất vận chuyển cực công phu, linh hoạt.

World Cup 2022 chưa kết thúc nhưng đã mang lại quá nhiều cảm xúc cho người hâm mộ trên khắp hành tinh. Và có lẽ, hai từ "bất ngờ" sẽ chính xác nhất để miêu tả về lễ hội bóng đá đang diễn ra ở Qatar.

Ai mà ngờ được, chỉ mới ngày thứ 2 thi đấu, đội tuyển Argentina do siêu sao Messi dẫn dắt lại “bất ngờ” để thua Saudi Arabia, đội kém họ tới 48 bậc trên bảng xếp hạng thế giới.

Chẳng ai đoán được rằng ứng cử viên sáng giá cho cúp vô địch là Đức lại thua Nhật Bản.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 1.

Cũng không ai đoán được chủ nhà Qatar sớm chia tay World Cup với kết quả 3 trận toàn thua. Còn đội tuyển Hàn Quốc do “Ngôi sao châu Á” Son Heung Min dẫn đầu mạnh mẽ đánh bại Bồ Đào Nha của Ronaldo ngay ở phút bù giờ, hay "những chú sư tử Atlas" Ma-rốc chiến thắng ngoạn mục trước Bồ Đào Nha, giành vé vào bán kết.

Cho đến giây phút cuối cùng, trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, không một cầu thủ nào có thể biết trước số phận của mình và đội bóng.

Cũng bởi World Cup lần này có thể là giải đấu cuối cùng của một loạt huyền thoại nổi tiếng như Messi, Ronaldo, Suarez, Muller... nên tuy căng thẳng và hấp dẫn nhưng cũng phảng phất nỗi buồn chia xa.

Nghệ thuật nắm bắt thời cơ trong kinh doanh

Thất vọng, chiến thắng cuồng nhiệt, trọng tài VAR, giải nghệ... mọi thứ về World Cup đang thu hút sự chú ý của cả thế giới trong mùa đông này. Nhưng riêng với người hâm mộ Trung Quốc, ngoài các trận đấu hấp dẫn thì khách sạn container, xe buýt năng lượng mới, khăn quàng cổ, móc chìa khóa, những vật dụng mang nhãn mác "Made in China" thực sự khiến họ cảm thấy vô cùng tự hào.

Ở bên này lục địa châu Á, chỉ cách chảo lửa Qatar vài giờ bay, các nhà máy của đất nước tỷ dân vẫn đang "cày ngày cày đêm" để sản xuất nhiều sản phẩm liên quan đến World Cup phục vụ người hâm mộ trong và ngoài nước.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 2.

Nhiều nhà máy phải tăng cường số lượng công nhân để sản xuất trong thời gian diễn ra World Cup. Dù là logo của từng chiếc áo đấu hay hình in trên từng chiếc cốc, tất cả đều là kết quả của quá trình sản xuất chuyên sâu.

Theo thống kê trên các phương tiện truyền thông, dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp World Cup, các thương nhân từ khắp nơi ở Trung Quốc thậm chí đã hình thành "vành đai sản xuất đồ World Cup", chẳng hạn như Đông Quan sản xuất đồ chơi liên quan đến World Cup; Thâm Quyến là vùng công nghiệp 3C (máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng), Phật Sơn là vùng sản xuất đồ dùng gia đình, Tuyền Châu sản xuất trang phục thể thao, Nghĩa Ô bán đa dạng các loại hàng hóa...

Đồng thời, nhận thấy nhu cầu của người hâm mộ đối với các sản phẩm dành cho World Cup và năng suất của các nhà máy trên khắp thế giới ngày càng tăng, một số thương nhân cũng đã kết nối 2 đầu cung và cầu, thông qua nền tảng phát sóng trực tiếp thương mại điện tử. Như vậy hâm mộ có thể xem trận đấu vui vẻ hơn, đồng thời tạo thu nhập cho nhà máy.

Lấy nền tảng Douyin - đơn vị giành quyền phát sóng World Cup 2022 - làm ví dụ. Trên sàn thương mại điện tử Douyin (nền tảng TikTok ở Trung Quốc), nhiều thương nhân bắt đầu phát trực tiếp World Cup theo hình thức "xem + bán hàng".

Tức là, họ vừa xem vừa bình luận với người hâm mộ. Họ phân tích chiến thuật tấn công của đội tuyển Argentina, thảo luận về tác động của các quả phạt đền VR đối với trận đấu, đồng thời rao bán áo đấu giống của Messi hay Ronaldo và các sản phẩm khác liên quan đến World Cup... Tất cả đều thuận theo sở thích của người hâm mộ.

Mua sắm trong khi xem bóng đá và thúc đẩy tiêu dùng. Đây cũng có thể trở thành một kỷ niệm đặc biệt đối với người hâm mộ Trung Quốc sau khi World Cup 2022 kết thúc.

Phía sau những món hàng đang "bán chạy như tôm tươi"

22h ngày 1/12 (giờ địa phương)

Tại Sân vận động Khor Bay, Qatar, khi hàng nghìn cổ động viên thót tim trước kết quả đội tuyển Đức giành chiến thắng nhưng vẫn phải dứt áo ra về thì ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi cách Qatar chỉ 5 giờ bay, bất chấp đợt gió lạnh ùa về, nhiệt độ giảm xuống xuống dưới 0 độ C, Vương Diễm Hoa cùng đồng nghiệp vẫn đang bận rộn với lô vải vừa nhập về.

Vài ngày trước đó, sau khi nhận được đơn đặt hàng chục nghìn chiếc áo khoác dành cho người hâm mộ từ thương hiệu Fang Juxing Power, Vương Diễm Hoa đã lập tức bắt tay vào tổ chức sản xuất.

Thương hiệu này là nhà phát triển sản phẩm được cấp phép của các đội tuyển quốc gia như Argentina và Bồ Đào Nha tại World Cup 2022 nên đương nhiên sẽ có một số lượng lớn đơn đặt hàng cho các nhà máy như của Vương Diễm Hoa.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 3.

Sau khi nhận được đơn đặt hàng, nhà máy cần liên hệ với nhà sản xuất vải đầu nguồn để có nguyên liệu, sau đó gửi vải đến nhà máy nhuộm. Tiếp theo là đo kích thước và chỉnh mẫu theo yêu cầu đặt hàng. Cuối cùng, đưa về xưởng may gia công chi tiết.

Sẽ mất khoảng 15 ngày để hoàn thành đơn hàng hàng chục nghìn chiếc trong cả quá trình.

Vương Diễm Hoa cho biết, xưởng của cô đã trở thành nhà cung cấp quần áo cho thương hiệu này từ đầu năm 2020. Thời gian hợp tác đã lâu, kích thước và chi tiết kiểu dáng tương ứng đã được lưu trữ, nên đơn hàng hàng chục nghìn chiếc chỉ cần thời gian sản xuất khoảng 8-10 ngày. Tính cả thời gian gián đoạn vận chuyển thì cũng chỉ thêm 1-2 ngày là thương nhân đã có đủ hàng trong tay.

"Các thương nhân đặt hàng và xưởng sản xuất về cơ bản đều ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc. Họ đều là đối tác cùng làm ăn nhiều năm rồi nên sẽ cố gắng hết sức để kiểm soát thời gian giao hàng trong thời gian ngắn nhất", Vương Diễm Hoa nói.

Chính vì quy trình sản xuất trong thời gian diễn ra World Cup quá chặt chẽ nên họ cần sắp xếp bước sản xuất tiếp theo ngay khi các vật liệu như các loại vải, phụ kiện, thẻ treo và nhãn chống hàng giả được chuyển đến, kể cả lúc sáng sớm.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 4.

"Nguyên liệu đến lúc 2-3 giờ ngày hôm đó, 6 giờ công nhân đến nhà máy và bắt tay làm luôn", Vương Diễm Hoa cho biết. "Vì có thông báo trước nên hơn 80 giờ công nhân trong nhà máy của chúng tôi không hề phàn nàn. Họ làm việc chăm chỉ. Đến 13 giờ trưa là hàng hóa đã được đóng gói và gửi đến mắt xích tiếp theo để sản xuất gấp rút".

Bởi vì phía thương hiệu có tiêu chuẩn sản phẩm tương đối cao, nên dù không có nhiều thời gian, nhưng mọi người cũng không buông lỏng yêu cầu đối về chất lượng.

Lấy ví dụ, một chiếc áo có tên Messi trên đó.

Hình thêu chữ "MESSI" được đặt ở mặt sau. Nhìn thì không phức tạp nhưng cần đến 50.000 đến 60.000 mũi khâu. Mặc dù kiểu chữ được thiết kế trên máy tính, nhưng công nhân vẫn phải tự tay đưa vải vào máy, ngay cả khi thiếu một mũi khâu, nó sẽ bị lộ sai sót.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 5.

Vì lý do này, Vương Diễm Hoa phải kiểm tra kỹ lưỡng ở mọi cấp độ, yêu cầu công nhân kiểm soát chất lượng quần áo, đến từng đường kim mũi chỉ.

Kể cả các hình thêu phức tạp như biểu tượng đội của đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha và Argentina cũng vậy, có tới 5 lần kiểm tra trước khi hoàn thành.

Mặc dù quy trình sản xuất tương đối nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng mọi sự phức tạp vẫn được giải quyết nhanh chóng. Hơn 80 công nhân cố định và hơn 30 công nhân thời vụ lành nghề luôn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào. Trong xưởng sản xuất rộng gần 3.000m2 với hơn 300 máy móc này, sản lượng xuất xưởng mỗi ngày có thể lên tới hàng nghìn chiếc.

Để đảm bảo nguồn cung, nhà máy của Vương Diễm Hoa thường chủ động lập kế hoạch năng lực sản xuất trước, dựa theo doanh số bán hàng từ phòng phát sóng trực tiếp trên sàn thương mại điện tử Douyin.

"Tại nhà máy của chúng tôi, khu vực trữ hàng khẩn cấp cho thương nhân rộng 800-900m2. Ngay khi họ cần, chúng tôi có thể ngay lập tức đẩy mạnh sản xuất và hoàn thành giao hàng", cô nói.

Chính vì dự đoán được đơn đặt hàng và sản lượng của các thương nhân hợp tác trong thời gian diễn ra World Cup 2022 mà cho đến nay, xưởng của Vương Diễm Hoa chưa bao giờ bị chậm hàng.

Đã 40 năm gắn bó với ngành sản xuất quần áo, Vương Diễm Hoa từng nhận và tham gia sản xuất 400.000 chiếc quần áo trong vòng 20 ngày. Nhờ có kinh nghiệm nên, một mặt, cô tương đối thành thạo trong việc sắp xếp sản xuất, mặt khác, cô cũng rất quan tâm đến công nhân trong dây chuyền sản xuất.

Trên thực tế, sự gia tăng đơn đặt hàng trong thời điểm diễn ra sự kiện lớn như thế này sẽ thực sự giúp người lao động tăng thêm thu nhập.

Vương Diễm Hoa chủ động tăng gấp đôi lương cho công nhân sản xuất để họ chủ động hơn trong công việc.

Ngoài những công nhân lâu năm, xưởng của Wang Yanhua còn tuyển dụng công nhân thời vụ, tùy theo số lượng đơn đặt hàng. Do có nhiều đơn đặt hàng nên dịp này, công nhân có thể thu nhập hàng trăm USD mỗi ngày.

Vừa xem bóng vừa kiếm tiền

Trong thời gian diễn ra World Cup, các nhà máy như của Vương Diễm Hoa đã đầu tư rất nhiều nhân lực và cả vật lực, huy động tổ chức các chuỗi cung ứng thượng nguồn và hạ nguồn có liên quan để sắp xếp sản xuất, cùng nhau vẽ nên một bức tranh sản xuất toàn diện.

Tương tự, trên phòng live Douyin, các thương nhân đóng vai trò kết nối 2 đầu nguồn cung và cầu.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2021, thương hiệu All Star Partner, hợp tác với xưởng của Vương Diễm Hoa đã bắt đầu chuẩn bị các sản phẩm liên quan World Cup. Từ sự kết hợp thông thường "hoạt động tiền bán hàng và hàng sẵn có", giờ đây nhờ "sức nóng" của giải đấu, một số lượng lớn hàng sẵn có đã được chuẩn bị. Theo thương hiệu này, sản phẩm sẵn có trước khi bắt đầu giải đấu đã vượt 100 triệu chiếc.

Sau giải EURO và Cúp bóng đá Nam Mỹ (Copa America) hồi năm ngoái, trong thời gian chuẩn bị cho World Cup, các thương hiệu Trung Quốc đã chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị sản phẩm, đào tạo người dẫn chương trình và tương tác tại chỗ của chương trình phát sóng trực tiếp.

Theo CEO Luo Bin, lý do khiến ông và đội ngũ nhân sự của mình chọn kinh doanh sản phẩm IP (sản phẩm được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ) dành cho người hâm mộ, một mặt xuất phát từ kinh nghiệm điều hành CLB fan hâm mộ Barcelona tại Trung Quốc trước đây. Từ đó ông nhận ra rằng các sản phẩm nhỏ bé như móc chìa khóa, khăn quàng cổ, áo thi đấu đi kèm phụ kiện nếu có IP mới khơi dậy được sự hào hứng của người tiêu dùng. Mặt khác, người hâm mộ luôn có cầu mà không có cung.

Với sự kết hợp của cả 2 yếu tố, họ bắt tay vào con đường phát triển giá trị của các sản phẩm IP liên quan đến bóng đá.

World Cup - "Món hời" không thể bỏ qua

Từ trước khi World Cup 2022 khởi tranh, "Đội Nghĩa Ô", trung tâm hàng hóa lớn nhất thế giới ở tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, đã giành một suất tham dự trận chung kết bằng cách cung cấp các sản phẩm thi đấu và hàng triệu quả bóng cho các đội tuyển, và cả giải đấu.

Theo Hiệp hội Hàng hóa Thể thao Nghĩa Ô, từ cờ của các quốc gia tham dự World Cup cho đến kèn và còi để cổ vũ, từ bóng đá đến áo thi đấu, từ khăn quàng cổ đến đồ trang trí World Cup, thì thành phố này đã chiếm gần 70% thị phần của tất cả các mặt hàng được sử dụng ở Qatar.

Giờ đây, tại Thành phố Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô, các chủ cửa hàng bận rộn nghe điện thoại để liên lạc với khách hàng nước ngoài và các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước về sản xuất. Khi lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh đến gần, nhiều xưởng ở Nghĩa Ô hoạt động hết công suất để cung cấp sản phẩm.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 7.

Một xưởng sản xuất áo bóng đá ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc.

Các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô đã thiết lập một mạng lưới vận chuyển từ giữa tháng 9 năm 2022, 2 tháng trước khi World Cup chính thức khai mạc. Mất khoảng 20 đến 25 ngày để các sản phẩm liên quan đến World Cup sản xuất tại Nghĩa Ô đi từ Ninh Ba và Thượng Hải đến cảng Hamad ở Qatar.

Ông Châu, một nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển có trụ sở tại Nghĩa Ô, nói với tờ Global Times rằng hàng hóa được vận chuyển đến cảng Ninh Ba - Chu Sơn của Chiết Giang từ Nghĩa Ô qua đường sắt, sau đó được chuyển đến Qatar, đến nơi trong vòng 20-25 ngày.

"Công tác hậu cần diễn ra suôn sẻ và cảng Nghĩa Ô thậm chí còn phải hoạt động 24/7. Chúng tôi cũng làm thêm giờ để đóng gói và giao hàng khi các đơn hàng vẫn đến tới tấp. Các nhà máy thì bận rộn sản xuất hàng hóa. Trung bình, chúng tôi gửi 10 container hàng mỗi ngày", ông Châu cho biết.

Đối với nhiều người bán hàng ở Nghĩa Ô, World Cup luôn là mùa bán hàng cao điểm, điều này cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ.

Wen Congjian, người sáng lập công ty Yiwu Danas Import & Export Co, tập trung vào áo bóng đá, là một trong số đó. Thời điểm bận rộn nhất là vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9 khi ông phải tăng thêm một ca cho công nhân làm việc từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối và gửi các đơn hàng thừa cho 8 nhà máy khác để tạo điều kiện sản xuất kịp thời.

"Chu kỳ sản xuất khoảng 20 ngày. Và trong vòng 30 ngày, áo thi đấu có thể được vận chuyển đến mọi nơi trên thế giới thông qua các container", Wen nói.

Qatar World Cup 2022 là giải đấu thứ tư mà Wen tham gia sản xuất kể từ khi bắt đầu kinh doanh. Trong 15 năm qua, công việc kinh doanh của ông đã mở rộng từ văn phòng chỉ có một người thành ba cửa hàng, đội ngũ bán hàng gồm hàng chục người và một nhà máy gồm 100 công nhân.

Theo AliExpress, một nền tảng bán lẻ trực tuyến thuộc Tập đoàn Alibaba, hơn 20 loại sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc được hưởng lợi lớn từ World Cup.

Những chiếc áo Messi với 60.000 mũi khâu và nghệ thuật vừa xem bóng đá vừa kiếm tiền gây ngỡ ngàng cho cả thế giới - Ảnh 8.

Hơn 10 triệu mặt hàng, chẳng hạn như thẻ chơi theo chủ đề bóng đá, bia, quần áo, cờ nhỏ và các sản phẩm liên quan đến World Cup, luôn có sẵn trên nền tảng giao dịch trực tuyến dành cho thị trường nước ngoài.

Chỉ trong tháng vừa qua, doanh số bán quần áo bóng đá tại thị trường Brazil đã tăng 680%. Một người bán trên AliExpress đã bán được hơn 10.000 áo bóng đá trong vòng một tuần và doanh số bán giày bóng đá bán cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 200% trong tháng 10.

"Nếu không có World Cup, doanh thu một năm có thể chỉ là 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD). Nhưng trong vài tháng trước World Cup, chúng tôi có lẽ đã vượt xa doanh thu đó, chưa kể các khoản thu khác", Wen nói.

Nguồn: The Paper, Globaltimes

NỔI BẬT TRANG CHỦ